Hồ sơ hãng hàng không Việt trước nguy cơ bị xóa sổ

Thứ 2, 08.08.2022 | 14:53:27
649 lượt xem

Pacific Airlines là hãng bay giá rẻ đầu tiên của Việt Nam, từng có 12 năm hoạt động dưới tên gọi Jetstar Pacific. Hãng này từng nhiều lần phải tái cơ cấu, đổi chủ sở hữu để "sống sót".

Việc vốn chủ sở hữu trong năm 2020 và 2021 lần lượt âm 2.275 tỷ đồng và âm 4.583 tỷ đồng đẩy Pacific Airlines tới nguy cơ bị xóa sổ. Tình hình tài chính của hãng bay này giờ được miêu tả "đang rất nghiêm trọng, dòng tiền bị thiếu hụt, nợ quá hạn lớn đe dọa mất khả năng thanh toán và phải chấm dứt hoạt động".

Trước nguy cơ giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không bị hủy bỏ trong trường hợp không duy trì vốn tối thiểu 600 tỷ đồng trong thời gian 3 năm liên tục, thực tế, Pacific Airlines đã không ít lần phải tái cơ cấu, đổi chủ sở hữu.

Vòng lặp "tái cơ cấu"

Pacific Airlines được thành lập năm 1991, là hãng bay giá rẻ thuộc sở hữu Nhà nước đầu tiên tại Việt Nam. Với số vốn ban đầu 40 tỷ đồng, hãng có 7 cổ đông gồm Cục Hàng không dân dụng Việt Nam (Vietnam Civil Aviation) và 4 doanh nghiệp thành viên đã chiếm 86,49% cổ phần. Hai cổ đông còn lại là Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist, 13,06%) và Công ty Thương mại Đầu tư Phát triển Giao thông Vận tải (Tradevico, 0,45%).

Năm 1993, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam tái cấu trúc bộ phận khai thác thành Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines). Các cổ phần của Cục Hàng không dân dụng được chuyển sang cho Vietnam Airlines, đồng nghĩa Pacific Airlines trở thành công ty con của Vietnam Airlines.

Hồ sơ hãng hàng không Việt trước nguy cơ bị xóa sổ - 1

Pacific Airlines là hãng bay giá rẻ đầu tiên của Việt Nam (Ảnh: Bộ Giao thông Vận tải).

Đến năm 1995, Pacific Airlines trở thành đơn vị thành viên của Vietnam Airlines và từ năm 1996 là thành viên của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines Group). Các cổ phần của Vietnam Airlines và các doanh nghiệp thành viên chuyển lại thống nhất cho Vietnam Airlines Group quản lý. Số cổ đông của Pacific Airlines chỉ còn 3 cổ đông là Vietnam Airlines Group, Saigon Tourist và Tradevico.

Thời gian sau đó, hãng hàng không này kinh doanh bết bát và thua lỗ. Năm 2005, Thủ tướng ký quyết định chuyển toàn bộ 86,49% cổ phần của Vietnam Airlines Group cho Bộ Tài chính thay mặt Nhà nước quản lý và tái cơ cấu. Trong khi đó, Pacific Airlines phải cắt bớt đường bay không hiệu quả và đàm phán lại để giảm chi phí thuê máy bay.

Giữa năm đó, những cuộc thương thảo liên quan phương án tái cấu trúc Pacific Airlines trong 5 năm tới cũng đã diễn ra, nhưng không rõ kết quả. Pacific Airlines thì lỗ gấp 9 lần vốn, nợ nước ngoài tồn đọng.

Tới năm 2006, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) được thành lập trực thuộc Bộ Tài chính, cổ phần của Nhà nước do Bộ Tài chính nắm giữ được chuyển sang cho SCIC điều hành.

Bước ngoặt Qantas, Vietnam Airlines và biến số Covid-19

Tháng 4/2007, Pacific Airlines bất ngờ "bén duyên" với Qantas (Australia) khi hãng hàng không đến từ Australia ký hợp đồng đầu tư với SCIC về việc mua lại 30% cổ phần của Pacific Airlines để trở thành cổ đông chiến lược. Qantas tham vọng đưa hãng hàng không giá rẻ của riêng mình là Jetstar Airways xuất hiện trên bản đồ châu Á.

Theo thỏa thuận ban đầu, Qantas sẽ đầu tư 50 triệu USD để được sở hữu 18% cổ phần của Pacific Airlines, sau đó sẽ đầu tư thêm để được sở hữu 30%. Nhờ số tiền này mà Pacific Airlines có thể cắt lỗ, nhưng đổi lại sẽ chuyển sang dùng thương hiệu Jetstar Pacific Airlines.

Số lượng cổ đông cũng như tỷ lệ cổ phần cũng thay đổi thành SCIC (75,78%), Qantas Airways (18%), Saigon Tourist (6,18%) và ông Lương Hoài Nam - Tổng giám đốc (0,04%).

Dù được đầu tư mạnh tay, đến cuối năm 2011, Jetstar Pacific chỉ chiếm khoảng 17% thị phần hàng không nội địa tại Việt Nam. Do hậu quả của nhiều năm lỗ liên tiếp, hãng phải tái cơ cấu sở hữu và rà soát lại toàn bộ hoạt động.

Hồ sơ hãng hàng không Việt trước nguy cơ bị xóa sổ - 2

Pacific Airlines từng có 12 năm hoạt động dưới tên gọi Jetstar Pacific (Ảnh: Pacific Airlines).

Lúc này, Vietnam Airlines nhận tiếp nhận quyền đại diện phần vốn Nhà nước của Jetstar Pacific từ SCIC với 70% cổ phần và một lần nữa trở thành cổ đông lớn nhất của Jetstar Pacific. Bằng kinh nghiệm của mình, Vietnam Airlines đã giúp Jetstar Pacific trên đà phục hồi và phát triển đội bay.

Sau quá trình tái cơ cấu của Vietnam Airlines, Jetstar Pacific từng bước giảm lỗ và bắt đầu có lãi 2 năm liên tiếp 2018 và 2019. Tuy nhiên, khi chưa kịp "ăn mừng" thì Covid-19 ập đến khiến ngành hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề và hầu hết đội bay phải ngừng hoạt động.

Ngày 15/6/2020, Vietnam Airlines phát đi thông báo Qantas sẽ rút vốn khỏi Jetstar Pacific, hãng bay trở lại với tên gọi Pacific Airlines. Với việc Qantas rút lui, Vietnam Airlines sẽ sở hữu 98% cổ phần của hãng hàng không giá rẻ.

Hai năm dịch "ngủ đông", không có doanh thu đang đẩy Pacific Airlines vào tình cảnh "ngàn cân treo sợi tóc". Trước tình hình tài chính của Pacific Airlines "rất nghiêm trọng", Vietnam Airlines cho biết đang triển khai các giải pháp để duy trì hoạt động, đồng thời tìm nhà đầu tư mới tham gia quá trình tái cơ cấu Pacific Airlines.

Tuy nhiên, quá trình lựa chọn nhà đầu tư đang gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách theo các quy định hiện hành đối với doanh nghiệp Nhà nước.


Văn Hưng/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/ho-so-hang-hang-khong-viet-truoc-nguy-co-bi-xoa-so-20220808120134238.htm

  • Từ khóa