2020 - Năm nông nghiệp vượt dông bão

Thứ 4, 13.01.2021 | 00:00:00
2,074 lượt xem

Năm 2020, ngành nông nghiệp nước ta liên tiếp gặp nhiều khó khăn, thách thức như dịch Covid-19, thiên tai (bão, lũ và hạn hán, mặn xâm nhập... đều vượt ngưỡng lịch sử, gây thiệt hại về kinh tế khoảng 39.945 tỷ đồng); dịch bệnh trong nông nghiệp, xu hướng bảo hộ thương mại ở nhiều quốc gia trên thế giới... Vượt qua những bão dông ấy, nông nghiệp nước ta vẫn duy trì được kim ngạch xuất khẩu (KNXK) và tốc độ tăng trưởng của toàn ngành. Tốc độ tăng trưởng của ngành gần bằng tăng trưởng của nền

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Năm 2020, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động đến đời sống, kinh tế-xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản; thiên tai liên tiếp xảy ra, thị trường tiêu thụ một số nông sản có xu hướng giảm và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, các nước gia tăng áp dụng những biện pháp bảo hộ, hàng rào kỹ thuật gây ảnh hưởng rất lớn cho ngành nông nghiệp... Trong bối cảnh đó, ngành luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, địa phương; sự chung sức vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân trên cả nước đã giúp ngành vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển, vừa phòng, chống tốt dịch bệnh... Nhờ vậy, năm 2020, toàn ngành đã đạt những kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 2,65%; tổng KNXK đạt 41,25 tỷ USD; hơn 62% tổng số xã trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%; thu nhập của cư dân nông thôn đạt trung bình 43 triệu đồng/người/năm.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành NN&PTNT năm 2020 mới đây, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận xét: "Lần đầu tiên tăng trưởng của ngành nông nghiệp bằng tăng trưởng của cả nền kinh tế đất nước. Số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trong 3 năm qua tăng gần 3 lần, hiện đạt khoảng 13.000 doanh nghiệp. Bộ NN&PTNT cũng là bộ thực hiện cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính kinh doanh nhiều nhất. Đây chính là những điều kiện góp phần giúp ngành nông nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức và sẽ bứt phá trong thời gian tới nếu những vấn đề này tiếp tục được đẩy mạnh".

2020 - Năm nông nghiệp vượt dông bão
Công đoạn sơ chế ngao xuất khẩu của Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam tại Nam Định. 

Lý giải về sự thành công trong xuất khẩu của ngành nông nghiệp năm 2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ: "Nếu không có sự chủ động phối hợp của Bộ NN&PTNT để giải quyết vấn đề tồn ứ nông sản thì người nông dân sẽ gặp khó khăn trong tiêu thụ nông sản. Năm 2020, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ Công Thương trong xúc tiến thương mại cho nông sản, sản phẩm gạo vào EU, nông sản vào Trung Quốc... Nhờ đó, nông sản của Việt Nam vẫn tăng được KNXK, dẫu các nước đẩy mạnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại.

Cơ hội nhiều, thách thức lắm

Hiện nay, Việt Nam tham gia 13 FTA với tất cả thị trường lớn trên thế giới. Chỉ tính riêng năm 2020, đã có nhiều FTA được ký kết hoặc đi vào thực thi, như: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực, giúp nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu vào EU được hưởng ưu đãi lớn về thuế. Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vừa được ký kết, mở ra cục diện tích cực, thuế quan được ưu đãi, hiệu quả kinh tế cao hơn, dòng chảy đầu tư, công nghệ, trao đổi hợp tác cũng được nâng lên.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc Việt Nam tham gia các FTA đem đến nhiều cơ hội cho nông sản Việt; song, đây cũng chính là những thử thách khi nông sản Việt phải cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài, chấp nhận cuộc chơi khốc liệt, hàng rào kỹ thuật, hàng rào phi thuế quan được dựng lên, thậm chí một số nước tiến tới con đường bảo hộ mậu dịch. Trong khi đó, trình độ phát triển logistics, trình độ quản trị của Việt Nam chưa hoàn thiện. Đây là những thách thức lớn Việt Nam phải đối mặt.

Nhìn nhận những cơ hội và thách thức với ngành nông nghiệp năm 2021, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Trước hết phải nhìn nhận, năm 2021, chúng ta vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn, dịch Covid-19 sẽ còn tác động đến kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, diễn biến khó lường, tác động đến nhiều ngành kinh tế, trong đó nông nghiệp chịu ảnh hưởng lớn nhất.

Trong bối cảnh đó, chúng ta cần xác định tập trung hai nhóm chương trình lớn, đầu tiên là tiếp tục tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, tập trung, khép kín chuỗi giá trị, trên cơ sở đồng bộ 3 nhóm sản phẩm chủ lực, gồm: Sản phẩm chủ lực quốc gia, nông sản thế mạnh của các tỉnh và các sản phẩm đặc sản quy mô địa phương. Thứ hai, trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới công tác quản trị trên nền tảng số, hướng đến nền nông nghiệp thông minh; quan tâm phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, để doanh nghiệp trở thành nòng cốt hạt nhân trong chuỗi liên kết, hình thành các hợp tác xã kiểu mới, giúp nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tạo thành trục liên kết đưa nền nông nghiệp phát triển theo hướng chủ động, hiện đại và hội nhập. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, phối hợp với các địa phương tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, đoàn thể, địa phương chú trọng giải pháp đào tạo để hình thành một thế hệ nông dân mới, hình thành lực lượng lao động chất lượng cao trong nông nghiệp, thúc đẩy các trung tâm đào tạo cả trong và ngoài ngành, hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại.

NGUYỄN KIỂM/QDND.VN

https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/2020-nam-nong-nghiep-vuot-dong-bao-648964

  • Từ khóa