Uy tín, chất lượng và an toàn đang tạo nên giá trị hàng Việt

Thứ 7, 14.11.2020 | 10:20:19
432 lượt xem

Khi các sản phẩm đảm bảo chất lượng cũng như an toàn thực phẩm, doanh nghiệp sẽ được tôn vinh, vị thế hàng Việt ngày càng được nâng cao.

Trong nỗ lực phát triển và củng cố uy tín của hàng Việt tại thị trường nội địa, những năm qua nhiều sản phẩm trong nước đã tạo được uy tín và được người tiêu dùng đánh giá cao. Ngoài hiệu quả lớn từ các cuộc vận động, bản thân các doanh nghiệp (DN) cùng các sản phẩm họ làm ra đã xác định được giá trị cơ bản của hàng hóa, đó chính là tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm.

“Gác chắn” kiểm nghiệm chất lượng

Để đảm bảo duy trì bền vững quá trình sản xuất và tiêu thụ hàng Việt chất lượng, an toàn trong thời gian tới sẽ rất cần những hoạt động kết nối. Hoạt động này sẽ góp phần hình thành chuỗi cung ứng giữa nhà sản xuất và nhà phân phối, một mặt hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn, mặt khác giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm thực phẩm an toàn, từ đó dễ dàng tôn vinh và nâng cao uy tín hàng Việt.

Theo PGS.TS. Lê Thị Hồng Hảo - Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm Quốc gia, đảm bảo chất lượng hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm thực phẩm cần được căn cứ vào kết quả kiểm nghiệm chính xác và đây là vấn đề quan trọng nhất.

Sản phẩm hàng hóa Việt Nam đang giành được uy tín từ người tiêu dùng.

Thời gian qua, bên cạnh việc hỗ trợ các DN, Viện cũng đã chủ động cùng với các cơ quan quản lý lấy mẫu sản phẩm tại các chợ, siêu thị cũng như tại nhiều địa phương để kịp thời cung cấp kết quả kiểm nghiệm cho cơ quan quản lý, giúp các cơ quan này có nhắc nhở đến các đơn vị cung cấp và đảm bảo đưa các sản phẩm đến người dân ngày càng chất lượng và an toàn hơn.

"Trong những năm vừa qua, là một đơn vị kỹ thuật nên Viện luôn kiểm soát chất lượng sản phẩm thực phẩm kịp thời, nhất đối với những sản phẩm mới đưa ra thị trường. Trong những chương trình quảng bá các sản phẩm vùng miền, Viện luôn phối hợp với các Sở, ngành để kiểm nghiệm những sản phẩm đặc sản, kịp thời công bố cho người dân biết được là sản phẩm của Việt Nam, đặc biệt là những đặc sản Việt Nam”, bà Hảo cho biết.

Cũng theo bà Hảo, hàng hóa Việt Nam ngoài đảm bảo yêu cầu về chất lượng còn phải đảm bảo tuyệt đối về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Sản phẩm hàng hóa khi làm được điều này sẽ góp phần để đẩy mạnh uy tín của các sản phẩm trong nước và tạo sự an tâm và tâm lý cho người dân.

“Trong các phương pháp kiểm nghiệm luôn phải đảm bảo sự thống nhất, để đưa ra được các kết quả kiểm nghiệm không ảnh hưởng đến uy tín của DN cũng như uy tín của các sản phẩm. Viện cũng tăng cường các chương trình đào tạo, tập huấn tư vấn về kiến thức an toàn vệ sinh phẩm cũng như các tiêu chuẩn quy chuẩn đối với từng các loại sản phẩm để cho DN cũng như các nhà sản xuất hiểu rõ hơn cần làm gì với sản phẩm của mình”, bà Hảo khẳng định.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đóc Sở Công Thương TP Hà Nội cho hay, trong quy trình kết nối sản phẩm an toàn, yêu cầu đầu tiên là những sản phẩm đó phải đạt được những tiêu chuẩn chất lượng theo quy định và đảm bảo về an toàn thực phẩm.

“Những sản phẩm an toàn thực phẩm không phải đạt được dễ dàng. Trước đây do sự thiếu hiểu biết của DN cũng như tính dễ dãi của người tiêu dùng đã dẫn đến việc thị trường chưa thực sự quan tâm đến những sản phẩm an toàn, điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Do đó hiện nay, những sản phẩm khi được vào các hệ thống phân phối hiện đại phải đáp ứng được đầy đủ những tiêu chuẩn, tiêu chí quy định và điều này cần phải được hướng dẫn đến người sản xuất cho đến các DN phân phối”, bà Lan nêu rõ.

Nhà nước, doanh nghiệp và người dân vào cuộc

Để nâng cao giá trị hàng Việt, góp phần thúc đẩy hệ thống phân phối phát triển và đáp ứng ngày càng tốt các điều kiện về an toàn thực phẩm, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) chia sẻ, thời gian vừa qua, Bộ đã phối hợp với Tập đoàn Central Retail Việt Nam - chuỗi siêu thị BigC và Go! tổ chức các hoạt động kết nối tiêu thụ đặc sản an toàn.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với một số địa phương như TP HCM, TP Hà Nội, tỉnh Long An, tỉnh An Giang, tỉnh Đồng Tháp… tổ chức các Hội nghị kết nối đưa nguồn hàng thực phẩm an toàn, chất lượng vào hệ thống phân phối.

“Các sự kiện trên được thực hiện nhằm giới thiệu nguồn hàng an toàn, đạt chứng nhận xuất xứ của cơ quan quản lý Nhà nước vào hệ thống phân phối. Chính nguồn hàng an toàn này đã phục vụ người dân khu vực trong dịp lễ, Tết cuối năm, nâng cao nhận thức của cả người sản xuất và người tiêu dùng trong bối cảnh Chính phủ và các Bộ, ngành đang rất quyết liệt chỉ đạo việc xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, nông nghiệp chất lượng cao để người dân được hưởng những thành quả về an toàn thực phẩm. Các hoạt động kết nối đã hỗ trợ và đồng hành với 139 hợp tác xã trên cả nước, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều nông dân”, bà Nga khẳng định.

Nỗ lực quảng bá và kết nối tiêu thụ là con đường nhanh nhất để hàng Việt chiếm lĩnh thị trường.

Theo ông Cao Quốc Hưng - Thứ trưởng Bộ Công Thương, bên cạnh việc ban hành các chính sách về quản lý an toàn thực phẩm ngành Công Thương, thời gian qua Bộ Công Thương cũng đã tích cực triển khai các hoạt động nhằm phát triển hệ thống phân phối sản phẩm thực phẩm an toàn và quản lý chợ an toàn thực phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn.

Bộ Công Thương cũng đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm kích cầu tiêu dùng, thực hiện chương trình xúc tiến thương mại Quốc gia; phối hợp với các Bộ, ngành kiểm soát và ngăn chặn việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm hàng giả, kém chất lượng, nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ.

“Bộ Công Thương đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện tốt các cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ, thúc đẩy các đơn vị kinh doanh các sản phẩm thực phẩm an toàn để cung cấp cho thị trường, nhằm xây dựng nền thực phẩm an toàn, đẩy mạnh và nâng cao uy tín hàng Việt”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng khẳng định./.


Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/uy-tin-chat-luong-va-an-toan-dang-tao-nen-gia-tri-hang-viet-817099.vov

  • Từ khóa