Điều tiết hiệu quả luồng vốn trên thị trường tài chính - tiền tệ

Thứ 7, 25.06.2022 | 09:34:57
544 lượt xem

Trong bối cảnh hiện nay, việc phát triển thị trường tài chính-tiền tệ an toàn, minh bạch, hiệu quả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Bởi đây là tiền đề đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu của Đại hội Đảng lần thứ XIII và Chiến lược tài chính đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 21-3-2022.

Gia tăng thanh khoản cho thị trường

Thị trường vốn và thị trường tiền tệ là hai phân khúc quan trọng của thị trường tài chính, trong đó, thị trường tiền tệ (ngắn hạn) thuộc chức năng tổ chức, điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam. Còn đối với thị trường vốn thực hiện theo các quy định pháp luật về thị trường chứng khoán. Trên thực tế, khi các tổ chức tín dụng (TCTD) tham gia vào thị trường vốn, ngoài việc phải tuân thủ những quy định pháp luật về lĩnh vực chứng khoán, các tổ chức này còn phải tuân thủ quy định pháp luật chuyên ngành trong lĩnh vực ngân hàng nhằm bảo đảm an toàn trong hoạt động của các TCTD. 

Điều tiết hiệu quả luồng vốn trên thị trường tài chính - tiền tệ
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB). Ảnh: HỒNG NHUNG 

Theo số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, TCTD hiện là nhà đầu tư trái phiếu Chính phủ (TPCP) lớn thứ hai sau Bảo hiểm xã hội Việt Nam; đến cuối năm 2021, tổng quy mô TPCP được hệ thống TCTD nắm giữ khoảng 793.000 tỷ đồng, chiếm 41,86% tổng giá trị TPCP đang được giao dịch trên thị trường. Những năm qua, NHNN Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, trao đổi thông tin, qua đó chủ động điều tiết thanh khoản hệ thống TCTD, duy trì mặt bằng lãi suất thị trường thấp để hỗ trợ phát hành thành công TPCP với kỳ hạn dài và lãi suất ở mức thấp; hiện lãi suất TPCP kỳ hạn 10 năm khoảng 2,2%/năm, 30 năm khoảng 3%/năm, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. 

Bên cạnh việc nắm giữ TPCP thì các TCTD cũng đầu tư khá nhiều vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Tính đến cuối năm 2021, có 41 TCTD tham gia vào thị trường này, với tổng dư nợ TPDN của hệ thống TCTD là 274.000 tỷ đồng, chiếm 2,63% tổng dư nợ tín dụng của hệ thống, qua đó góp phần gia tăng thanh khoản, thúc đẩy thị trường TPDN phát triển.

Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, để bảo đảm an toàn hoạt động các TCTD, NHNN Việt Nam kiểm soát rất chặt chẽ việc TCTD mua TPDN thông qua nhiều quy định. Cụ thể: Hoạt động mua, đầu tư TPDN được tính vào dư nợ tín dụng của một khách hàng khi xác định giới hạn tín dụng; quy định TCTD mua, bán TPDN phải có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ và chỉ được mua TPDN khi TCTD có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%; TCTD chỉ được mua TPDN khi phương án phát hành, phương án sử dụng vốn khả thi, doanh nghiệp phát hành trái phiếu có khả năng tài chính để bảo đảm thanh toán đủ gốc và lãi đúng hạn, doanh nghiệp phát hành không có nợ xấu tại các TCTD trong vòng 12 tháng gần nhất; TCTD không được mua TPDN phát hành có mục đích cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành, có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác, có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động...

Giảm rủi ro chênh lệch kỳ hạn 

Theo phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán MB, trong quý I-2022, thị trường TPDN diễn ra khá trầm lắng sau Thông tư sô 16/2021/TT-NHNN có hiệu lực kể từ ngày 15-1-2022. Trên thị trường có tổng cộng khoảng 57.600 tỷ đồng TPDN được huy động qua kênh riêng lẻ và công chúng, giảm khoảng 45% so với tháng 12-2021. Kỳ hạn bình quân là 2,8 năm, lãi suất bình quân là 9,3%/năm. Nhóm bất động sản chiếm 49% lượng trái phiếu phát hành, đạt 28.100 tỷ đồng, tiếp sau đó là nhóm xây dựng và vật liệu xây dựng với 12.200 tỷ đồng huy động thành công. 

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã giới thiệu dự thảo thông tư hướng dẫn về tổ chức thị trường giao dịch, đăng ký, lưu ký, thanh toán giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ, dự kiến được ban hành sau khi nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP được ban hành. Theo đó, thị trường giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ được tổ chức giao dịch tập trung để các tổ chức chuyên nghiệp có thể tham gia giao dịch và giúp phát triển thị trường minh bạch. Hiện tại, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đang phối hợp triển khai nghiên cứu, xây dựng hệ thống công nghệ cho hoạt động đăng ký, lưu ký, giao dịch và thanh toán giao dịch. Đồng thời có phương án triển khai xây dựng dự thảo quy chế, quy trình nghiệp vụ liên quan, bảo đảm triển khai thị trường trong thời gian sớm nhất. 

Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho hay, thị trường TPDN của Việt Nam có quy mô còn nhỏ so với các nước trong khu vực. Bởi vậy, doanh nghiệp dựa rất nhiều vào vốn tín dụng ngân hàng, kể cả vốn trung hạn, dài hạn (năm 2021, quy mô tín dụng đạt 124,3% GDP). Thực trạng này đã và đang tạo sức ép, rủi ro lớn cho hệ thống TCTD khi nguồn vốn chủ yếu là ngắn hạn (tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn chiếm khoảng 82% tổng huy động vốn). Thực trạng này cũng tạo sức ép và rủi ro chênh lệch kỳ hạn cho hệ thống.

Do đó, việc thị trường TPDN phát triển minh bạch, hiệu quả giúp cân bằng, hài hòa theo hướng vốn ngắn hạn dựa vào hệ thống ngân hàng; vốn trung hạn, dài hạn dựa vào thị trường vốn. Từ đó giảm rủi ro chênh lệch kỳ hạn, tạo thuận lợi cho hệ thống TCTD phát triển lành mạnh, hiệu quả. Về phía doanh nghiệp, sẽ giúp họ chủ động hơn trong việc đầu tư, sản xuất, kinh doanh với nguồn vốn trung hạn, dài hạn.


NGUYỄN ANH VIỆT/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/dieu-tiet-hieu-qua-luong-von-tren-thi-truong-tai-chinh-tien-te-698052

  • Từ khóa