Tạo bước đột phá để thu hút đầu tư vào ngành dầu khí

Thứ 4, 26.10.2022 | 08:54:27
823 lượt xem

Dầu khí vẫn là ngành mũi nhọn của hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam khi không chỉ đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước hằng năm mà còn giữ vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực và an ninh quốc phòng.

Để đưa ngành dầu khí Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới, dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) đang nhận được những ý kiến đóng góp của nhiều chuyên gia, cũng như đang được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.

Những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ

Luật Dầu khí ban hành ngày 6-7-1993, được bổ sung vào các năm 2000, 2008 cùng các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành dầu khí. Đến nay, ngành dầu khí đã khai thác được hơn 420 triệu tấn dầu và hơn 160 tỷ mét khối khí. Giai đoạn 2006-2015, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đóng góp trung bình 20-25% tổng thu ngân sách nhà nước, chiếm 18-25% GDP cả nước. Từ năm 2015 đến nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đóng góp khoảng 10% tổng thu ngân sách nhà nước, chiếm 10-13% GDP cả nước. Những số liệu đó cho thấy vai trò quan trọng của ngành dầu khí trong nền kinh tế. Ngoài ra, ngành dầu khí còn đóng góp quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng trên biển và đối ngoại.

Tạo bước đột phá để thu hút đầu tư vào ngành dầu khí
Giàn khai thác mỏ Rạng Đông. Ảnh: AN SƠN 

Tuy vậy, việc triển khai thực tế Luật Dầu khí sau thời gian dài cũng phát sinh những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách cho ngành dầu khí. Kết quả tổng kết thi hành Luật Dầu khí năm 1993, sửa đổi bổ sung năm 2000 và 2008 theo chỉ đạo của Chính phủ cho thấy, hiện chưa có quy định điều chỉnh đối với đối tượng dầu khí phi truyền thống (như dầu khí sét, băng cháy...; quy định về thời hạn hợp đồng, gia hạn của hợp đồng dầu khí chưa linh hoạt để khuyến khích, ưu tiên cho nhà thầu hiện hữu đầu tư lâu dài hơn (hợp đồng có thời hạn dài hơn hoặc theo đời mỏ); chưa có quy định phù hợp cho việc tiếp nhận tài sản sau khi nhà thầu chuyển giao cho nước chủ nhà vào thời điểm kết thúc hợp đồng dầu khí để có thể khai thác tận thu tối đa nguồn tài nguyên trong thời gian còn lại.

Đánh giá tổng kết của Chính phủ cũng cho thấy, các quy định về ưu đãi đầu tư đối với các dự án dầu khí theo lô dầu khí (thông qua hợp đồng dầu khí) đã được ban hành từ lâu (năm 2005), đến nay một số tiêu chí không còn phù hợp với tình hình thực tế (nhất là những vùng nước sâu xa bờ, nhạy cảm về quốc phòng, an ninh); chưa có chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với các dự án dầu khí theo lô, mỏ tận thu dầu khí, cận biên, phi truyền thống...; chưa có quy định về việc xử lý chi phí rủi ro trong giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí đối với doanh nghiệp nhà nước; chưa có quy định về việc cho phép bên thứ ba được tiếp cận các hạ tầng cơ sở sẵn có của ngành dầu khí để nâng cao hiệu quả sử dụng. Đáng chú ý, một số vấn đề được quy định trong Luật Dầu khí nhưng chưa đồng bộ với các quy định pháp luật khác... “Việc xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) là hết sức cần thiết, nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

Đa dạng hóa ưu đãi để thu hút đầu tư 

Góp ý vào dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội và chuyên gia nhấn mạnh đến việc cần cân nhắc, bổ sung chính sách ưu đãi, bảo đảm hài hòa lợi ích để thu hút đầu tư vào ngành dầu khí. Việt Nam đang đứng trước một thực tế là số lượng hợp đồng dầu khí mới được ký kết gần đây giảm mạnh. Bởi vậy, việc đánh giá đúng hiện trạng của các điều khoản kinh tế-thương mại của hợp đồng dầu khí và hệ thống các văn bản pháp lý so với các nước trong khu vực là hết sức cần thiết để xây dựng được chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với bối cảnh hiện nay, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho lĩnh vực hoạt động dầu khí của Việt Nam so với các nước khác trong khu vực. Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) đánh giá, các quy định liên quan đến mỏ dầu khí khai thác tận thu là một điểm quan trọng đột phá của dự thảo luật lần này, sẽ tạo cơ chế đột phá khai thác tận thu tài nguyên hợp lý, đặc biệt là khi giá dầu thô trên thị trường thế giới biến động bất thường, bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Một vấn đề khác mà các nhà đầu tư còn nhiều băn khoăn là các dự án dầu khí đã và đang triển khai trước ngày Luật Dầu khí (sửa đổi) có hiệu lực có được hưởng các ưu đãi theo quy định của Luật Dầu khí mới này hay không. Vì vậy, để bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của các nhà thầu, nhà đầu tư tại các dự án dầu khí đã và đang triển khai, nhiều chuyên gia, ý kiến cho rằng cần bổ sung vào quy định chuyển tiếp theo hướng trong trường hợp chính sách thay đổi thì nhà đầu tư được áp dụng những chính sách mới, ưu đãi hơn. “Điều 54 của dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đã quy định về chính sách ưu đãi đầu tư, đây là bước tiến mới trong quá trình xây dựng dự thảo luật. Tuy nhiên, để bảo đảm trong trường hợp các nhà thầu dầu khí đã ký kết hợp đồng dầu khí và đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhưng các chính sách ưu đãi đầu tư tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thấp hơn chính sách ưu đãi đầu tư tại Điều 54, thì nhà thầu được quyền đề xuất để hưởng chính sách ưu đãi đầu tư tại Điều 54. Việc bổ sung quy định này là phù hợp với chính sách bảo đảm đầu tư cho các nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, đồng thời phù hợp với hệ thống pháp luật quốc tế về bảo đảm đầu tư”-đại biểu Cầm Thị Mẫn (đoàn Thanh Hóa) phân tích.


Khánh An/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tao-buoc-dot-pha-de-thu-hut-dau-tu-vao-nganh-dau-khi-709122

  • Từ khóa