Trợ lực cho doanh nghiệp trong chuyển đổi số

Thứ 3, 14.03.2023 | 09:29:08
855 lượt xem

Những tác động sau đại dịch Covid-19 và diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới đã khiến các doanh nghiệp Việt Nam đối mặt nhiều khó khăn và thách thức. Nhưng cũng nhờ đó, các hoạt động đổi mới kỹ thuật số, công nghệ số thông thường sẽ diễn ra trong vòng 5-10 năm tới đã bị nén lại trong hai năm qua.

Người dân và đại diện các doanh nghiệp tham quan Không gian sáng tạo và trải nghiệm chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh TTXVN)

Chính vì vậy, tính tất yếu của xu hướng chuyển đổi số cũng được nhiều doanh nghiệp nhìn nhận và tăng đầu tư vào ứng dụng công nghệ số, giúp doanh nghiệp thích ứng, tăng tốc trong giai đoạn khó khăn chưa từng có tiền lệ vừa qua.

Song bên cạnh đó, vẫn còn không ít doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa khá lúng túng trong quá trình chuyển đổi số hoặc đã triển khai nhưng hiệu quả không đạt như mong đợi, chưa thật sự thành công. Do đó, cần phải có những định hướng, hỗ trợ giúp các doanh nghiệp sẵn sàng chuyển đổi số thành công.

“Lạc lối” trong chuyển đổi số

Là một nhà doanh nghiệp chuyên sản xuất các trang thiết bị phục vụ cho ngành giáo dục, khao khát “chuyển mình” thành doanh nghiệp số đã thôi thúc bà Vũ Thị Ngọc Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị giáo dục Hồng Đức tìm tòi, nghiên cứu và áp dụng chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh.

Theo chia sẻ của bà Ngọc Anh, cách đây 5-7 năm, khi bắt đầu áp dụng chuyển đổi số, nhiều cán bộ, nhân viên của công ty chưa theo kịp công nghệ mới nên phản đối gay gắt vì cho rằng phức tạp, họ ngại khi phải làm lại từ đầu.

Chưa kể lúc đó, do công ty “ôm” quá nhiều phần mềm về kế toán, quản lý bán hàng, vật tư, kho để sử dụng cho từng công đoạn trong sản xuất, kinh doanh, nhưng những ứng dụng này lại không có sự liên kết với nhau, thiếu đồng bộ trong truy xuất dữ liệu. Điều này khiến nhân viên của công ty bị “lạc lối” trong “rừng phần mềm” cho nên dẫn tới nhiều sai sót, cả hệ thống hoạt động liên tục gặp trục trặc và khá rời rạc.

Tuy nhiên, bằng quyết tâm cao độ, công ty đã tuyển đội ngũ nhân viên công nghệ dày dạn kinh nghiệm, có trình độ, sự nhiệt huyết để hỗ trợ các bộ phận liên quan làm quen dần và thích nghi các công cụ, phần mềm hỗ trợ.

Đến nay, công cuộc chuyển đổi số tại công ty đạt hơn 85% và chỉ còn sử dụng duy nhất 1 phần mềm tích hợp quản lý từ khâu sản xuất đến bán hàng phù hợp với doanh nghiệp. Mọi dữ liệu thông tin được đồng bộ hóa, hoạt động xuyên suốt; việc xử lý đơn hàng nhanh chóng, chính xác hơn, từ đó giúp ban lãnh đạo công ty đưa ra những quyết sách đúng đắn, kịp thời hơn trong sản xuất, kinh doanh.

Không thể phủ nhận, chuyển đổi số trong doanh nghiệp đã giúp mang lại rất nhiều lợi ích như: Gia tăng tính minh bạch và hiệu quả trong quản trị doanh nghiệp; tiết kiệm chi phí và tăng năng lực làm việc của nhân viên; nâng cao tính cạnh tranh; tạo ra trải nghiệm tốt cho khách hàng và tăng doanh thu.

Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn ngại chuyển đổi số với lý do chính là vấn đề tài chính và sự am hiểu về công nghệ của người đứng đầu doanh nghiệp, phần còn lại chuyển đổi số chưa thực chất, còn nhầm lẫn giữa số hóa dữ liệu với chuyển đổi số.

Theo một khảo sát mới đây của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có 23,8% doanh nghiệp được khảo sát biết về chuyển đổi số nhưng thiếu nguồn lực tài chính và nhân lực để thực hiện; có đến 90% số doanh nghiệp được khảo sát đang cho thấy việc chuyển đổi số chưa thành công.

Khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin (Vinasa) cũng cho thấy, có tới 92% số doanh nghiệp được hỏi không biết cách thức chuyển đổi số như thế nào, 72% không biết bắt đầu chuyển đổi số từ hoạt động nào của tổ chức và 69% không biết lựa chọn đối tác nào để triển khai. Phần lớn doanh nghiệp này đều có quy mô vừa và nhỏ cho nên khó khăn lớn nhất gặp phải là vốn, vì vậy, họ chỉ coi chuyển đổi số là “sân chơi” của những ông lớn.

Theo Báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp năm 2022 vừa được Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư) công bố, vấn đề chuyển đổi số trong doanh nghiệp thời gian qua đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Nhận thức về chuyển đổi số của doanh nghiệp được nâng lên, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cùng với đó, mức độ sẵn sàng chuyển đổi số trong doanh nghiệp tương đối tốt với thang điểm 3/5. Bên cạnh các kết quả tích cực này, chuyển đổi số vẫn đang là thách thức rất lớn với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Kết quả khảo sát 1.000 doanh nghiệp trên cả nước thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề cũng chỉ ra, gần 50% doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ, giải pháp số nhưng đang tạm dừng và không sử dụng tiếp do các giải pháp này chưa phù hợp, hoặc không còn phù hợp trong bối cảnh hiện tại của doanh nghiệp.

Hiện có hơn 35% số doanh nghiệp đã số hóa dữ liệu, quy trình, nhưng chủ yếu là đưa các dữ liệu, văn bản, giấy tờ từ bản cứng thành bản mềm để lưu trữ trên hệ thống; chỉ có 2,2% làm chủ công nghệ, 6,2% hoàn thành xác định mục tiêu chuyển đổi số và chỉ có 7,6% từng bước xây dựng kế hoạch để chuyển đổi số. Bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp đang chưa biết chuyển đổi số bắt đầu từ đâu, lộ trình thế nào để đạt kết quả như kỳ vọng.

Tháo gỡ khó khăn, rào cản

Phó Chủ tịch VCCI Bùi Trung Nghĩa cho rằng, chuyển đổi số đang là yêu cầu bắt buộc, xu hướng tất yếu, khách quan để cộng đồng doanh nghiệp đứng vững và phát triển, đặc biệt là sau mấy năm bị ảnh hưởng và tác động của đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, bên cạnh việc thực hiện chuyển đổi số thì phải có một chuẩn mực chung để các bên liên quan cùng nhau hoàn thiện, hiệu chỉnh và xác lập một quan điểm, cách tiếp cận hay phương pháp có tính chất tổng thể.

Việc hệ thống hóa các chương trình về chuyển đổi số đòi hỏi sự phối hợp có tính hệ thống trong toàn bộ các cấp từ Trung ương tới địa phương, từ quốc gia tới từng công dân, từ các khu vực công đến các khu vực tư trong hoạt động kinh tế. Chúng ta đã có một môi trường tốt gồm các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước cho chuyển đổi số, cùng các chương trình hành động của các bộ, ngành, lĩnh vực.

Do đó, các doanh nghiệp cần mạnh dạn ứng dụng công nghệ để tăng năng suất lao động, nâng cao khả năng quản trị và có tầm nhìn chiến lược với những bước đi cụ thể để hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số.

Theo các chuyên gia, chuyển đổi số là một quá trình dài, khó khăn và vẫn có không ít doanh nghiệp bị tụt lại phía sau. Do đó, bên cạnh mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp, vẫn rất cần thêm sự trợ lực từ Nhà nước, các cơ quan chức năng có liên quan hỗ trợ các giải pháp chuyển đổi số, đào tạo chuyên sâu theo các ngành, lĩnh vực, nghiệp vụ; tư vấn lộ trình và tư vấn triển khai chuyển đổi số cho doanh nghiệp.

Với tất cả nỗ lực không ngừng từ cộng đồng doanh nghiệp và sự tiếp sức kịp thời từ Nhà nước sẽ giúp hướng tới mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số chiếm 20% GDP và chiếm 30% GDP vào năm 2030 như Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt; đồng thời, giúp các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm kiếm mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, hiệu quả tối ưu hơn để vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực vượt qua khó khăn, từng bước phát triển trong thị trường đầy biến động hiện nay.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/tro-luc-cho-doanh-nghiep-trong-chuyen-doi-so-post742781.html

  • Từ khóa