Thúc đẩy chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản an toàn

Thứ 3, 14.03.2023 | 14:51:20
1,039 lượt xem

Trong sản xuất nông nghiệp, khó khăn hiện nay là đầu ra sản phẩm và chất lượng vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất. Để không lo về chất lượng cũng như đầu ra sản phẩm, chuỗi cung ứng nông sản sạch đã ra đời, ngày càng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, để có nhiều mô hình sản xuất nông sản an toàn, chất lượng cao, cần nhiều chính sách đột phá để nông dân yên tâm sản xuất.

Sơ chế rau tại Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (Hà Nội).

Tại thành phố Hà Nội, ngành nông nghiệp tuy chiếm tỷ trọng nhỏ, nhưng chiếm vị trí quan trọng trong việc cung cấp nông sản đáp ứng nhu cầu đa dạng, phong phú và ngày càng tăng của người dân; sản xuất nông nghiệp tạo việc làm, góp phần giữ gìn môi trường sinh thái, cảnh quan và bảo đảm an sinh xã hội cho Hà Nội.

Chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng biến đổi khí hậu; phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực đang được ngành nông nghiệp thành phố Hà Nội đẩy mạnh.

Với gần 34.000ha đất canh tác hằng năm, Hà Nội được biết đến là địa phương có tốc độ tăng trưởng diện tích trồng màu đạt trung bình 1,41%/năm. Trong đó, diện tích rau an toàn đã được cấp giấy chứng nhận duy trì ổn định khoảng 5.451,8ha với năng suất ước đạt 70 tấn/ha/năm.

Hiện thành phố cũng đã hình thành 104 vùng sản xuất rau an toàn với quy mô từ 20ha trở lên tại các huyện Đông Anh, Thanh Trì, Phúc Thọ, Hoài Đức, Gia Lâm, Chương Mỹ... giá trị đạt từ 400 đến 500 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 5 đến 6 lần so với trồng lúa, cá biệt có vườn thu được 1 đến 1,5 tỷ đồng/ha (như bưởi đường Quế Dương tại Cát Quế, cam Canh tại Đắc Sở - Hoài Đức).

Nhiều sản phẩm quả của Hà Nội đã có nhãn hiệu, thương hiệu như: Bưởi Chương Mỹ, bưởi Phúc Thọ, bưởi Quế Dương, bưởi sạch Sóc Sơn, bưởi tôm vàng Đan Phượng, nhãn muộn Đại Thành, nhãn muộn Hoài Đức, chuối Vân Nam, cam Kim An, ổi Đông Dư, ổi Cự Khối...

Tuy nhiên, so với thực tế hiện có, những kết quả đạt được của Hà Nội còn chưa tương xứng tiềm năng. Việc cung ứng nông sản an toàn của các doanh nghiệp, hợp tác xã ra thị trường còn nhiều khó khăn do một số địa phương quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp lỏng lẻo, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún; chất lượng sản phẩm của từng mùa vụ chưa đồng đều, tỷ lệ nông sản hàng hóa được tiêu thụ thông qua hợp đồng và truy xuất nguồn gốc còn thấp.

Hàng hóa của các địa phương chủ yếu là thực phẩm tươi sống từ nhà cung cấp tới từng điểm bán lẻ, nhà phân phối cho nên lượng hàng vận chuyển không lớn; đôi khi chưa kịp thời do khoảng cách, thời gian vận chuyển, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm được giao.

Chi cục phó Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, Lê Xuân Trường cho biết, thành phố đang tập trung phát triển nền nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, hiện đại, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh; nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất hàng hóa quy mô lớn trên cơ sở phát huy các lợi thế của từng địa phương; phát triển theo hướng nông nghiệp xanh, ứng dụng công nghệ cao, thông minh để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị trong nước và hội nhập quốc tế.

Tăng hàm lượng khoa học, công nghệ vào sản xuất mang lại hiệu quả tốt hơn cho người nông dân; tập trung chỉ đạo thực hiện chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa thành vùng hàng hóa tập trung quy mô lớn, nhằm phát triển chuỗi cung ứng nông sản sạch trở thành đòn bẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn đã được thành phố Hà Nội đồng loạt triển khai.

Hội đồng nhân dân thành phố cũng đã ban hành Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội, trong đó tập trung: Hỗ trợ tập huấn kỹ thuật sản xuất tập trung, sản xuất theo chuỗi nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, VietGAP,...

Hiện Hà Nội đã được cấp và đang duy trì 14 mã số vùng trồng cây ăn quả với diện tích hơn 300ha; trong đó 8 mã số cấp cho vùng trồng chuối và 3 mã số cấp cho vùng trồng nhãn, 3 mã số cấp cho vùng trồng bưởi Diễn phục vụ xuất khẩu.

Thành phố sẽ tập trung phát triển nền nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, hiện đại, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh; nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất hàng hóa quy mô lớn trên cơ sở phát huy các lợi thế của từng địa phương; phát triển theo hướng nông nghiệp xanh, ứng dụng công nghệ cao, thông minh để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị trong nước và hội nhập quốc tế.

Mục tiêu đến năm 2030, thành phố phấn đấu, tốc độ tăng trưởng GRDP nông, lâm, thủy sản đạt bình quân 2,5 đến 3%/năm, mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu; tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hơn 70%; tỷ lệ giá trị sản xuất trồng trọt mỗi năm tăng 0,4 đến 0,7% trở lên; tỷ lệ giá trị sản phẩm trồng trọt được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết bền vững đạt từ 45% trở lên.

Phấn đấu diện tích sản xuất thực hành nông nghiệp tốt 30 đến 40%, nông nghiệp hữu cơ đạt khoảng 2 đến 3% tổng diện tích gieo trồng. Hy vọng với những nỗ lực của ngành nông nghiệp thủ đô và người dân sẽ giúp cho kinh tế khu vực nông thôn ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày càng nâng cao.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/thuc-day-chuoi-san-xuat-cung-ung-nong-san-an-toan-post742785.html

  • Từ khóa