Quảng bá, tiêu thụ nông sản thông qua nền tảng công nghệ số

Thứ 3, 08.11.2022 | 09:45:31
877 lượt xem

Nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm nông sản, thời gian qua, các cấp, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã tích cực tuyên truyền, hỗ trợ người dân ứng dụng nền tảng công nghệ số đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử (TMĐT).

Lạng Sơn có nhiều lợi thế phát triển nông, lâm nghiệp và nhiều sản phẩm nông sản đặc sản. Tuy nhiên, việc giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, chủ yếu thông qua hình thức tiêu thụ truyền thống.

Nhân viên Bưu điện tỉnh hướng dẫn đại biểu sử dụng ứng dụng mua sắm trực tuyến postmart.vn tại lễ phát động triển khai nền tảng “Công dân số Xứ Lạng” và phát triển tài khoản thanh toán điện tử.  Ảnh: HOÀNG VƯƠNG

Tháng 7/2021, UBND tỉnh triển khai chương trình phát triển kinh tế số. Theo đó, các ngành, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn các hộ dân tạo cửa hàng số, tài khoản thanh toán điện tử và bán sản phẩm trên các kênh TMĐT. Bám sát văn bản chỉ đạo của tỉnh và kế hoạch phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức các hội nghị tập huấn triển khai chương trình thông qua hình thức trực tuyến và trực tiếp với sự tham gia của lãnh đạo đại diện các sở, ngành, lãnh đạo UBND các huyện, thành phố, các xã trên địa bàn tỉnh để triển khai chương trình. Tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, sở đã tổ chức được 38 cuộc tập huấn với trên 12.000 người là thành viên tổ công nghệ số cộng đồng, bí thư đoàn các xã, thị trấn nhằm nâng cao năng lực để hỗ trợ người dân thiết lập tài khoản thanh toán điện tử, mua bán trên sàn TMĐT…

Bên cạnh đó, các huyện, thành phố cũng đã xác định phát triển kinh tế số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện. Bà Hoàng Thị Kim Hoạt, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đình Lập cho biết: Để thực hiện chương trình có hiệu quả, toàn huyện đã thành lập 113 tổ công nghệ số cộng đồng hỗ trợ bà con mở tài khoản, cửa hàng số. Đến nay, toàn huyện có 3.511 tài khoản thanh toán điện tử và 11.862 tài khoản trên sàn giao dịch postmart.vn và voso.vn. Các sản phẩm được đưa lên sàn giao dịch TMĐT gồm các mặt hàng như: vịt cổ xanh Đình Lập, bún ngô Thuận Anh, chè Bát Tiên… Thông qua đó, giúp đẩy mạnh quảng bá thương hiệu sản phẩm nông sản của huyện trên khắp cả nước.

Cùng với Đình Lập, các huyện, thành phố cũng đẩy mạnh hỗ trợ người dân đưa các sản phẩm nông sản lên giao dịch trên các sàn TMĐT. Ngoài ra, người dân trên địa bàn cũng chủ động ứng dụng công nghệ thông tin để đăng tải, quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm thông qua các trang mạng xã hội như: facebook, zalo…

Chị Chu Thị Hạnh, chủ cơ sở sản xuất thạch Chu Hạnh, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng cho biết: Sau khi được cán bộ phòng chuyên môn huyện tuyên truyền, tôi nhận thấy các sàn TMĐT là kênh tiêu thụ, quảng bá sản phẩm rất tiềm năng. Với sự hỗ trợ của các đơn vị liên quan, cuối năm 2021, tôi đã mở tài khoản trên sàn postmart.vn và voso.vn và đăng bán sản phẩm thành công. Nhờ đó, sản phẩm bán ra thị trường tăng lên. Trước đây, mỗi ngày, cơ sở sản xuất và tiêu thụ khoảng 60 hộp thạch, thì sau khi đăng bán trên 2 sàn TMĐT, facebook, zalo, trung bình mỗi ngày, cơ sở đã sản xuất và tiêu thụ được từ 100 đến 150 hộp thạch.

Người dân thành phố Lạng Sơn được đại diện các đơn vị trên địa bàn hướng dẫn sử dụng cửa hàng số

Nhờ sự tích cực của các ngành chức năng, đơn vị, đến nay, toàn tỉnh có trên 202.000 tài khoản bán và hơn 115.000 tài khoản mua trên sàn TMĐT postmart.vn và voso.vn, đưa 19.438 lượt sản phẩm là các nông sản đặc sản, sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) lên gian hàng trực tuyến. Qua đó, đã thúc đẩy tiêu thụ, quảng bá sản phẩm nông sản rộng rãi đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, doanh thu bán hàng trên kênh TMĐT đạt trên 13,7 tỷ đồng.

Theo đánh giá của ông Đặng Bảo Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ số, Sở TT&TT, việc phát triển kinh tế số đang dần thay đổi nhận thức, cách làm truyền thống của người dân về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số. Qua đó, giúp mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm từ bó hẹp trong huyện, trong tỉnh ra ngoại tỉnh, toàn quốc. Đặc biệt, các sản phẩm được đưa lên sàn TMĐT có quy trình sản xuất rõ ràng, tem truy xuất nguồn gốc, nhãn mác… dễ dàng tạo niềm tin đối với khách hàng, góp phần xây dựng, quảng bá thương hiệu nông sản của tỉnh ở trong và ngoài nước.

Chị Hoàng Kiều Nga, quận Long Biên, thành phố Hà Nội cho biết: Thông qua sàn postmart.vn, tôi đã biết đến thương hiệu na Chi Lăng và đặt mua 10 kg. Tại đây, tôi tìm hiểu được mọi thông tin chi tiết về sản phẩm như nguồn gốc, quy trình sản xuất cũng như giá cả và có thể trao đổi với người bán hàng. Vì vậy, tôi rất yên tâm tin dùng sản phẩm.

Như vậy, với ưu điểm chuyển tải nhanh các thông tin, hình ảnh về sản phẩm đến người tiêu dùng, các kênh TMĐT, trang mạng xã hội đã góp phần giúp người dân, doanh nghiệp trong tỉnh tiêu thụ, quảng bá sản phẩm hiệu quả. Thời gian tới, các ngành, đơn vị chức năng sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế số, hướng dẫn người dân duy trì, phát triển các tài khoản số và đưa các sản phẩm nông sản  giao dịch trên các kênh TMĐT, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ, quảng bá thương hiệu sản phẩm nông sản của tỉnh.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te/539048-quang-ba-tieu-thu-nong-san-thong-qua-nen-tang-cong-nghe-so.html

  • Từ khóa