Xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính: Góp phần hiện đại hóa công tác quản lý đất đai

Thứ 6, 19.03.2021 | 15:14:19
560 lượt xem

Thời gian qua, các xã, phường, thị trấn đã và đang tích cực xây dựng, cập nhật và chỉnh lý cơ sở dữ liệu (CSDL) địa chính vào hệ thống phần mềm quản lý, vận hành của tỉnh và trung ương. Qua đó, góp phần hiện đại hoá công tác quản lý đất đai.

Để xây dựng CSDL địa chính, các chi nhánh văn phòng quản lý đất đai cấp huyện phải đưa những thông tin dữ liệu địa chính lên phần mềm hệ thống thông tin quản lý đất đai ELIS. Phần mềm này có nhiều phân hệ với những chức năng, mục tiêu hoạt động riêng nhưng đều chạy trên một nền tảng công nghệ và sử dụng một CSDL tập trung, thống nhất, mang lại nhiều tiện ích.

Cán bộ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Lộc Bình kiểm tra CSDL địa chính trên phần mềm ELIS

Bà Nông Thị Nương, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Lộc Bình cho biết: Đến nay, chúng tôi đã cập nhật thông tin của 407.776 thửa đất vào hệ thống phần mềm ELIS. Phần mềm cho phép hiển thị tất cả thông tin về quy hoạch, tình trạng pháp lý, diện tích của thửa đất… chỉ với một vài thao tác. Nhờ đó, việc kiểm tra, thẩm định nhanh hơn hẳn, rút ngắn được 70% đến 80% thời gian so với cách làm thủ công trước đây. Phần mềm cũng cho phép người dân truy xuất dữ liệu trực tuyến về thửa đất, lô đất, dự án, công trình đang thi công, quy hoạch mà họ quan tâm, tạo tính minh bạch trong quá trình thực hiện các thủ tục về đất đai.

Việc thực hiện dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính, CSDL đất đai trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện từ năm 2008, trong đó, việc cài đặt và sử dụng phần mềm ELIS bắt đầu tiến hành từ năm 2015. Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), đến ngày 17/3/2021, toàn tỉnh đã cập nhật thông tin của 2.301.929 thửa đất thuộc 164 xã, thị trấn vào hệ thống phần mềm này.

Để có được những kết quả trên, Sở TN&MT đã triển khai tập huấn, chuyển giao công nghệ, đào tạo, tập huấn sử dụng phần mềm cho cán bộ cấp huyện. Cụ thể, từ năm 2017 đến nay, Trung tâm Công nghệ thông tin TN&MT đã tổ chức 12 lớp tập huấn về vận hành, khai thác sử dụng hệ thống CSDL địa chính cho 320 học viên là lãnh đạo, viên chức chuyên môn văn phòng đăng ký đất đai trên địa bàn 11 huyện, thành phố; tạo 371 tài khoản cho cán bộ quản lý, vận hành từ cấp xã đến huyện, tỉnh và trang bị 2 máy chủ đặt tại Sở TN&MT để đảm bảo vận hành, khai thác CSDL một cách hiệu quả…

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, hiện nay, các huyện, thành phố cũng gặp phải một số khó khăn nhất định trong quá trình vận hành phần mềm như: hệ thống máy chủ và phần mềm hoạt động chưa thật sự ổn định, đôi khi còn chậm, mất kết nối hoặc xuất hiện thông báo lỗi; hạ tầng công nghệ thông tin còn hạn chế, chưa có hệ thống đường truyền chuyên dụng giữa các cấp nên chưa đảm bảo tốc độ và bảo mật…

Ông Ngô Viết Hải, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Để khắc phục khó khăn và tiếp tục đẩy mạnh việc cập nhật, chỉnh lý CSDL địa chính, CSDL đất đai trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tổng hợp những hạn chế từ phần mềm ELIS, báo cáo và đề nghị Bộ TN&MT xem xét, khắc phục. Song song với đó, chúng tôi tiếp tục tổ chức kiểm tra, thẩm định, rà soát hồ sơ trình UBND tỉnh điều chỉnh khối lượng theo thực tế thi công các dự án về xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính. Đặc biệt, tập trung đôn đốc, hướng dẫn UBND các huyện đẩy mạnh công tác đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính, từ đó, xây dựng CSDL đất đai đối với 61 đơn vị chưa thực hiện để đảm bảo 100% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh hoàn thành CSDL địa chính và CSDL đất đai cấp tỉnh vào năm 2025. Bên cạnh đó, tích cực bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ các cấp và đẩy mạnh cải cách hành hành chính, phổ biến, chia sẻ rộng rãi thông tin đất đai cho người dân và doanh nghiệp theo quy định.


ĐẶNG DŨNG/BAOLANGSON.VN

https://baolangson.vn/kinh-te/410159-xay-dung-co-so-du-lieu-dia-chinh-gop-phan-hien-dai-hoa-cong-tac-quan-ly-dat-dai.html

  • Từ khóa