Chuyển đổi số để phát triển nông nghiệp bền vững

Chủ nhật, 15.05.2022 | 15:03:56
685 lượt xem

Việc chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp không chỉ là chìa khóa phát triển bền vững ngành kinh tế trụ cột của Tây Nguyên...

Tây Nguyên là vùng sản xuất nông nghiệp lớn và quan trọng của nước ta với nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, có giá trị kinh tế cao, như: Cà phê, hồ tiêu, điều, cao su, rau, hoa, trái cây... Việc chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp không chỉ là chìa khóa phát triển bền vững ngành kinh tế trụ cột của vùng mà còn là giải pháp quan trọng hiện thực hóa chính sách của Đảng và Nhà nước trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống đồng bào...

Từ chuyện làm vườn bằng... smartphone...

Buổi sáng, khi phố phường còn chìm trong sương trắng, ThS Nguyễn Đức Huy, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thủy canh Việt dẫn chúng tôi thăm trang trại của gia đình nằm dưới chân đèo Mimosa, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Khác với khung cảnh ồn ào, tấp nập thường thấy ở các trang trại khác, trang trại của gia đình ThS Nguyễn Đức Huy hiện đại nhưng khá vắng vẻ.

Dù vắng bóng công nhân nhưng các luống xà lách, cà chua trong vườn lại rất xanh tốt, trĩu quả. Chỉ vào chiếc điện thoại di động trên tay cùng bộ máy cảm biến gắn ở góc vườn, ThS Nguyễn Đức Huy cho biết: “Thực ra, công nhân của chúng tôi là những thiết bị này.

Chuyển đổi số để phát triển nông nghiệp bền vững
 Sản xuất hoa theo mô hình nông nghiệp thông minh tại Công ty TNHH Dalat Hasfarm.

Mỗi ngày, chúng tôi chỉ cần theo dõi trang trại qua màn hình, ấn các nút khi cần thiết. Mọi công việc tưới nước, bón phân, phun thuốc đến việc điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm trong khu vườn đều tự động thông qua hệ thống cảm biến kết nối với điện thoại di động. Mô hình này giúp chúng tôi giảm 80% nhân công so với phương pháp canh tác thông thường, cho năng suất và chất lượng sản phẩm cao, đạt lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng/ha/năm.

Đây chính là mô hình nông nghiệp thông minh, một phần của nông nghiệp chuyển đổi số mà chúng tôi đang triển khai, thực hiện”.

Cách trang trại của ThS Nguyễn Đức Huy không xa là trang trại của ông chủ trẻ Lưu Lập Đức, sinh năm 1992, dân tộc Tày, người đã giành được Giải thưởng Lương Định Của năm 2020 vì những thành tựu xuất sắc trong sản xuất nông nghiệp. Năm 2013, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, Lưu Lập Đức nhận thấy vùng đất Đức Trọng (Lâm Đồng) có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Anh quyết định vay vốn, xây dựng nhà kính để trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Công ty TNHH Agri do Lưu Lập Đức làm giám đốc hiện có 80 lao động, ngoài ra công ty còn liên kết với 20 hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng, sản lượng rau cung cấp cho thị trường mỗi ngày khoảng 15 tấn.

Tất cả trang trại trong chuỗi liên kết của Lưu Lập Đức đều ứng dụng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ Internet vạn vật (IoT), giúp kết nối và điều khiển tự động hầu hết quá trình chăm sóc rau củ. “Ban đầu mình học hỏi, thực hiện, sau đó chuyển giao cho bà con trong chuỗi liên kết. Nhờ đó, sản lượng và chất lượng các loại rau củ luôn vượt trội, đáp ứng tốt yêu cầu của khách hàng trong và ngoài nước", Lưu Lập Đức chia sẻ.

Là địa phương phát triển nông nghiệp công nghệ cao từ sớm nên khi thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Lâm Đồng có nhiều lợi thế. Lâm Đồng hiện có 21 doanh nghiệp đã tiếp cận ứng dụng công nghệ IoT; big data; blockchain, camera... nhằm phục vụ theo dõi sự sinh trưởng của cây, thiết bị cảm biến môi trường, nhà kính có thể tự động điều chỉnh, hệ thống cảm biến kết nối máy tính, smartphone... nhằm quản lý, điều khiển tự động về độ ẩm, nhiệt độ, nước tưới, dinh dưỡng cho cây; công nghệ nhân giống in vitro, công nghệ LED, công nghệ GIS quản lý và dự báo sâu bệnh, truy xuất nguồn gốc điện tử... được ứng dụng rộng rãi góp phần nâng cao sản lượng, chất lượng và giá trị nông sản.

Các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông minh, chuyển đổi số đều cho doanh thu 5-8 tỷ đồng/ha/năm, đặc biệt là hoa cao cấp hiện cho doanh thu lên tới 24 tỷ đồng/ha/năm.

Chuyển đổi số để phát triển nông nghiệp bền vững
Sơ chế, đóng gói hoa xuất khẩu tại Công ty TNHH Dalat Hasfarm. 

...Đến mô hình nông nghiệp hiện đại

Theo TS Nguyễn Duy Thụy, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thì chuyển đổi số trong nông nghiệp là quá trình áp dụng công nghệ số trong các hoạt động sản xuất, chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Công nghệ số có khả năng thu thập, lưu trữ, phân tích, chia sẻ dữ liệu thông tin điện tử, từ đó cho phép luồng thông tin thông suốt và minh bạch trong chuỗi giá trị nông nghiệp, giúp người dân và doanh nghiệp đưa ra các quyết định kịp thời nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị nông sản.

Từ một thuật ngữ có vẻ cao siêu và xa vời trước đây thì hiện nay, chuyển đổi số đã trở nên gần gũi với nhiều doanh nghiệp, chủ trang trại, hộ nông dân trên vùng đất Tây Nguyên. Năm 2020, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó nông nghiệp được xác định là một trong những lĩnh vực cần ưu tiên.

Đồng chí Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắc Lắc cho biết: “Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh đang có sự phát triển khả quan, nhiều công nghệ hiện đại đã được ứng dụng vào sản xuất hiệu quả, cụ thể: Một số cơ sở trồng trọt đã ứng dụng phần mềm AutoAgri cho các sản phẩm bơ, sầu riêng, vải thiều, ca cao; ứng dụng phổ biến phương pháp tưới tiết kiệm được điều khiển qua điện thoại di động như tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt, tưới thấm; gắn chip theo dõi từng cá thể nhằm kiểm soát thông số phát triển vật nuôi tại dự án Khu chăn nuôi công nghệ cao DHN Đắk Lắk tại xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar; sử dụng thiết bị bay viễn thám để theo dõi, kiểm tra rừng...”.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là giải pháp để ngành nông nghiệp vùng Tây Nguyên tận dụng được những cơ hội sau đại dịch Covid-19, hướng tới sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được, hiệu quả chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp tại Tây Nguyên còn dài trải, chưa đồng đều, chưa tương xứng với tiềm năng.

Tại Hội thảo “Chuyển đổi số để phát triển bền vững vùng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên” do Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng và Báo Nhân Dân phối hợp tổ chức vừa qua tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, để quá chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp diễn ra nhanh và hiệu quả, thời gian tới, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho cán bộ, người dân và doanh nghiệp; hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển kỹ thuật số trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng cường thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng xây dựng cơ sở dữ liệu, xây dựng hạ tầng; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực...


VŨ ĐÌNH ĐÔNG/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/chuyen-doi-so-de-phat-trien-nong-nghiep-ben-vung-694486

  • Từ khóa