Tiếp sức cho xuất khẩu

Thứ 4, 03.05.2023 | 08:40:56
452 lượt xem

Bối cảnh ảm đạm của thị trường quốc tế đã tác động tiêu cực đến xuất khẩu nhiều nhóm hàng chủ lực của nước ta. Áp lực cạnh tranh ngày càng tăng khi nhiều nước phát triển đưa ra yêu cầu khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu. Bối cảnh này đòi hỏi sự thích ứng mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp, cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

Là ngành hàng xuất khẩu với kim ngạch hàng chục tỷ USD mỗi năm song ngành hàng thủy sản đang đối diện với những thách thức lớn từ sự suy giảm của thị trường, nhất là ở các thị trường chủ lực như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản giảm 27,5%, tương đương mức giảm trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát nặng nhất. Chỉ ra nguyên nhân, ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng, tình hình lạm phát khiến tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chủ lực suy giảm.

Nhiều doanh nghiệp dù đã ký hợp đồng nhưng khách hàng lại dời lại, khiến lượng hàng tồn kho nhiều. Việc xuất khẩu giảm khiến dòng tiền chậm về. Cùng với đó, nguồn vốn tín dụng hạn hẹp khiến các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu không có nguồn vốn để mua nguyên liệu và không mua nguyên liệu đúng giá cho nông dân, ngư dân. Điều này khiến nông dân, ngư dân hạn chế sản xuất. “Các ngành xuất khẩu chủ yếu vay USD, trước đây lãi suất vay USD khoảng 2,1-2,3%, giờ đã lên đến hơn 4%”, ông Nguyễn Hoài Nam chia sẻ.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Xuân Hòa Việt Nam. Ảnh: MINH ĐỨC
Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Xuân Hòa Việt Nam. Ảnh: MINH ĐỨC

Không chỉ có thủy sản, nhiều ngành hàng xuất khẩu tỷ đô của nước ta như dệt may, gỗ, da giày, điện thoại, linh kiện, điện tử, máy vi tính và linh kiện, xơ sợi dệt... cũng trong tình trạng khan hiếm đơn hàng, sụt giảm kim ngạch xuất khẩu. Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu cho thấy, kết quả xuất nhập khẩu 3 tháng đầu năm 2023 đều ghi nhận mức giảm so với cùng kỳ năm 2022, đạt 79,3 tỷ USD, giảm 11,8%; kim ngạch nhập khẩu đạt 74,5 tỷ USD, giảm 15,4%. Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân dẫn tới tình trạng sản xuất, xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước là yếu tố thị trường xuất khẩu, các ngành hàng đều gặp khó khăn do lạm phát cao, sức mua sụt giảm, đặc biệt với hàng hóa tiêu dùng không thiết yếu. Ngoài ra, chi phí nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao trong khi mức giá xuất khẩu không tăng làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, các doanh nghiệp sản xuất cầm chừng tránh rủi ro.

Kiến nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phát triển xanh

Theo các chuyên gia và nhiều doanh nghiệp, thời gian qua, Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại song phương, đa phương nhằm thuận lợi hóa thương mại để thúc đẩy sản xuất trong nước. Tuy nhiên, một số nước phát triển đã dựng lên các rào cản kỹ thuật như: Chuyển đổi năng lượng xanh, sạch, sản xuất carbon thấp... Những chính sách này đã tạo luật chơi mới, đòi hỏi sự thích ứng mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp, song cũng cần có sự hỗ trợ từ cơ quan nhà nước.

Đề xuất các giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp, ông Trần Như Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhấn mạnh, trong ngắn hạn, cần tăng cường xúc tiến thương mại, chương trình làm việc giữa Việt Nam và các quốc gia để mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời, có gói vay lãi suất ưu đãi 0% để trả lương cho người lao động, giúp doanh nghiệp phần nào giảm áp lực tài chính. Về trung, dài hạn, Chính phủ cần hỗ trợ một phần tài chính và chuyên gia cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các dự án xanh hóa sản xuất như giảm nước thải, chất thải, sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu tái chế, giảm sử dụng hóa chất... “Cần có chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 2% cho các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn xanh và hỗ trợ lãi suất cho các dự án chuyển đổi xanh, như trường hợp Bangladesh đang làm”, ông Trần Như Tùng đề xuất. Với ngành hàng thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam đề xuất, Chính phủ cần có các giải pháp giảm lãi suất vay USD. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có gói tín dụng lãi suất thấp phục vụ thu mua nguyên liệu, kích thích tâm lý, để nông dân, ngư dân duy trì sản xuất. Đây chỉ là giải pháp mang tính giai đoạn nhưng rất cần thiết hiện nay.

Dự báo thời gian tới, hoạt động xuất khẩu tiếp tục gặp những khó khăn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng cần chú trọng khai thác thị trường truyền thống, quan tâm khai mở thị trường mới. Doanh nghiệp, hiệp hội cần chủ động nghiên cứu, tăng cường nắm bắt cơ chế, chính sách của các nước nhập khẩu (nhất là những cơ chế, chính sách mới) để có những phản ứng chính sách kịp thời. Đối với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu cần chú trọng làm tốt công tác thông tin thị trường, nhất là thị trường tiềm năng thông qua việc tổ chức hội nghị giao ban định kỳ hằng tháng giữa thương vụ Việt Nam với hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu lớn trong nước. Đồng thời cần tiếp tục theo sát diễn biến của kinh tế thế giới, nhất là chính sách và động thái chính sách mới của các nước lớn, các nước có tầm ảnh hưởng.... để tham mưu, tư vấn, phản ứng chính sách phù hợp.


Vũ Dung/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tiep-suc-cho-xuat-khau-726872

  • Từ khóa