Đưa công nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Thái Bình

Thứ 5, 27.10.2022 | 14:46:49
1,260 lượt xem

Từ một tỉnh thuần nông, được biết đến với tên gọi dân dã “quê lúa” cùng thương hiệu “chị Hai 5 tấn” khi dẫn đầu cả nước về năng suất lúa thời kỳ đầu dựng xây đất nước, ngày nay, tỉnh Thái Bình có bước phát triển đột phá trong phát triển kinh tế, điển hình trên lĩnh vực công nghiệp với tốc độ tăng trưởng cao, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước.

Trung tâm hành chính công tỉnh Thái Bình thực hiện quy trình “5 tại chỗ” để giải quyết công việc cho tổ chức, cá nhân đến giao dịch.

Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Kết luận số 13-KL/TW, ngày 28/10/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW đã và đang tạo động lực quan trọng cho các tỉnh trong khu vực, nhất là tỉnh Thái Bình, có bước phát triển về mọi mặt, trong đó nổi bật là lĩnh vực công nghiệp.

Công nghiệp tăng trưởng nhanh, ổn định

Ông Trần Huy Quân, Giám đốc Sở Công thương Thái Bình cho biết, hiện nay, tỉnh Thái Bình có hơn 32 nghìn cơ sở công nghiệp chế biến; hơn 100 cơ sở công nghiệp khai thác mỏ và hơn 1.000 cơ sở sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và xử lý rác thải, nước thải trong lĩnh vực công nghiệp.

Qua đánh giá, nếu như giai đoạn 2006-2010 giá trị sản xuất công nghiệp chỉ chiếm 13,5% GRDP của tỉnh, thì giai đoạn 2011-2015 con số này là 18,1%. Đến giai đoạn 2016-2020, giá trị sản xuất công nghiệp tăng mạnh, chiếm 26,6% GRDP của tỉnh. Hiện Thái Bình đang tập trung phát triển một số ngành công nghiệp theo hướng sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, sử dụng công nghệ hiện đại, từng bước xây dựng thương hiệu, sức cạnh tranh của sản phẩm.

Một số dự án quy mô lớn đã hoàn thành đầu tư đúng tiến độ, đi vào sản xuất đem lại hiệu quả, góp phần tăng thu ngân sách, kích thích ngành công nghiệp địa phương phát triển ổn định như: Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1, Nhà máy sản xuất Amôn nitrat, Hệ thống thu gom và phân phối khí mỏ Hàm Rồng, mỏ Thái Bình trên Biển Đông...

Những năm gần đây, Thái Bình thu hút được nhiều tập đoàn kinh tế lớn về tìm hiểu và trực tiếp đầu tư, sản xuất trên địa bàn. Ngoài 7 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, khu kinh tế Thái Bình với tổng diện tích hơn 30 nghìn ha (nằm trên địa bàn huyện Tiền Hải và Thái Thụy) đang là đầu tàu thúc đẩy ngành công nghiệp của tỉnh có hướng bứt phá nhanh và mạnh trong những năm tới.

Tỉnh hiện có 303 dự án đầu tư vào khu kinh tế Thái Bình và các khu công nghiệp còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 112 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư thực hiện hơn 60 nghìn tỷ đồng, đạt 54% so vốn đăng ký. Ngoài ra, có 61 dự án đầu tư nước ngoài (FDI), chiếm 20% tổng số dự án, với vốn đăng ký đầu tư hơn 28 nghìn tỷ đồng (chiếm 25% tổng vốn đăng ký). Trong đó, vốn đầu tư thực hiện hơn 9.530 tỷ đồng, đạt 34% so vốn đăng ký.

Đưa công nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Thái Bình ảnh 1

Công ty Toyada Gosei (Nhật Bản) chuyên sản xuất vô-lăng ô-tô, đang thu hút hơn 1.000 lao động làm việc tại khu công nghiệp Tiền Hải (Thái Bình).

Để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào khu kinh tế và các khu công nghiệp, tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo Ban Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh phối hợp các đơn vị liên quan chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư bằng nhiều hình thức để giới thiệu, quảng bá các tiềm năng, lợi thế so sánh, các quy hoạch, định hướng phát triển và cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào khu kinh tế Thái Bình và các khu công nghiệp.

Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh Thái Bình là sự khẳng định rõ nét nhất cam kết luôn đồng hành và hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trong suốt quá trình thực hiện dự án, qua đây tạo thêm sức hút đầu tư cho tỉnh bên cạnh những lợi thế so sánh khác.

Tháo gỡ điểm nghẽn, tập trung thu hút đầu tư

Năm 2021, chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thái Bình đạt 62,31 điểm, đứng thứ 47/63 tỉnh, thành phố cả nước, giảm tới 22 bậc so năm 2020.

Trước tình hình này, lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã tổ chức nhiều cuộc họp với từng sở, ngành, đơn vị, địa phương yêu cầu giải trình việc giảm điểm, giảm thứ hạng của các chỉ số thành phần. Đây được xem là giải pháp quan trọng để tiếp tục thu hút đầu tư, nhất là các dự án lớn vào Khu kinh tế và các khu công nghiệp.

Qua phân tích, riêng chỉ số Tiếp cận đất đai của tỉnh Thái Bình chỉ xếp thứ 60/63 tỉnh, thành phố cả nước và xếp thứ 11/11 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng. Nguyên nhân được chỉ ra là do công tác giải phóng mặt bằng một số dự án còn chậm, gặp nhiều khó khăn do giá bồi thường đất nông nghiệp trên địa bàn thấp, giữ ổn định quá lâu, trong khi mặt bằng giá khác thay đổi.

Đưa công nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Thái Bình ảnh 2

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Bình kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công hạ tầng khu công nghiệp Liên Hà Thái (thuộc khu kinh tế Thái Bình).

Bên cạnh đó, có thể thấy một thực tế đó là tỉnh Thái Bình thiếu vốn ngân sách để thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch. Mặt khác, trong thời gian hiện nay, địa phương không khuyến khích đầu tư các ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường.

Theo số liệu công bố từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, năm 2021 vừa qua, Thái Bình xếp thứ 52/63 tỉnh, thành phố trên cả nước (giảm 22 bậc so năm 2020) và xếp 10/11 địa phương vùng đồng bằng sông Hồng (giảm 4 bậc so năm 2020). Các chỉ số khác như đào tạo lao động, chi phí không chính thức cũng đứng cuối cùng trong 11 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng. Tất cả những hạn chế nêu trên đã tác động trực tiếp vào việc thu hút đầu tư trên địa bàn, ảnh hưởng đến thu ngân sách cũng như cân đối ngân sách hằng năm ở địa phương.

Để nhanh chóng khắc phục các rào cản nêu trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình xác định rõ, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện thứ hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) giai đoạn 2021-2025; đồng thời tăng điểm của các chỉ số thành phần, đặc biệt chú trọng đến các chỉ số bị giảm điểm và chỉ số bị đánh giá thấp; phấn đấu đến năm 2025 đứng trong nhóm từ 15 đến thứ 10 trong bảng xếp hạng CPI của cả nước.

Tháng 9 vừa qua, lần đầu tiên, Ủy ban nhân dân tỉnh công bố chỉ số cạnh tranh cấp sở, ngành và huyện, thành phố (DDCI), do hơn 3.000 doanh nghiệp trên địa bàn trực tiếp “chấm điểm” thông qua lấy phiếu thăm dò, đánh giá cảm nhận đối với cơ quan công quyền.

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình khẳng định, hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm các sở, ngành, địa phương không có sự cải thiện, chuyển biến đối với các chỉ số thành phần liên quan đơn vị mình. Đây được xem là bước đi quan trọng để tiếp tục cải thiện kết quả xếp hạng PCI của tỉnh Thái Bình trong những năm tới; đồng thời tạo sự hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp tiếp cận, tìm hiểu, mở rộng hợp tác đầu tư trong phát triển công nghiệp tại địa phương, nhất là tại khu kinh tế Thái Bình.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/dua-cong-nghiep-tro-thanh-nganh-kinh-te-mui-nhon-cua-tinh-thai-binh-post721883.html

  • Từ khóa