Nỗ lực trở thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao

Thứ 2, 01.05.2023 | 09:56:02
769 lượt xem

Tỉnh Ninh Thuận có 450 cơ sở sản xuất tôm giống, sản lượng đạt 39 tỷ con/năm, chiếm 24,4% sản lượng cả nước.

Kỹ thuật viên Công ty TNHH Sản xuất giống thủy sản Hồ Trung kiểm tra quá trình tôm con sinh trưởng.

Thương hiệu “Tôm giống Ninh Thuận” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu, Ninh Thuận đang phát triển để trở thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước với các mục tiêu đến năm 2025 đạt sản lượng 50 tỷ con giống/năm; đến năm 2030 đạt 60 tỷ con giống/năm.

Ninh Thuận sở hữu nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế biển, đặc biệt là sản xuất giống thủy sản. Hiện nay, sản xuất tôm giống nuôi nước lợ là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, đáp ứng hơn 35% nhu cầu nuôi tôm thương phẩm từ Quảng Ninh đến Cà Mau.

Quản lý nguồn giống

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Khắc Lâm cho biết: “Năm 2022, có 415/450 cơ sở sản xuất giống tôm sú và tôm thẻ chân trắng hoạt động, đạt sản lượng 39 tỷ con (tăng 0,7% so với năm 2021). Những tháng đầu năm 2023, có 425/450 cơ sở hoạt động, dự kiến sản lượng hơn 40 tỷ con”.

Năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận đã kiểm tra, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ương dưỡng giống thủy sản theo quy định cho 415 cơ sở, bảo đảm 100% tôm giống được kiểm soát nghiêm ngặt về chất lượng, kiểm dịch đủ pháp lý trước khi xuất ra thị trường nuôi thương phẩm.

Công ty cổ phần Bio Tonic, Công ty TNHH Sản xuất giống thủy sản Hồ Trung… và nhiều cơ sở sản xuất giống tôm tại Ninh Thuận được cấp giấy chứng nhận có hệ thống trại giống đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học, cho nên quy trình từ sản xuất đến xuất giống thực hiện rất chặt chẽ, bảo đảm chất lượng.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Thuận Huỳnh Minh Khánh cho biết, trước khi sản xuất (từ 25-30 ngày/đợt), các cơ sở đủ điều kiện ương dưỡng giống đăng ký với Chi cục Thủy sản và đơn vị, khi sản xuất sẽ bảo đảm ngăn ngừa ba dịch bệnh trên tôm, gồm: bệnh đốm trắng; hoại tử gan tụy cấp tính và bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và biểu mô.

Theo đó, đơn vị cử cán bộ đến tận trại sản xuất lấy mẫu gộp dựa trên số lượng hồ, bể ương dưỡng do cơ sở đăng ký và ước sản lượng, số lượng xuất ra thị trường để xét nghiệm, xác định an toàn và cấp phiếu xét nghiệm có giá trị duy nhất cho mỗi đợt sản xuất. Khi cơ sở xuất bán giống thì tiếp tục khai báo và kiểm dịch viên đến tận trại kiểm tra dấu hiệu lâm sàng của đàn tôm giống, trích xuất kết quả xét nghiệm thấy âm tính với ba dịch bệnh trên tôm thì sẽ cấp giấy chứng nhận kiểm dịch và trực tiếp giám sát việc vận chuyển sản phẩm ra thị trường.

Hằng ngày, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Thuận đều thông báo kết quả kiểm dịch của từng cơ sở sản xuất tôm giống trên website của đơn vị và các cơ quan liên quan cùng phối hợp nắm thông tin, xử lý và phản hồi khi phát hiện có trường hợp trốn kiểm dịch sản phẩm đang trên đường vận chuyển, hoặc đã vận chuyển đến các vùng nuôi để có biện pháp ngăn chặn, bảo vệ an toàn cho người nuôi thương phẩm.

Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất giống thủy sản Hồ Trung chia sẻ: “Cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ, nên tôm giống được sản xuất tại Ninh Thuận luôn bảo đảm nguồn gốc xuất xứ và chất lượng khi cung ứng ra thị trường nuôi, uy tín với khách hàng ngày càng nhiều”.

Cần đầu tư sản xuất nguồn tôm bố, mẹ

Năm 2022, sản lượng nuôi tôm nước lợ cả nước đạt gần 1,1 triệu tấn, đóng góp từ 40-45% (từ 3,5-4 tỷ USD/năm) tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Theo Tổng cục Thủy sản, cả nước có 2.104 cơ sở sản xuất tôm giống, sản lượng đạt hơn 160 tỷ con/năm. Riêng các tỉnh trọng điểm như:

Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định có 687 cơ sở, sản lượng đạt 72,3 tỷ con/năm, chiếm 45,2% sản lượng của cả nước. Hiện, cả nước có 747.000ha nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng, nhu cầu tôm giống để nuôi thương phẩm khoảng 150 tỷ con/năm; số lượng tôm bố, mẹ cần để sản xuất tôm giống hơn 260.000 con.

Nỗ lực trở thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao ảnh 1

Hằng năm, Công ty TNHH Moana Ninh Thuận sản xuất và cung ứng cho các trại sản xuất từ 18.000-24.000 con tôm sú bố, mẹ.

Tổng Cục trưởng Thủy sản Trần Đình Luân cho biết: “Tôm giống đóng vai trò quan trọng trong chuỗi sản xuất, quyết định phần lớn sự thành công và hiệu quả sản xuất, tuy nhiên hiện nay, nguồn tôm bố, mẹ cung cấp cho sản xuất tôm giống chủ yếu là nhập khẩu, khai thác trong môi trường tự nhiên.

Số lượng chọn tạo giống từ các cơ sở trong nước sản xuất chưa nhiều, mới cung cấp được một phần, dẫn đến sản xuất tôm giống bố, mẹ bị lệ thuộc. Trong năm 2022, cả nước nhập khẩu giống bố, mẹ hơn 171.000 con tôm thẻ chân trắng và 328 con tôm sú từ Mỹ và Thái Lan để sản xuất”.

Tại Ninh Thuận, việc sản xuất tôm giống bố, mẹ sạch bệnh luôn được các cơ sở quan tâm. Tuy nhiên hiện nay, chỉ có Công ty TNHH Moana Ninh Thuận và Công ty TNHH Việt Úc-Phước Dinh đủ tiềm lực sản xuất thành công giống tôm bố, mẹ sạch bệnh, chất lượng cao, cung cấp cho hơn 20 công ty trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc, Thái Lan, Bangladesh, Nigeria...

Hằng năm, Công ty TNHH Moana Ninh Thuận sản xuất và cung ứng cho các trại sản xuất từ 18.000-24.000 con tôm sú bố, mẹ (kích cỡ tôm cái hơn 110 gram, tôm đực hơn 90 gram), tỷ lệ thành thục sau cắt mắt hơn 90%, tỷ lệ nở hơn 87%, sức sinh sản của tôm bố, mẹ từ 800.000-1.200.000 ấu trùng mẹ; Công ty TNHH Việt Úc-Phước Dinh cũng sản xuất và cung cấp cho hệ thống Việt Úc trên cả nước khoảng 30.000 cặp tôm thẻ chân trắng bố, mẹ.

Những bất cập trong sản xuất tôm giống được ông Lê Văn Quê, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bio Tonic, Chủ tịch Hiệp hội Giống thủy sản tỉnh Ninh Thuận chỉ ra: “Nhiều cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ, thiếu tiềm lực để đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước cấp, nước thải, hệ thống rà soát chất lượng, kiểm soát an toàn sinh học... theo quy trình, làm sao có khả năng đầu tư sản xuất tôm bố, mẹ, cho nên lâu nay phải chấp nhận nhập khẩu tôm giống bố, mẹ để sản xuất”.

Nhiều chủ cơ sở sản xuất tôm giống ở Ninh Thuận cho rằng, để giải quyết căn cơ và tạo sự bền vững trong sản xuất tôm giống bố, mẹ thì cần có cơ chế chính sách hỗ trợ đặc biệt của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư hạ tầng công nghệ cao; ngành nông nghiệp cần thành lập hiệp hội chuyên sản xuất giống tôm bố, mẹ và quy hoạch số lượng trại sản xuất tôm bố, mẹ; trại sản xuất tôm giống nuôi nước lợ; diện tích nuôi tôm thương phẩm trên cả nước, để tránh chuyện cung vượt cầu.

Với quyết tâm sớm trở thành trung tâm tôm giống chất lượng cao của cả nước, tỉnh Ninh Thuận đang dồn lực xây dựng và hoàn thiện cơ bản kết cấu hạ tầng thiết yếu vùng sản xuất giống thủy sản công nghệ cao ở xã An Hải, huyện Ninh Phước và thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam.

Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 10% số cơ sở có quy mô công suất tối thiểu 0,5 tỷ con giống/năm, sản lượng đạt 50 tỷ con giống, đồng thời chủ động sản xuất 30% tôm thẻ chân trắng bố, mẹ và 40% tôm sú bố, mẹ có chất lượng cao, sạch bệnh; 100% cơ sở được giám sát an toàn dịch bệnh, 100% tôm giống xuất ra thị trường được kiểm dịch đủ điều kiện sạch bệnh, đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Tỉnh Ninh Thuận đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thủy sản xem xét, hỗ trợ mở rộng một số điểm quan trắc môi trường khu vực vùng sản xuất giống tập trung Nhơn Hải, huyện Ninh Hải. Bởi, nơi đây hằng năm cung cấp khoảng 60% sản lượng tôm giống toàn tỉnh.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/no-luc-tro-thanh-trung-tam-san-xuat-tom-giong-chat-luong-cao-post750611.html

  • Từ khóa