Cạnh tranh không lành mạnh làm phức tạp thị trường khí hóa lỏng

Thứ 3, 24.11.2020 | 14:45:57
748 lượt xem

Nhiều năm qua, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh LPG vẫn còn diễn ra phức tạp và chưa có giải pháp căn cơ để xử lý triệt để.

Thị trường khí hóa lỏng (LPG) tại Việt Nam những năm qua liên tục đạt mức tăng trưởng cao so với mức tăng trưởng trung bình của thế giới và khu vực. Trong năm 2019, tổng sản lượng tiêu thụ LPG của Việt Nam đạt trên 2,3 triệu tấn và chỉ trong 9 tháng đầu năm 2020, sản lượng LPG tiêu thụ của Việt Nam đạt trên 1,7 triệu tấn.

Đáng chú ý, thị trường bán lẻ LPG chai của Việt Nam vẫn đang giữ thị phần lớn và đang được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, muốn tham gia thị trường thông qua hình thức đầu tư gián tiếp, góp vốn tại các công ty phân phối, bán lẻ LPG.

Đánh giá về thực trạng thị trường LPG hiện nay tại Diễn đàn Phát triển thị trường khí Việt Nam “Nút thắt, giải pháp phát triển hoạt động kinh doanh LPG tại Việt Nam” do Vụ Thị trường trong nước phối hợp Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức chiều 23/11, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cũng thừa nhận, hoạt động kinh doanh LPG trong thời gian qua vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế.

Diễn đàn Phát triển thị trường khí Việt Nam “Nút thắt, giải pháp phát triển hoạt động kinh doanh LPG tại Việt Nam”.

Cụ thể như chi phí kinh doanh, chi phí bán hàng còn cao so với giá thành sản phẩm. Giá và cơ chế giá LPG trong nước phụ thuộc hoàn toàn sự biến động giá thế giới, thiếu tính linh hoạt và ổn định,… Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh như chiếm dụng chai LPG, chiết nạp lậu,…vẫn còn diễn ra phức tạp và chưa có giải pháp căn cơ để xử lý triệt để. Đặc biệt, hệ thống phân phối LPG, đặc biệt là LPG chai chưa được các doanh nghiệp coi trọng, xây dựng bài bản, thiếu sự gắn kết, nhỏ lẻ, hiệu quả chưa cao…

Thảo luận tại diễn đàn, các ý kiến cho rằng, việc thống chính sách phát triển hoạt động động kinh doanh LPG ngày càng được hoàn thiện, góp phần quan trọng trong việc tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy thị trường LPG, giúp tăng trưởng cả về quy mô và chất lượng. Song, có ý kiến cho rằng, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh vẫn còn diễn ra phức tạp và chưa có giải pháp căn cơ để xử lý triệt để.

Nêu rõ về vấn đề này, ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, tình trạng một số doanh nghiệp kinh doanh LPG chiếm dụng trái phép chai LPG của các doanh nghiệp có uy tín, trong đó có nhiều chai LPG chiếm dụng bị cắt tay xách, mài vỏ, không được kiểm định và đưa ra thị trường có chiều hướng phức tạp và tinh vi hơn, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn, rò rỉ gas, cháy nổ, đe dọa trực tiếp tới tài sản, tính mạng người sử dụng.

“Các đối tượng sang chiết gas trái phép ngày càng sử dụng thủ đoạn tinh vi hơn nhằm qua mặt lực lượng chức năng như tận dụng bãi đỗ xe trống trải cách xa khu dân cư, các khu nhà trọ, bãi đất trống, để tiến hành sang chiết gas trực tiếp từ xe bồn chứa LPG vào bình gas loại 12kg một cách nhanh chóng, tiện lợi thu gọn hiện trường hoặc sang chiết gas mini trái phép”, ông Minh chỉ rõ.

Trong khi đó theo ông Minh, mặc dù công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, đầy đủ, nhưng một bộ phận người tiêu dùng vẫn cố tình sử dụng dù biết loại bình các bình gas mini trên thị trường chỉ được dùng một lần. Nhiều đại lý, điểm đổi gas nhỏ lẻ vì lợi nhuận đã tái sử dụng chai LPG mini nhiều lần cho dù loại bình đã quá cũ, gỉ sét, bong tróc sơn không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường.

Do đó, để lành mạnh hóa thị trường LPG trong thời gian tới, ông Minh khuyến nghị người dân trong quá trình sử dụng chai LPG không nên thường xuyên thay đổi chủng loại, nhãn hiệu LPG, tạo điều kiện cho các cửa hàng, trạm chiết nạp tồn trữ chai LPG của thương nhân khác.

Ông Minh kiến nghị Hiệp hội Gas Việt Nam cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong hoạt động kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, nơi có dân trí thấp và cơ hội tiếp cận thông tin hạn chế. Tập trung tuyên truyền, vận động người dân nêu cao tinh thần, ý thức trách nhiệm trong việc phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng.

Đồng thời, các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương trong quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh từ DN cần cân nhắc, tìm hiểu kỹ thông tin, tránh tình trạng các DN trong cùng ngành hàng cạnh tranh không lành mạnh; thông tin phản ánh không đúng làm ảnh hưởng cho các DN kinh doanh chân chính, tạo dư luận không tốt cho môi trường đầu tư, kinh doanh trên cả nước.

Đồng tình với đề xuất này, ông Trần Minh Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam cho rằng, hoạt động kinh doanh LPG những năm qua vẫn có nhiều nút thắt lớn khi chuyển từ hình thức phân phối nhà nước sang cơ chế cạnh tranh giữa các DN. Thực trạng là các DN lớn đều muốn nâng cao quy mô để bảo đảm hiệu quả, trong khi các DN nhỏ muốn hạ điều kiện để tồn tại độc lập.

Đáng báo động là từ nhiều năm qua, thị trường LPG chủ yếu cạnh tranh về giá, nhiều DN sẵn sàng làm bậy, kinh doanh gas giả, gas lậu, trốn thuế... để có giá thấp, dẫn đến nhiều nguy cơ mất an toàn cho người tiêu dùng. Có những DN mặc dù đủ điều kiện nhưng vẫn cứ kinh doanh và luôn đòi hỏi những điều kiện tốt nhất cho mình, trong khi nhiều DN khác dù chấp hành đầu tư đúng quy định nhưng có những thời điểm phải chịu thua thiệt vì thừa công suất.

“Hơn lúc nào hết các cơ quan quản lý nhà nước cần ngồi lại với nhau để tìm ra các giải pháp hữu ích, vừa tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi cho các DN kinh doanh LPG, vừa đủ chế tài để xử lý những DN làm ăn bát nháo, gây ảnh hưởng xấu đến thị trường LPG hiện nay”, ông Loan đề xuất./.


Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/canh-tranh-khong-lanh-manh-lam-phuc-tap-thi-truong-khi-hoa-long-819519.vov

  • Từ khóa