Người trẻ khởi nghiệp: Hơn cả niềm đam mê

Thứ 7, 20.03.2021 | 14:51:25
297 lượt xem

Ngày càng nhiều bạn trẻ dám thử, dám thất bại để nhận về “quả ngọt”. Cái khiến họ đam mê không phải là giải thưởng, sự vinh danh mà đơn giản chỉ vì sản phẩm mình tạo ra có ích cho xã hội và để thế giới thấy được người trẻ Việt làm được nhiều điều.


Hoàng Tuấn Anh - “cha đẻ” của ATM gạo, AMT khẩu trang - Ảnh: VGP/Gia Mỹ

Làm được gì cho cộng đồng thì phải cố hết sức

Bắt đầu khởi nghiệp với lĩnh vực công nghệ từ khi còn học đại học tại Australia và kiếm được 1 triệu USD chỉ sau 6 tháng nhưng rồi “trắng tay” khi mở rộng quy mô dự án do thay đổi về chính sách của Chính phủ sở tại, Hoàng Tuấn Anh trở về Việt Nam, tiếp tục niềm đam mê công nghệ với vai trò Giám đốc điều hành PHGLock, một công ty chuyên phân phối sản phẩm điện tử thông minh.

Lúc đó, Tuấn Anh không nghĩ những vật dụng thông minh này giúp ích được cho cộng đồng nhiều đến vậy. Đầu năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, Tuấn Anh quyết định liên hệ và trao tặng hàng trăm chuông cửa camera cho các bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 tại TPHCM bởi trước đó, chính chiếc camera này đã giúp ích rất nhiều cho gia đình anh trong quá trình hỗ trợ, chăm sóc người mẹ bị ung thư.

“Ai cũng bận rộn nhưng nhờ công nghệ chúng tôi đã có thể quan sát liên tục và kịp thời hỗ trợ khi mẹ cần. Vậy nên theo dõi các thông tin về dịch bệnh, hiểu rõ sự quá tải mà hệ thống y tế đang phải đối mặt, tôi nghĩ ngay đến vật dụng này”, Tuấn Anh chia sẻ.

Đi xa hơn thế, Tuấn Anh nảy ra ý tưởng ‘ATM gạo’ để hỗ trợ cộng đồng. Dựa vào những máy móc được trang bị công nghệ thông minh tại công ty, sau 8 tiếng thực hiện, Tuấn Anh có được cây ATM gạo đầu tiên. Ban đầu, máy quá cồng kềnh, khó có thể di chuyển đi xa. Vậy là tiếp tục cải tiến. Phiên bản ATM gạo thứ hai đã có thể đi từ tỉnh này sang tỉnh khác. Đến phiên bản thứ ba, cây ATM gạo chỉ còn khoảng 1 mét vuông, có thể chứa gọn trên chiếc xe bán tải.

Trong mùa dịch năm 2020, hàng chục cây ATM gạo đã đến với người lao động nghèo trên khắp cả nước. Nơi nào cần chuyển giao công nghệ, Tuấn Anh đều hỗ trợ nhiệt tình. Hình ảnh những cây ATM gạo đầy nhân văn của Tuấn Anh không chỉ khiến báo chí trong nước quan tâm mà truyền thông thế giới cũng nhiều lời khen ngợi. Đến nay, nhiều cây ATM đã xuất ngoại, mang giải pháp hỗ trợ người nghèo trong mùa dịch đến nhiều nước trong khu vực.

Và sau ATM gạo, Tuấn Anh tiếp tục mày mò cho ra đời AMT khẩu trang miễn phí, với mong muốn chung tay nâng cao ý thức phòng dịch trong cộng đồng. “Khi cơn đói đi qua, nếu chúng ta không biết cách tự phòng dịch cho mình và người thân thì rất khó để cuộc sống sớm bình thường trở lại”, Tuấn Anh bày tỏ.

Nói về những ý tưởng đóng góp cho cộng đồng của mình, Hoàng Tuấn Anh cho rằng: Mình vất vả nhưng vẫn có việc để làm là may mắn hơn nhiều người. Do đó, làm được gì cho cộng đồng thì phải cố hết sức, làm đến nơi đến chốn.

Lê Yên Thanh vẫn miệt mài phát triển dự án công nghệ BusMap với ước mong nâng tầm hệ thống
giao thông công cộng của Việt Nam. Ảnh: VGP/Gia Mỹ

Với công nghệ, người trẻ có thể làm nhiều điều có ích cho cộng đồng

Cũng là người trẻ đam mê công nghệ, Lê Yên Thanh, Giám đốc Công ty BusMap khiến nhiều người ngưỡng mộ khi trung thành với một ý tưởng phục vụ cộng đồng suốt nhiều năm qua.

Cách đây gần 10 năm, vừa bước vào giảng đường Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TPHCM, thấu hiểu những khó khăn mà sinh viên, người dân gặp phải do những bất cập của hệ thống xe buýt công cộng, Thanh đã lên ý tưởng, bắt tay vào thực hiện ứng dụng thông minh miễn phí dành cho mọi người.

Năm 2013, ngay khi ra mắt, ứng dụng BusMap của Thanh đã nhanh chóng đạt được 50.000 lượt tải. Thế nhưng, mọi thứ chẳng dễ dàng gì, ngay cả khi bạn sở hữu một ý tưởng khả thi.

“Nhiều đêm tôi tự hỏi liệu mình có đi đúng con đường hay không. Chỉ cần làm việc cho một công ty công nghệ, tôi có thể thu về mức lương xứng đáng với khả năng của mình, không cần nặng lòng với dự án nữa. Nhưng tôi không làm vậy được càng không muốn thay đổi tiêu chí ban đầu của dự án. Tôi muốn ứng dụng này phục vụ miễn phí để sinh viên và người lao động thuận tiện trong việc sử dụng phương tiện công cộng mà không tốn thêm bất cứ chi phí nào. Tôi chấp nhận lấy tiền lương và dành toàn bộ thời gian ngồi bên máy tính tìm cách nâng cấp, hoàn thiện hệ thống. Ngay cả khi kêu gọi vốn đầu tư từ các tập đoàn lớn, tôi vẫn yêu cầu được giữ tiêu chí miễn phí cho ứng dụng hỗ trợ người dùng xe buýt”, Lê Yên Thanh cho hay.

Tháng 3/2019, sau khi kinh qua nhiều vị trí quan trọng tại các công ty công nghệ và thực tập 4 tháng tại Google (Mỹ), Thanh quyết định khởi nghiệp với chính ý tưởng thời sinh viên của mình. Công ty BusMap ra đời chỉ với hai nhân sự và ước mơ tạo một ứng dụng thân thiện cho người sử dụng phương tiện công cộng tại Việt Nam và Đông Nam Á. Và điều quan trọng ứng dụng đó phải miễn phí để giúp người đi xe buýt cảm thấy thoải mái, an toàn. Năm 2020, BusMap đạt hai triệu lượt tải với nhiều tính năng tích hợp, đội ngũ nhân sự cũng tăng lên gần 30 người. Không chỉ phủ sóng tại các thành phố lớn ở Việt Nam, Busmap đã xuất hiện ở Bangkok, Chiang Mai (Thái Lan) nhằm phục vụ khách du lịch. Một năm sau ngày thành lập, BusMap kêu gọi được vốn đầu tư hơn một triệu USD.

Cuối năm 2020, BusMap bất ngờ vượt qua nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn trên thế giới để trở thành quán quân hạng mục “Thành phố thông minh thuộc ITU Digital World Awards” do Liên minh Viễn thông Quốc tế tổ chức.

“Cha đẻ” BusMap mong muốn có thể sớm đồng hành cùng các địa phương trong quá trình số hóa hệ thống giao thông công cộng, kết nối đầy đủ hệ thống xe buýt quy mô toàn quốc. Chàng giám đốc 27 tuổi nuôi ước mơ một ngày không xa BusMap đủ lớn mạnh như VNG hay VNPAY, những tập đoàn công nghệ có tầm ảnh hưởng lớn của Việt Nam: “Tôi muốn thế giới thấy rằng nhiều doanh nghiệp Việt Nam tuy quy mô không lớn nhưng vẫn đủ sức để triển khai những dự án có tầm. Công nghệ phát triển không ngừng, người trẻ có ưu thế là sự năng động, luôn tìm tòi và chấp nhận sai để sửa, làm cho đến khi hoàn thiện mới thôi. Tôi cũng vậy. Với công nghệ, người trẻ chúng tôi có thể làm nhiều điều có ích cho cộng đồng”.

Không riêng gì Hoàng Tuấn Anh, Lê Yên Thanh, rất nhiều bạn trẻ Việt đang ngày đêm theo đuổi giấc mơ công nghệ, tạo ra nhiều sản phẩm sáng tạo “made in Việt Nam”. Họ ước ao chung tay đưa Việt Nam trở thành quốc gia công nghệ phát triển với những sản phẩm được thế giới đánh giá cao. Và họ tự hào khi tạo ra những sản phẩm không chỉ phục vụ cho người giàu mà cả người nghèo, những sản phẩm thân thiện được trao đi miễn phí để nhận về niềm vui./.


Gia Mỹ/baochinhphu.vn

https://baochinhphu.vn/Doanh-nghiep/Nguoi-tre-khoi-nghiep-Hon-ca-niem-dam-me/426285.vgp

  • Từ khóa