Kiến tạo ‘diện mạo mới’ cho các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương

Thứ 5, 22.12.2022 | 15:19:21
1,108 lượt xem

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV) cho biết, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, dự án yếu kém, chậm tiến độ của ngành công thương có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, một số dự án, doanh nghiệp đã có lãi, giảm lỗ lũy kế, đóng góp cho ngân sách nhà nước, bảo đảm duy trì việc làm, đời sống cho hàng nghìn lao động.

Kiến tạo ‘diện mạo mới’ cho các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương - Ảnh 1.

Chủ tịch UBQLV, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo làm việc và thăm hỏi người lao động tại Dự án sản xuất phân bón DAP Hải Phòng, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam

Chủ động tham mưu phương hướng xử lý các dự án

Thực hiện nhiệm vụ vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương (Ban Chỉ đạo), UBQLV đã tiến hành rà soát, tổng hợp các hồ sơ, tài liệu, báo cáo; đến làm việc trực tiếp tại các dự án, doanh nghiệp để nắm bắt, đánh giá đầy đủ thực trạng từng dự án.

Những khó khăn, vướng mắc mấu chốt là tranh chấp hợp đồng EPC và tồn tại về tài chính, vay nợ. Trên cơ sở nhận diện rõ các "nút thắt", UBQLV đã nghiên cứu, tham mưu, chủ động làm việc, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan để xây dựng phương án, hướng xử lý và quyết liệt đôn đốc, chỉ đạo các doanh nghiệp, dự án xây dựng, hoàn thiện phương án thực hiện, nhằm sớm xử lý dứt điểm, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho Nhà nước.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ qua các thời kỳ, cùng với sự chủ động, tích cực của UBQLV và sự phối hợp của các cơ quan, doanh nghiệp liên quan, tháng 10/2021, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, được sử dụng nguồn vốn hợp pháp để chủ động xử lý đối với 5 dự án, doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch UBQLV, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Nguyễn Hoàng Anh, sau khi được Bộ Chính trị cho chủ trương xử lý, tình hình sản xuất, kinh doanh của các dự án, doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, một số dự án, doanh nghiệp đã có lãi, giảm lỗ lũy kế đã đóng góp cho ngân sách Nhà nước, giảm dư nợ trung hạn và dài hạn của các dự án/doanh nghiệp, bảo đảm duy trì việc làm, đời sống cho hàng nghìn lao động, góp phần ổn định chính trị-xã hội tại địa phương.

Đơn cử như: Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1 - Hải Phòng của Công ty cổ phần DAP - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam từ năm 2017 đến nay sản xuất ổn định, hàng năm có lãi và đã hết lỗ lũy kế từ tháng 1/2022; Dự án sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam duy trì vận hành sản xuất khai thác tối đa, hiệu quả 27 dây chuyền sợi DTY, doanh thu bù đắp được chi phí biến đổi và có lợi nhuận trước định phí,…

Tín hiệu tích cực từ 7 dự án còn lại và dấu ấn 'phá băng'

Cũng theo UBQLV, đối với 7 dự án, doanh nghiệp còn lại, tình hình cũng có nhiều tín hiệu rất khả quan. Trong đó, 3 dự án, doanh nghiệp sản xuất phân bón của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã duy trì được sản xuất, kinh doanh, nỗ lực làm chủ công nghệ, từng bước nâng công suất chạy máy bình quân so với công suất thiết kế.

Mặc dù còn rất khó khăn, nhưng 3 dự án, doanh nghiệp này đã sản xuất, cung cấp một lượng lớn phân đạm urê và DAP đáp ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và một phần cho xuất khẩu. Qua đó, góp phần ổn định thị trường phân bón, tiết kiệm ngoại tệ nhập khẩu, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Dù còn lỗ lũy kế, song từ năm 2021 đến nay, do thị trường thuận lợi nên kết quả sản xuất, kinh doanh cải thiện hơn. Năm 2022, ước lãi 2.632 tỷ đồng, tăng hiệu quả 2.815 tỷ đồng so với năm 2021.

Kiến tạo ‘diện mạo mới’ cho các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương - Ảnh 2.

Chủ tịch UBQLV Nguyễn Hoàng Anh tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khảo sát, làm việc tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty cổ phần Gang Thép Thái Nguyên ngày 31/7/2022

Với những kết quả tích cực đạt được trong sản xuất, kinh doanh thời gian qua và trên cơ sở thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo, Ủy ban và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã hoàn thành phương án xử lý đối với 3 dự án sản xuất phân bón. Theo đó, tập trung vào các biện pháp cơ cấu tài chính nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh để trình cấp có thẩm quyền xem xét.

Như vậy, với 3 dự án, doanh nghiệp phân bón được cấp có thẩm quyền thông qua phương án xử lý, cùng với 5 dự án đã được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương, định hướng xử lý trong năm 2021, sẽ nâng tổng số lên 8/12 dự án, doanh nghiệp đã có phương án xử lý cụ thể.

Bên cạnh những tín hiệu đáng mừng của các dự án, doanh nghiệp phân bón, Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty cổ phần Gang Thép Thái Nguyên (Tisco2), một trong những dự án được coi là khó xử lý nhất trong số 12 dự án, doanh nghiệp đến nay cũng đã có nhiều tiến triển tích cực.

Ngày 31/7/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khảo sát, làm việc tại dự án Tisco2. Tại buổi làm việc, Thủ tướng nêu rõ tinh thần tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề đặt ra của dự án. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban đã quyết liệt chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước, Tổng công ty Thép Việt Nam và Công ty cổ phần Gang Thép Thái Nguyên; trực tiếp tham gia đàm phán với Tổng thầu EPC của Tisco2 (MCC).

Đồng thời, UBQLV đã trực tiếp làm việc với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam và có công hàm đề nghị Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam báo cáo cấp có thẩm quyền phía Trung Quốc, hỗ trợ điều phối với các cơ quan chức năng của Trung Quốc trong việc tạo điều kiện cho MCC tổ chức đoàn sang Việt Nam để đàm phán thống nhất các vấn đề liên quan của dự án. Trên cơ sở đó, từ ngày 14-24/10/2022, MCC đã cử đoàn chuyên gia sang làm việc tại Việt Nam.

Đây được coi là chuyến công tác mang tính "phá băng" trong xử lý các tồn tại, vướng mắc của Tisco2, tạo ra bước đột phá trong quá trình giải quyết các tồn tại của Dự án Tisco2 khi lần đầu tiên hai bên đã cùng khảo sát, tiếp cận trên thực tế đối với các máy móc, thiết bị đã tập kết tại hiện trường và các công trình xây dựng dở dang trong khuôn khổ Dự án.

Thời gian tới, việc xử lý đối với các dự án sẽ được tiếp tục thực hiện theo quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, tuân thủ các quy định của pháp luật, kết luận thanh tra, kiểm toán và các cơ quan có thẩm quyền.

Căn cứ vào tình hình thực tế xử lý các khó khăn, vướng mắc của từng dự án, doanh nghiệp, UBQLV sẽ rà soát, tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo và các cơ quan có thẩm quyền để có định hướng và giải pháp tái cơ cấu các dự án, doanh nghiệp theo hướng ưu tiên các phương án bán, thoái vốn; trường hợp các dự án, doanh nghiệp không có khả năng phục hồi sẽ báo cáo, xem xét thực hiện phương án phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật; mục tiêu thu hồi tối đa tài sản của Nhà nước, hạn chế thấp nhất thất thoát và những tác động tiêu cực đối với ngân sách nhà nước cũng như đối với nền kinh tế.


Minh Ngọc/baochinhphu.vn

https://baochinhphu.vn/kien-tao-dien-mao-moi-cho-cac-du-an-cham-tien-do-kem-hieu-qua-cua-nganh-cong-thuong-102221222095534278.htm

  • Từ khóa