Cần tăng cường thu hút doanh nghiệp nhập khẩu dược liệu qua Cửa khẩu Chi Ma

Thứ 6, 13.05.2022 | 08:58:12
540 lượt xem

Nghị quyết số 111/NQ-CP, ngày 23/9/2021 của Chính phủ về việc thực hiện Đề án thí điểm nhập khẩu dược liệu qua Cửa khẩu Song phương Chi Ma, tỉnh Lạng Sơn có hiệu lực từ ngày 1/10/2021, thời gian thực hiện thí điểm trong 2 năm. Đến thời điểm này, thời gian thực hiện thí điểm đề án đã trôi qua gần 1/3, nhưng vẫn chưa có lô hàng dược liệu nào được doanh nghiệp thực hiện kê khai, nhập khẩu qua cửa khẩu này.

Trước khi Nghị định 54/2017/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược có hiệu lực từ 1/7/2017 (theo Nghị định 54, mặt hàng dược liệu chỉ được phép thực hiện nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế), thì dược liệu là mặt hàng nhập khẩu “truyền thống” qua cửa khẩu Chi Ma. Theo thống kê của Cục Hải quan tỉnh, trung bình mỗi năm có khoảng 10 nghìn tấn dược liệu được thực hiện nhập khẩu qua cửa khẩu này (kim ngạch thời kỳ đó đạt khoảng 15 triệu USD/năm).

Xe chở hàng hóa xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu Chi Ma

Như vậy có thể thấy, dược liệu không phải là mặt hàng hóa nhập khẩu “xa lạ”. Hơn nữa, khi Đề án thí điểm nhập khẩu dược liệu qua Cửa khẩu Song phương Chi Ma được phê duyệt, nhiều doanh nghiệp có thể làm thủ tục và nhập khẩu ngay bởi hệ thống hạ tầng khu vực Cửa khẩu Chi Ma đều đã đáp ứng yêu cầu nhập khẩu mặt hàng này.

Ông Nguyễn Bảo Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Chi Ma cho biết: Nhằm phục vụ cho hoạt động nhập khẩu mặt hàng dược liệu, ngay từ tháng 9/2021, điều kiện về hạ tầng, kho bảo quản, trang thiết bị giám sát, kiểm soát chất lượng dược liệu nhập khẩu theo quy định đã được chuẩn bị đầy đủ.

Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có doanh nghiệp nào thực hiện nhập khẩu dược liệu qua Cửa khẩu Chi Ma. “Đơn vị đã chủ động gặp gỡ một số doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực nhập khẩu dược liệu để mời gọi làm thủ tục nhập mặt hàng này qua cửa khẩu. Thực tế đã có một số doanh nghiệp đến khảo sát về các điều kiện cơ sở hạ tầng, kho bãi ngoại quan…, nhưng đến nay, họ vẫn chưa trả lời có thực hiện làm thủ tục nhập khẩu dược liệu qua Cửa khẩu Chi Ma hay không…” – Ông Nguyễn Bảo Ngọc cho biết thêm.

Qua tìm hiểu và trao đổi với một số lãnh đạo sở, ngành liên quan, chúng tôi được biết, thời điểm hiện tại, hạ tầng tại Cửa khẩu Chi Ma đã đảm bảo đầy đủ các điều kiện của một cửa khẩu quốc tế trên tuyến đường bộ. Do vậy, hệ thống kho bãi, điều kiện bảo quản dược liệu… không phải là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp chưa thực hiện nhập khẩu mặt hàng dược liệu qua cửa khẩu.

Ông Liễu Anh Minh, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Dược liệu là nhóm hàng hóa nhập khẩu liên quan đến hoạt động chuyên ngành, các doanh nghiệp được phép hoạt động nhập khẩu dược liệu phải đáp ứng nhiều tiêu chí và được Bộ Y tế công nhận, vì vậy, số lượng doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực này không nhiều. Cùng với đó, giấy phép nhập khẩu dược liệu được cấp cho doanh nghiệp (do Cục Quản lý Y, dược – Bộ Y tế cấp) có thời hạn trong 1 năm, theo quy định, doanh nghiệp đã đăng ký tại cửa khẩu nào thì phải thực hiện hết thời hạn của giấy phép mới được phép chuyển đổi cửa khẩu làm thủ tục nhập khẩu. Do vậy, từ thời điểm cuối năm 2021, một số doanh nghiệp đã đến khảo sát tình hình thực tế tại Cửa khẩu Chi Ma, nhưng khi thấy tình hình xuất, nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu gặp một số khó khăn do Trung Quốc siết chặt công tác kiểm soát dịch COVID-19 nên các doanh nghiệp chuyển đăng ký làm thủ tục qua cửa khẩu tuyến đường biển hoặc một số cửa khẩu ở địa bàn khác. Cho nên đến thời điểm hiện tại, chưa có lô hàng dược liệu nào được thực hiện nhập qua Cửa khẩu Chi Ma.

Ngoài những nguyên trên, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, phần lớn các doanh nghiệp hoạt động nhập khẩu dược liệu vẫn còn “lăn tăn” về quy trình quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với mặt hàng dược liệu của cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh Lạng Sơn. Doanh nghiệp lo ngại việc kiểm tra chuyên ngành chồng chéo, kéo dài ngày, điều này chi phí của doanh nghiệp sẽ bị đội lên cao.

Lý giải về việc này, ông Phan Lạc Hoài Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế Lạng Sơn – Tổ phó Tổ công tác liên ngành kiểm tra, giám sát hoạt động nhập khẩu dược liệu qua Cửa khẩu Chi Ma cho biết: Nếu dược liệu nhập khẩu phù hợp, đảm bảo các tiêu chuẩn về dược liệu đã được Bộ Y tế công nhận thì hàng hóa của doanh nghiệp đó sẽ không phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành và được phép nhập khẩu ngay. Doanh nghiệp không phải lo lắng về điều này, bởi thực tế trong thời gian qua, một số lô hàng dược liệu nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị đã được thông quan ngay trong ngày khi đã đáp ứng các tiêu chuẩn về dược liệu theo quy định.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế, trước thực tế hiện nay, việc đầu tiên cần phải làm sớm đó là phối hợp với Cục Quản lý Y, dược – Bộ Y tế tổ chức hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp hoạt động nhập khẩu dược liệu để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tạo niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, từ đó, thu hút doanh nghiệp hoạt động kê khai, nhập khẩu mặt hàng dược liệu qua Cửa khẩu Chi Ma.

“Ngay trong quý II/2022, Ban Chỉ đạo xuất, nhập khẩu dược liệu qua Cửa khẩu Chi Ma sẽ tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực này ngay tại Lạng Sơn…”, ông Phan Lạc Hoài Thanh thông tin thêm.

Có thể thấy, thời gian thực hiện Đề án thí điểm nhập khẩu dược liệu qua Cửa khẩu Song phương Chi Ma không còn nhiều, các ngành và các lực lượng liên quan cần khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường xúc tiến thương mại đối với việc nhập khẩu dược liệu qua Cửa khẩu Song phương Chi Ma. Nếu không nhanh chóng triển khai, đề án không đạt hiệu quả như mục tiêu ban đầu đề ra sẽ không chỉ ảnh hưởng đến công tác thu thuế của địa phương mà còn có thể ảnh hưởng đến việc quyết định sau này của Chính phủ tiếp tục cho phép thực hiện việc nhập khẩu dược liệu qua Cửa khẩu Chi Ma và một số cửa khẩu khác của tỉnh.


TRÍ DŨNG/baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te/cua-khau/499125-can-tang-cuong-thu-hut-doanh-nghiep-nhap-khau-duoc-lieu-qua-cua-khau-chi-ma.html

  • Từ khóa