Nông dân xuống đồng: Sản xuất đi đôi với phòng, chống dịch

Thứ 3, 16.02.2021 | 00:00:00
427 lượt xem

Ngay từ mùng 3 Tết, một số nông dân đã tranh thủ thăm đồng, gỡ bỏ ni lông che phủ trên diện tích mạ chuẩn bị diện tích để gieo cấy vụ lúa Xuân.

Ngày mùng 5 Tết, dù không khí Xuân, Tết vẫn còn ở nhiều làng quê nhưng nhiều nông dân đã tranh thủ xuống đồng, mang theo mong ước 1 năm mới gặt hái nhiều thành công, mùa màng bội thu.

Tranh thủ thời tiết nắng ấm, vạc lại bờ dẫn nước vào ruộng chuẩn bị gieo cấy, bà Nguyễn Thị Thu và chị Phạm Thị Thủy ở thôn Đồng Lạc, xã Hợp Hưng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định tranh thủ xuống đồng, bởi đối với nông dân, việc xuống đồng ngày đầu năm mới cũng quan trọng như ngày xuất hành, chọn ngày giờ đẹp, tiết trời thuận lợi và lòng người phấn khởi để có một mùa vụ bội thu.

“Ăn Tết xong mình tranh thủ đi vạc bờ chuẩn bị gieo cấy, diện tích của nhà khoảng 2 mẫu đều gieo sạ. Làm nông vất vả, mong nhà nước quan tâm hỗ trợ cho nước đủ và phân bón giá giảm một chút”, chị Thủy cho biết.

“Vui Tết nhưng đồng ruộng cũng phải sẵn sàng để gieo cấy đúng lịch thời vụ. Nhà năm nay nhà tôi cấy 1,4 mẫu ruộng, be bờ đã làm xong. Kế hoạch gieo cấy từ mùng 4 - 10 toàn bộ giống Bắc thơm. Nhà nông mong muốn quan tâm đủ nước cho nông dân gieo cấy”, bà Thu cho hay.

Nhiều nông dân tranh thủ xuống đồng gieo cấy lúa vụ Đông Xuân.

Nhiều nông dân tranh thủ xuống đồng gieo cấy lúa vụ Đông Xuân.

Vừa phòng chống dịch Covid 19 vừa đảm bảo sản xuất, ông Nguyễn Tấn Phát, Chủ tịch UBND xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội cho biết, ngay từ mùng 3 Tết, một số nông dân đã tranh thủ thăm đồng, gỡ bỏ ni lông che phủ trên diện tích mạ chuẩn bị diện tích để gieo cấy vụ lúa Xuân.

“Lê Lợi là 1 xã nông nghiệp, trong lúc này phải thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng chống dịch Covid-19 nhưng cũng phải phát triển kinh tế ở địa phương. Theo lịch thời vụ, xã đã triển khai đầy đủ kế hoạch, giải phóng đất và gieo mạ để nhân dân sản xuất vụ Xuân thắng lợi”, ông Phát cho biết.

Theo kế hoạch, vụ Đông Xuân 2020-2021 các tỉnh Trung du và Đồng bằng Bắc bộ sẽ gieo cấy khoảng 522.000 ha. Đảm bảo đủ nước phục vụ gieo cấy, đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi ở các địa phương đã tăng cường vận hành công trình đưa nước lên ruộng từ nguồn nước đã tích trữ trong hệ thống kênh mương, nguồn nước sẵn có trong nội địa và nguồn nước sông nếu đủ điều kiện vận hành…

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, dự kiến đến trước đợt 3 lấy nước đổ ải từ ngày 22 – 27/2, diện tích có nước gieo cấy lúa vụ Đông Xuân khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ sẽ tăng từ 10% - 15%, đạt mức trung bình toàn khu vực từ 90% -95%, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân gieo cấy.

“Theo truyền thống của nông dân Đồng bằng sông Hồng, sau tiết Lập Xuân người dân xuống đồng cấy nên các hệ thống thủy lợi cần lưu ý để công tác lấy nước cũng như chuẩn bị gieo cấy lúa phù hợp với điều kiện của từng vùng. Đợt 3 lấy nước sẽ giữ mực nước ở trạm thủy văn Sơn Tây là 2,5m trở lên, tập trung chủ yếu cho vùng Hà Nội đảm bảo mục tiêu đủ nước cho những diện tích gieo cấy trong năm nay”, ông Tỉnh nói.

Trước tình hình dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp tại một số địa phương, Bộ NN&PTNT cũng đã có Công điện đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chủ động triển khai các giải pháp ứng phó với những khó khăn về sản xuất, cung ứng và tiêu thụ nông sản trong thời gian sắp tới.

Theo đó, các địa phương tăng cường triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị số 05 của Thủ tướng Chính phủ, về một số biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19. Các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2021.

Người dân cần theo dõi thường xuyên tình hình sản xuất nông nghiệp tại địa phương, chủ động xây dựng các phương án ứng phó trong sản xuất, lưu thông, tiêu thụ hàng hóa nông sản thực phẩm khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT) lưu ý, trong điều kiện dịch Covid-19 có những diễn biến bất thường, các địa phương cần có phương án tạo điều kiện lưu thông hàng hóa như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống hợp lý. Bố trí nhân lực hỗ trợ các gia đình trong diện phong tỏa, cách ly do dịch, đảm bảo sản xuất đúng khung lịch thời vụ.

Hệ thống thủy lợi các địa phương tích cực lấy nước phục vụ việc gieo cấy lúa.

Hệ thống thủy lợi các địa phương tích cực lấy nước phục vụ việc gieo cấy lúa.

Nhận định về vụ Đông Xuân 2020-2021, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, trên cơ sở điều hành lấy nước đổ ải cũng như sự quyết liệt của chính quyền địa phương và nông dân cùng gieo cấy trong khung thời vụ, dự kiến vụ Đông Xuân năm nay sẽ tiếp tục được mùa.

“Vụ Đông Xuân năm nay “được ải” vì khi cày xong đã có nắng, nếu việc điều hành lấy nước hợp lý, cùng với sự tích cực của bà con nông dân xuống đồng lấy nước đúng lịch thời vụ, đây sẽ là năm vụ Đông Xuân ở Đồng bằng sông Hồng tiếp tục được mùa. Bộ NN&PTNT khuyến cáo các địa phương ủ ải đúng hướng dẫn và chuyển mạnh từ gieo sạ thành cấy bình thường”, ông Hiệp nói.

Một mùa Xuân mới đã về, sự tích cực, chủ động bắt tay vào sản xuất ngay những ngày đầu Xuân mới Tân Sửu của bà con nông dân sẽ góp phần quan trọng để các địa phương vượt qua khó khăn của dịch Covid 19 cũng như thực hiện thắng lợi mục tiêu hướng đến 1 nền nông nghiệp hiện đại, bền vững./.


Minh Long/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/nong-dan-xuong-dong-san-xuat-di-doi-voi-phong-chong-dich-837433.vov

  • Từ khóa