Nhà đầu tư điện gió, mặt trời kêu cứu Thủ tướng, Bộ Công Thương lên tiếng

Thứ 5, 16.03.2023 | 17:30:14
778 lượt xem

Cục Điều tiết điện lực khẳng định khung giá phát điện chuyển tiếp được lấy ý kiến của hội đồng tư vấn độc lập và dựa trên chi phí thực tế của các nhà máy điện tái tạo.

Mới đây, 36 nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời kiến nghị Thủ tướng xem xét những bất cập trong cơ chế giá phát điện cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp. Cụ thể, nhóm doanh nghiệp này cho rằng quá trình ban hành Quyết định 21 dường như quá vội vàng, chưa bảo đảm việc thẩm định và lấy ý kiến một cách kỹ lưỡng.

Việc giao cho EVN/EPTC (Tập đoàn Điện lực Việt Nam/ Công ty Mua bán điện) làm công tác xác định giá và sử dụng kết quả đề xuất chưa qua tham vấn với bên tư vấn độc lập là chưa phù hợp với thực tiễn, phương pháp tính toán của EVN chưa phù hợp và chưa đảm bảo tính khách quan. 

Trước các kiến nghị trên, Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) khẳng định Bộ có trách nhiệm hướng dẫn phương pháp lập khung giá phát điện áp dụng đối với dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

EVN có trách nhiệm xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện gió, nhà máy điện mặt trời chuyển tiếp trình Cục Điều tiết điện lực thẩm định trước khi trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt.

Nhà đầu tư điện gió, mặt trời kêu cứu Thủ tướng, Bộ Công Thương lên tiếng - 1

36 nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời lo phá sản, nên đã gửi đơn kêu cứu Thủ tướng (Ảnh minh họa: Getty Images).

Bộ Công Thương cũng đã thành lập Hội đồng tư vấn độc lập lấy ý kiến về khung giá phát điện cho dự án chuyển tiếp được thành lập với 9 thành viên là các chuyên gia có chuyên môn trong lĩnh vực điện, giá, tài chính, quản lý Nhà nước về năng lượng. Việc tổ chức tính toán rà soát, xin ý kiến của các chuyên gia và các cơ quan có đơn vị có liên quan được thực hiện từ ngày 20/11/2022 đến ngày 30/11/2022.

"Vì vậy, việc dự thảo và ban hành Quyết định 21 về ban hành khung giá điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp hoàn toàn đảm bảo trình tự và thủ tục theo quy định", Cục Điều tiết điện lực nhấn mạnh.

Đối với phương pháp và kết quả tính toán, Cục này cho biết kết quả tính khung giá dựa trên các số liệu được các tổ chức tư vấn trong, ngoài nước cung cấp. Theo đó, suất đầu tư điện gió, điện mặt trời trên thế giới có xu hướng giảm dù chi phí vật liệu tăng cao.

Vì vậy, căn cứ báo cáo kết quả tính toán khung giá của EVN, suất đầu tư được thẩm định, lựa chọn trên cơ sở suất đầu tư các dự án giảm trừ 10% cho 1 MWp điện mặt trời, 1 MW điện gió.

Cũng theo Cục, cơ chế giá bán điện ưu đãi FIT là cơ chế giá điện hỗ trợ, được thiết kế để thúc đẩy đầu tư vào các dự án điện mặt trời, điện gió và được quy định trong khoảng thời gian nhất định.

Trong khi đó, khung giá phát điện cho các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp được tính toán trên cơ sở chi phí thực tế quy định tại báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật của các nhà máy đã ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN trước thời hạn cơ chế giá FIT hết hiệu lực.


Theo nhandan.vn

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/nha-dau-tu-dien-gio-mat-troi-keu-cuu-thu-tuong-bo-cong-thuong-len-tieng-20230316110131059.htm

  • Từ khóa