Việt Nam ngày càng hấp dẫn doanh nghiệp châu Âu

Thứ 7, 18.06.2022 | 09:19:12
709 lượt xem

Kết quả hoạt động cùng khả năng phục hồi nhanh sau đại dịch Covid-19 của nền kinh tế đóng vai trò là “thỏi nam châm” giúp Việt Nam trở thành điểm đến tiềm năng mới của các công ty châu Âu.

Trong một bài viết mới đây, hãng tin Đức DW nêu rõ, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia châu Á không rơi vào tình trạng suy giảm kinh tế mạnh kể từ khi virus SARS-CoV-2 bùng phát và lan rộng trên phạm vi toàn cầu. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP năm 2022 của Việt Nam sẽ tăng khoảng 5,5%, trong khi con số này do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra là 6,5%.

Chính hoạt động kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này trong và sau đại dịch đã thu hút sự chú ý của doanh nghiệp châu Âu. “Có vẻ như các công ty quy mô vừa đang ngày càng nỗ lực để xâm nhập vào thị trường Việt Nam", Giám đốc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Á-Thái Bình Dương của Đức Daniel Muller nhận định.

Việt Nam ngày càng hấp dẫn doanh nghiệp châu Âu
 Kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phục hồi tích cực sau đại dịch (ảnh minh họa). Ảnh: Reuters

Sự kết hợp giữa căng thẳng địa chính trị và chi phí lao động cao hơn đã thúc đẩy các doanh nghiệp châu Âu tìm kiếm những địa điểm sản xuất thay thế, trong đó có Việt Nam-quốc gia đang chú trọng tăng cường nguồn nhân lực cả về quy mô và chất lượng.

Đồng thời, việc Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) cũng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp châu Âu muốn hướng tới Việt Nam.

Đơn cử, vào cuối năm ngoái, hãng sản xuất đồ chơi Lego của Đan Mạch thông báo sẽ xây dựng nhà máy trị giá 1 tỷ USD tại tỉnh Bình Dương. Đây được đánh giá là một trong những dự án đầu tư lớn nhất của châu Âu tại Việt Nam cho đến nay. Hiện nhà cung cấp động cơ tự động hóa Brose của Đức cũng đang xem xét quyết định một địa điểm sản xuất mới giữa Thái Lan và Việt Nam.        

Dẫn đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam (DBAV), DW khẳng định, Việt Nam đang có được chỗ đứng quan trọng đối với các nhà đầu tư từ “lục địa già”. Trước đây, các dự án kinh doanh của EU tại đất nước hình chữ S thường tập trung vào các ngành công nghệ cao, nhưng những năm gần đây đã chuyển hướng sang ngành dịch vụ, năng lượng sạch, công nghiệp hỗ trợ, chế biến thực phẩm và nông nghiệp công nghệ cao.

Có thể kể đến những doanh nghiệp EU đang hoạt động hiệu quả tại Việt Nam, như: Shell Group (Hà Lan), Mercedes-Benz và B.Braun (Đức), Total Elf Fina (Pháp-Bỉ), Tetra Pak (Thụy Điển)... Thống kê cho thấy, thương mại song phương đạt khoảng 49 tỷ euro trong năm ngoái, tăng mạnh so với mức 20,8 tỷ euro vào năm 2012 khi hai bên bắt đầu các cuộc đàm phán về EVFTA.

Cùng với đó, trang Fibre2Fashion của Mỹ trích kết quả khảo sát mới nhất về chỉ số môi trường kinh doanh (BCI)-thước đo thường xuyên của các nhà đầu tư và lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu, do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố-cho thấy niềm tin của giới kinh doanh châu Âu vào môi trường đầu tư của Việt Nam tiếp tục tăng sau khi Việt Nam nới lỏng các hạn chế liên quan đến đại dịch và tiếp tục tăng tốc phát triển kinh tế.

Cụ thể, chỉ số này đã tăng lên 73 điểm trong quý I-2022, đạt mức cao nhất kể từ sau làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư tại Việt Nam vào tháng 4 năm ngoái. Ngoài ra, doanh nghiệp châu Âu cũng đưa ra những dự báo đầy tham vọng với gần 66% số người được hỏi dự báo doanh thu tăng trong quý II-2022, so với 52% của 3 tháng trước đó. Những số liệu trên chính là một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của doanh nghiệp châu Âu đối với môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam hiện nay.


VĂN HIẾU/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/viet-nam-ngay-cang-hap-dan-doanh-nghiep-chau-au-697508

  • Từ khóa