Thành phố Hồ Chí Minh thu hút gần 13 tỷ USD vốn đầu tư

Thứ 5, 27.10.2022 | 14:46:56
808 lượt xem

Sáng 27/10, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (Hepza) tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm xây dựng và phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, dự lễ.

Với sự quyết đoán của Chính phủ cùng nỗ lực của Thành phố Hồ Chí Minh, mô hình khu chế xuất đầu tiên của cả nước - khu chế xuất Tân Thuận - chính thức được hình thành vào ngày 25/11/1991.

Sau hơn 30 năm, đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã có 3 khu chế xuất và 14 khu công nghiệp đi vào hoạt động, góp phần thực hiện các mục tiêu thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, giải quyết việc làm, du nhập kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, tăng năng lực xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ và góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của thành phố phát triển.

Từ thành công của mô hình khu chế xuất Tân Thuận, lần lượt các khu chế xuất, khu công nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh và hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước được thành lập.

Tính đến tháng 9/2022, các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút được 1.674 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 12,33 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 45%. Giá trị xuất khẩu trung bình hằng năm của các khu chế xuất, khu công nghiệp đạt 7 tỷ USD, chiếm hơn 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thành phố; trung bình hằng năm nộp ngân sách Nhà nước hơn 22.000 tỷ đồng, chiếm 6% tổng thu ngân sách thành phố (không kể dầu thô). Các khu chế xuất, khu công nghiệp đã giải quyết việc làm cho hơn 281.000 lao động, chiếm 6% lực lượng lao động của thành phố.

Các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố đã thành lập được 801 tổ chức Công đoàn ở các doanh nghiệp với hơn 208.922 đoàn viên và 286 tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh với hơn 4.400 đoàn viên...

Theo ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, lần đầu tiên trong cả nước, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Hepza con dấu quốc huy và chỉ đạo các bộ ủy quyền cho Hepza xử lý tại chỗ những vấn đề phát sinh tại khu chế xuất. Cơ chế quản lý “một cửa, tại chỗ” đã được nhân rộng, áp dụng rộng rãi và trở thành nguyên tắc hoạt động của các ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế trong cả nước từ đó đến nay.

Tuy vậy, việc phát triển khu chế xuất, khu công nghiệp thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế. Đó là chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư vào khu chế xuất, khu công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu; hiệu quả sử dụng đất chưa cao; mô hình phát triển của các khu công nghiệp chậm được đổi mới, thiếu các khu công nghiệp chuyên ngành, chuyên môn hóa; hạ tầng phục vụ khu công nghiệp còn thiếu đồng bộ; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu đầu tư...

Thành phố Hồ Chí Minh thu hút gần 13 tỷ USD vốn đầu tư ảnh 1

Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh trao Cờ thi đua và khen thưởng các cá nhân có thành tích cao.

Từ thực tiễn, Hepza kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa cơ chế “một cửa, tại chỗ” để đơn giản các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho việc triển khai các dự án đầu tư, giải quyết nhanh những vấn đề phát sinh tại khu chế xuất, khu công nghiệp; tăng cường phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước đối với khu chế xuất, khu công nghiệp trên các lĩnh vực quản lý theo Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Nên đánh giá cao nỗ lực trong công tác quản lý và điều hành của đội ngũ cán bộ, tinh thần dám nghĩ, dám làm, tư duy đổi mới, sáng tạo, năng động của các chuyên gia, nhà khoa học và đông đảo người lao động để có kết quả như ngày hôm nay; tri ân những người dân đã sẵn sàng giao đất của mình cho Nhà nước xây dựng khu chế xuất, khu công nghiệp.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên lưu ý, lãnh đạo, chính quyền thành phố, các sở, ngành cần tập trung thực hiện các giải pháp đột phá nhằm xây dựng và phát triển khu chế xuất, khu công nghiệp trong giai đoạn mới. Trong đó, chú trọng chuyển đổi mô hình hoạt động khu chế xuất, khu công nghiệp dựa trên nền tảng phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, giảm ngành thâm dụng lao động, loại bỏ những mô hình sản xuất già cỗi, tái cấu trúc theo hướng công nghiệp sinh thái tuần hoàn, đồng thời bảo đảm chuyển giao công nghệ tại các khu chế xuất, khu công nghiệp.

Việc xây dựng và phát triển khu chế xuất, khu công nghiệp phải luôn luôn song hành với các vấn đề an sinh xã hội, hoàn thiện hạ tầng trong các khu chế xuất, khu công nghiệp như xây dựng nhà lưu trú, nhà ở xã hội cho công nhân, trường mầm non…


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-thu-hut-gan-13-ty-usd-von-dau-tu-post721898.html

  • Từ khóa