Thành phố Hồ Chí Minh xốc lại đà phát triển sản xuất, kinh doanh

Thứ 3, 09.08.2022 | 08:24:57
1,410 lượt xem

Cải thiện môi trường đầu tư là một trong những chủ đề chính trong năm 2022 của Thành phố Hồ Chí Minh. Chính quyền cùng các ban, ngành thành phố đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp; quyết tâm khắc phục hạn chế, hỗ trợ doanh nghiệp xốc lại đà phát triển sản xuất, kinh doanh...

Một góc Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại buổi gặp gỡ các doanh nghiệp tại Khu công nghệ cao thành phố mới đây, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Phan Văn Mãi đã cam kết lãnh đạo thành phố sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, giải quyết nhanh các điểm nghẽn về thủ tục để tiến trình đầu tư của doanh nghiệp được nhanh nhất. Trong tương lai không xa, các khu công nghiệp sẽ được cấu trúc lại, hoặc mở rộng thêm các khu công nghiệp chuyên ngành để Thành phố Hồ Chí Minh có thêm quỹ đất thu hút các nhà đầu tư mới.

Vướng mắc “quẩn chân” doanh nghiệp

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, Lê Hoàng Châu nhận xét, hiện nay, hệ thống các quy định pháp luật về đất đai, xây dựng, đầu tư, quy hoạch, tài chính, thuế,… về tổng thể còn thiếu đồng bộ, khiến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian cho quá trình chuẩn bị hồ sơ đầu tư xây dựng dự án. Một số cán bộ, công chức làm việc trong lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư xây dựng có tâm lý “sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ vướng rủi ro pháp lý trong thi hành công vụ” nên chuyển hồ sơ lòng vòng, không dám đề xuất giải quyết,…

Theo Hội Doanh nghiệp thành phố Thủ Ðức, doanh nghiệp gặp vướng mắc lớn nhất ở thủ tục chứng minh tài sản thế chấp khi muốn vay vốn tín dụng. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp thiếu vốn để đầu tư sản xuất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tài sản thế chấp không đạt điều kiện vay vốn. Hơn nữa, với dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ngân hàng thương mại thường đòi hỏi đầu vào phải có hóa đơn giá trị gia tăng, doanh nghiệp phải được kiểm toán hằng năm… là những yêu cầu vượt quá khả năng của doanh nghiệp.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HUBA), nhiều doanh nghiệp khó tuyển được nhân lực phù hợp, do nhiều người lao động đã về quê tránh đại dịch Covid-19 rồi không quay lại nữa, số người lao động quay trở lại thì yêu cầu mức lương cao hơn trước do các chi phí sinh hoạt đã tăng cao,… Khảo sát của HUBA cho thấy có đến 53% doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn nhân lực; khoảng 1/3 doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu vốn để sản xuất, kinh doanh. Việc thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng từ mức 10% xuống mức 8% theo Nghị định số 15/2022/NÐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ cũng gặp không ít vướng mắc. Một số cơ quan thuế hướng dẫn, giải thích không rõ ràng, không hoàn toàn giống nhau về danh mục hàng hóa được giảm thuế giá trị gia tăng…

Doanh nghiệp cũng gặp nhiều trở ngại với công tác hậu kiểm, kiểm tra sau thông quan. Các cuộc kiểm tra này có thể được cơ quan chức năng tiến hành từ 3 đến 5 năm sau khi nghiệp vụ phát sinh. Ðiều này gây quá nhiều phiền phức, thiệt hại cho doanh nghiệp. Việc triển khai thực hiện, đưa các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi kinh tế của Chính phủ và các ngành vào thực tế có phần chậm trễ, nên kết quả hỗ trợ và phục hồi không đạt như kỳ vọng. Số doanh nghiệp thụ hưởng được chính sách hỗ trợ rất ít, nhất là chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống ngân hàng thương mại, chính sách vay vốn để trả lương cho người lao động.

Phó Chủ tịch phụ trách kiêm Tổng Thư ký HUBA Nguyễn Phước Hưng cho rằng, các cơ quan thuế, hải quan nên xem xét, rút ngắn thời hạn kiểm tra sau thông quan, hậu kiểm định kỳ trong vòng một năm sau khi nghiệp vụ phát sinh, nhằm giúp doanh nghiệp nhanh chóng rút kinh nghiệm, khắc phục sai sót và giảm thiểu thiệt hại.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm ban hành các quy định về chịu trách nhiệm pháp lý (liên đới) về sau trong quá trình thực thi chính sách pháp luật của doanh nghiệp theo hướng giảm bớt việc phải chịu trách nhiệm đối với những sai sót vô ý, có nguyên nhân khách quan và không thể kiểm soát được. Ðược như vậy, sẽ giúp doanh nghiệp yên tâm, chủ động hơn trong việc thực hiện các chính sách pháp luật.

 Thành phố Hồ Chí Minh xốc lại đà phát triển sản xuất, kinh doanh ảnh 1

Nhân viên làm việc trong nhà máy của Công ty TNHH Intel Products Việt Nam tại Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Nới lỏng thủ tục hành chính

Theo Công ty TNHH Intel Products Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, tái lập lại cơ chế một cửa ở Khu công nghệ cao thành phố như trước đây để hỗ trợ doanh nghiệp rút ngắn các bước phê duyệt hồ sơ, thủ tục hành chính. Chính phủ và thành phố cần có cơ chế ưu đãi khác biệt cho doanh nghiệp công nghệ cao để Việt Nam có thể cạnh tranh được với các nước trên thế giới.

Hội Doanh nghiệp huyện Củ Chi kiến nghị cần có thêm chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp; hỗ trợ người lao động từ địa phương khác đến thành phố làm việc; tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết nhanh thủ tục xây dựng cho doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng nhà xưởng. Về chính sách tín dụng, nhiều hiệp hội ngành hàng cho biết, việc hỗ trợ vay vốn tín dụng là yêu cầu cấp thiết với doanh nghiệp. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tích cực nhằm hỗ trợ vốn, giúp doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn tốt nhất nhưng thực tế, các ngân hàng thương mại thiếu chủ động, không mặn mà trong việc thực hiện chính sách.

Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn các ngân hàng thương mại thực hiện đồng bộ chính sách khoanh nợ, gia hạn thời hạn trả nợ, cơ cấu nợ (bao gồm cả nợ gốc và lãi tới hạn). Ðể các chính sách sớm đi vào cuộc sống hiệu quả, công bằng, doanh nghiệp đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có chương trình giám sát ngân hàng thương mại thực thi chính sách tín dụng ưu đãi.

Tại Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều thủ tục hành chính được tiếp nhận trực tuyến và trả kết quả ngay trong ngày (trường hợp hồ sơ được tiếp nhận sau 15 giờ mà không giải quyết được ngay thì sẽ trả kết quả trong ngày làm việc tiếp theo). Ðối với các thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, tiếp tục thực hiện việc trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích. Còn các phòng, đơn vị thuộc Sở Công thương, sẽ tập trung giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính đúng hẹn, khuyến khích rút ngắn hơn nữa thời gian giải quyết thủ tục hành chính; có sáng kiến, mô hình, giải pháp giải quyết thủ tục hành chính phù hợp đặc thù đơn vị.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Ðào Minh Chánh cho biết: Sở đã công khai thông tin thủ tục hành chính theo quy định của Luật Ðầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2020 trên Cổng thông tin doanh nghiệp của Sở nhằm thông tin rõ ràng về tiến độ giải quyết hồ sơ lên Cổng thông tin doanh nghiệp thành phố; nhà đầu tư có thể dễ dàng tra cứu tiến độ giải quyết thủ tục hành chính. Sở tiếp tục thực hiện cắt giảm 30% thời gian giải quyết các thủ tục đăng ký đầu tư so với tổng thời gian theo luật định, như: Thời gian cấp mới dự án còn 10 ngày (15 ngày theo quy định), điều chỉnh dự án còn 7 ngày (quy định 10 ngày),…

Cùng với những giải pháp “nới lỏng” thủ tục hành chính, đầu tư, Thành phố Hồ Chí Minh dành nhiều ưu đãi đối với nhà đầu tư như ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn, giảm thuế 10% trong thời hạn 15 đến không quá 30 năm; thậm chí dành ưu đãi đặc biệt với thuế suất từ 5% đến 9% trong thời gian từ 30 đến 37 năm khi dự án đáp ứng các tiêu chí của thành phố.

Ngoài ra, có chính sách miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để phục vụ sản xuất. Nhà đầu tư có thể được miễn, giảm tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản trong vòng 3 năm, đồng thời, miễn sau thời gian xây dựng cơ bản từ 15 năm đến 19 năm tùy loại dự án; miễn toàn bộ tiền thuê đất, hoặc miễn từ 18 năm đến 22 năm, giảm tiền thuê đất từ 55% đến 75% tùy theo quy mô, tính chất của từng dự án. Nhà đầu tư còn được giảm 50% mức ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án (từ 1% đến 3% tổng vốn đầu tư),…


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-xoc-lai-da-phat-trien-san-xuat-kinh-doanh-post709513.html

  • Từ khóa