Quản lý chặt các đội tàu hiện có

Thứ 6, 17.03.2023 | 08:31:40
881 lượt xem

Ðại tá Ðào Bá Việt, Phó Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, các cơ quan, đơn vị cảnh sát biển đã tích cực phối hợp các ngành, lực lượng chức năng, chính quyền địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh phòng, chống khai thác IUU.

Trung tướng Bùi Quốc Oai, Chính ủy Cảnh sát biển tặng quà ngư dân có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Côn Ðảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Xác định gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) về khai thác hải sản ngay trong năm 2023 là quyết tâm, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và lực lượng chức năng trong cả nước, tuy nhiên thực tế vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục, đòi hỏi cần nâng cao hiệu quả phối hợp trong đấu tranh phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia và Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về phòng, chống khai thác IUU, thời gian qua, lực lượng cảnh sát biển đã chủ động phối hợp đấu tranh phòng, chống khai thác IUU.

Triển khai đồng bộ các biện pháp

Ðại tá Ðào Bá Việt, Phó Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, các cơ quan, đơn vị cảnh sát biển đã tích cực phối hợp các ngành, lực lượng chức năng, chính quyền địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh phòng, chống khai thác IUU. Tổ chức ký kết thực hiện Chương trình công tác dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” giữa Ban Thường vụ Ðảng ủy Cảnh sát biển với 18 tỉnh, thành phố ven biển.

Thành lập đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đi kiểm tra công tác triển khai các biện pháp phòng, chống tàu cá Việt Nam khai thác IUU và tội phạm vi phạm trên vùng biển giáp ranh Việt Nam-Thái Lan-Malaysia. Trong đó, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam làm việc trực tiếp với năm địa phương: Bình Ðịnh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre; chủ động tham mưu Ban Chỉ đạo IUU Bộ Quốc phòng báo cáo Ban chỉ đạo IUU quốc gia; trao đổi với các địa phương về đánh giá thực trạng tình hình, đề xuất một số chủ trương, giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.

Cùng với đó, các đơn vị cảnh sát biển đã tổ chức ký kết Kế hoạch phối hợp với Ủy ban nhân dân 27/28 tỉnh, thành phố ven biển về tuần tra, kiểm soát, giám sát hoạt động nghề cá, kiểm tra chấp hành quy định khai thác IUU trên các vùng biển. Tham gia tuần tra liên hợp trên vùng biển lân cận đường phân định vịnh Bắc Bộ Việt Nam-Trung Quốc giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát biển Trung Quốc; phối hợp tổ chức đợt tuần tra, kiểm soát liên ngành về IUU với các địa phương (Thanh Hóa, Nghệ An, Kiên Giang, Cà Mau).

Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp lực lượng hiệp đồng, cơ quan chức năng địa phương xác minh, điều tra làm rõ các vụ việc tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác IUU, bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ, các hoạt động điều tra cơ bản (chủ yếu là các chủ tàu, thuyền trưởng, tàu cá nguy cơ vi phạm cao), xây dựng kế hoạch, chuyên án đấu tranh bóc gỡ các đường dây môi giới đưa tàu cá, ngư dân sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.

Thực hiện đợt cao điểm đấu tranh phòng, chống khai thác IUU khu vực biển giáp ranh Việt Nam-Thái Lan-Malaysia (đây là khu vực trọng điểm), Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát trên tuyến biển này; tăng cường lực lượng, thường xuyên sử dụng từ 10 đến 15 tàu trực, tuần tra, kiểm soát, thực thi pháp luật, phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển được giao quản lý. Bên cạnh đó, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cũng kiến nghị với Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU Bộ Quốc phòng phối hợp chỉ đạo, trong đó căn cứ vào điều kiện thời tiết có thể sử dụng lực lượng không quân để phối hợp lực lượng cảnh sát biển và lực lượng chức năng tuyên truyền cho ngư dân phòng, chống khai thác IUU.

“Từ tháng 7/2021 đến nay, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát khu vực biển, đảo tây nam. Hiện, Bộ Tư lệnh Vùng đã phối hợp Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 và lực lượng kiểm ngư thường xuyên có khoảng 10 tàu hoạt động trên biển để ngăn chặn tình trạng khai thác IUU” - Ðại tá Trần Nguyên Lai, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 cho biết.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo về IUU Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, từ năm 2022 đến ngày 19/2/2023, tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép giảm rõ rệt, nhưng chưa bền vững. Tình hình thời tiết, thiên tai ngày càng cực đoan, khó lường do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu... đã ảnh hưởng không nhỏ tới các hoạt động chống khai thác IUU. Vùng biển rộng, các lực lượng tuần tra trên biển còn mỏng; ranh giới vùng biển một số khu vực chưa phân định cho nên khó khăn trong xác định vùng biển vi phạm; việc xử phạt chưa đủ mức răn đe, ngăn chặn.

Tăng cường phối hợp của các lực lượng

Ðể chung tay gỡ cảnh báo “thẻ vàng” về khai thác hải sản, Ðại tá Ðào Bá Việt đề nghị, các địa phương cần giải quyết thực trạng tàu cá ở địa phương mình vi phạm IUU bị nước ngoài bắt giữ, xử lý ngay từ cơ sở, từ “gốc rễ” của vấn đề; quản lý chặt chẽ đội tàu từ xã, phường, gắn với tuyên truyền vận động ngư dân chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế hải sản bền vững, phòng, chống khai thác IUU đến từng cán bộ, người dân một cách thường xuyên, hiệu quả, đặc biệt là cấp xã, phường, thị trấn.

Phối hợp kiểm soát chặt chẽ tàu, thuyền xuất bến, cập bến, lao động trên tàu cá, tổ chức lắp đặt VMS, cấp giấy chứng nhận, đăng ký hoạt động của tàu cá đúng quy định pháp luật; lập danh sách khoanh vùng đối tượng (chủ tàu, thuyền trưởng, tàu cá, đối tượng liên quan), nắm chắc địa bàn để theo dõi, quản lý chặt chẽ, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các tàu cá có biểu hiện nghi vấn tổ chức đi khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng (Cảnh sát biển, Biên phòng, Kiểm ngư, Hải quân) trong tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phòng, chống tàu cá ngư dân vi phạm IUU, nhất là ở các vùng biển trọng điểm; phối hợp tổ chức các đội kiểm tra liên ngành để kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương để tuyên truyền, giáo dục.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau cho biết, thời gian qua, tỉnh đã làm tốt công tác phối hợp thông tin, chia sẻ thông tin để xử lý nhanh những trường hợp có nguy cơ dẫn đến vi phạm ở vùng biển nước ngoài. Ðể nâng cao hiệu quả phòng, chống khai thác IUU, thời gian tới, chính quyền, lực lượng chức năng của tỉnh cũng như các địa phương ven biển quản lý chặt chẽ đội tàu địa phương mình hiện có; trong đó, cần quản lý chặt chẽ việc đăng ký, đăng kiểm, giấy phép của từng phương tiện.

Ðề cập vấn đề nêu trên, Trung tướng Bùi Quốc Oai, Bí thư Ðảng ủy, Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam cho biết: Ðể góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống khai thác IUU, thời gian tới, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển sẽ tiếp tục triển khai các chương trình, kế hoạch của Ban Chỉ đạo IUU của Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã đề ra. Trong đó, tiếp tục duy trì lực lượng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, tăng cường quan sát, phát hiện và xử lý kịp thời các tàu ngư dân ta cố tình vi phạm. Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân, nhất là ngư dân; phối hợp với các lực lượng chức năng của các nước liên quan chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm phòng, chống khai thác IUU.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/quan-ly-chat-cac-doi-tau-hien-co-post743297.html

  • Từ khóa