Các địa phương tích cực chuẩn bị cho năm học mới

Thứ 4, 26.08.2020 | 09:19:30
622 lượt xem

Hiện các địa phương đã chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên… sẵn sàng cho năm học mới.

Chỉ còn vài ngày nữa là học sinh phổ thông trên cả nước sẽ chính thức bước vào năm học mới 2020-2021. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian nghỉ hè ít hơn mọi năm, nên công tác chuẩn bị cho năm học mới của các địa phương trên cả nước trở nên gấp rút hơn.

Hiện các địa phương đã chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên… sẵn sàng cho năm học mới; đồng thời xây dựng các kịch bản khác nhau cho ngày tựu trường và lễ khai giảng năm học mới phù hợp với diễn biến của dịch Covid-19.

cac dia phuong tich cuc chuan bi cho nam hoc moi hinh 1
Ảnh minh họa. Một lễ khai giảng trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Chuẩn bị cho năm học mới 2020-2021, ngay sau khi học sinh nghỉ hè, các cơ sở giáo dục trên cả nước đã tổ chức sửa chữa phòng học, mua bổ sung trang thiết bị dạy học…, trong đó tập trung đầu tư các điều kiện dạy và học đối với khối lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Tại thành phố Hà Nội, với quy mô trên 2,1 triệu học sinh (tăng hơn 67.500 học sinh so với năm ngoái), các quận, huyện đã đầu tư xây dựng trường, lớp học mới, sửa chữa các các phòng học đã xuống cấp, đảm bảo bố trí, sắp xếp học sinh vào học các trường công lập theo nhu cầu.

Ông Nguyễn Thế Sơn, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kế hoạch tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thông tin, thành phố năm học này tăng thêm 44 trường, trong đó công lập tăng 25 trường, tư thục tăng 19 trường. Theo các quận, huyện báo cáo thì năm học này gần 90% số học sinh vào trường công lập. Hiện nay khối quận, huyện có 40 trường với kinh phí là xây mới là 1.998 tỷ đồng. Số phòng học được cải tạo, sửa chữa xây mới gần 5.200 phòng học. Trong 30 quận, huyện thì quận Hà Đông đầu tư xây mới 5 trường công lập, với 564 tỷ đồng. Đây là quận dẫn đầu trong toàn thành phố về xây dựng cơ sở vật chất vì khu vực này đô thị hóa rất nhanh, rất nhiều khu đô thị mọc lên.

Cùng với chuẩn bị về cơ sở vật chất, hiện các địa phương đã cơ cấu lại đội ngũ giáo viên các cấp học, trong đó ưu tiên bổ sung đủ giáo viên dạy khối lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện 100% giáo viên dạy lớp 1 đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, tập huấn sử dụng sách giáo khoa…. Cùng với tập huấn trực tiếp, các giáo viên còn tham gia tập huấn trên hệ thống trực tuyến của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ông Vi Đại Phong, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ cho biết, 205 giáo viên dạy lớp 1 của huyện (gồm 107 giáo viên dạy văn hóa và 98 giáo viên các bộ môn) đã hoàn thành các đợt tập huấn, sẵn sàng dạy và học theo chương trình mới. Trong đó, đối với giáo viên dạy lớp 1 đã được tập huấn đầy đủ và đã chuẩn bị cho các thầy cô tâm thế tốt nhất để đón các cháu học sinh. Đến thời điểm này, sách giáo khoa lớp 1 đã được chuyển tới toàn bộ giáo viên trong toàn ngành và đặc biệt là đối với các em học sinh thì đã gửi cho các phụ huynh và học sinh trong toàn huyện, đầy đủ 100% các em đều có sách để chuẩn bị bước vào năm học mới.

Sách giáo khoa mới, chương trình mới, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian tập huấn không nhiều nên các giáo viên đều nỗ lực tự học bằng nhiều hình thức khác nhau để đảm bảo triển khai tốt chương trình mới.

cac dia phuong tich cuc chuan bi cho nam hoc moi hinh 2
 Năm học mới, các trường ở Đắk Lắk sẽ trang bị khu vực rửa tay cho học sinh, giáo viên ngay lối vào cổng trường để phòng chống dịch Covid-19.

Cô Vũ Thị Thu, giáo viên khối lớp 1, Trường tiểu học Kỳ Bá, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình cho biết, trước hết, phải chuẩn bị cho mình tâm lý vững vàng. Cùng với đó, cô Thu còn tham gia một số hội nhóm trên mạng xã hội, ví dụ như nhóm giáo viên chủ nhiệm, hay nhóm giáo viên tập huấn sách giáo khoa mới. Từ những tài liệu, những hình ảnh đã tìm được, cô tự soạn giáo án của mình, từ trang Word hay PowerPoint đều làm được.

Hiện nay, hầu hết các địa phương đã ban hành kế hoạch năm học 2020-2021, trong đó thời gian tựu trường vào ngày 1/9 và tổ chức khai giảng đồng loạt vào ngày 5/9, đồng thời chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai các biện pháp phòng chống Covid-19 trước khi đón học sinh. Do những ảnh hưởng của dịch Covid-19, thay vì lịch tựu trường, lễ khai giảng như mọi năm, các tỉnh, thành phố đều đưa ra những kịch bản riêng cho ngày bắt đầu năm học mới.

Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cho biết, hiện nay Nghệ An đang xem xét 2 phương án. Phương án 1 là vẫn cho tổ chức tựu trường và khai giảng bình thường. Tuy nhiên, thời gian khai giảng phải rút ngắn và chủ yếu diễn ra phần lễ, chứ còn phần hội không đặt nặng nữa, tránh trường hợp các em tụ tập đông. Nếu như triển khai như thế thì cũng tổ chức tốt việc phòng chống dịch. Thứ 2 nữa thì nếu tình hình dịch mà diễn biến xấu thì không tổ chức khai giảng và có thể chỉ các em học và cử đại diện các em lên để khai giảng trên hội đồng của trường rất ngắn gọn.

Một số địa phương cũng xây dựng phương án tổ chức khai giảng trực tuyến, hoặc lùi, không tổ chức ngày khai giảng để đảm bảo an toàn cho học sinh. Ở những khu vực có điều kiện thuận còn dự phòng phương án tổ chức dạy học online nếu tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hơn./.


Minh Hường/VOV.VN

https://vov.vn/xa-hoi/cac-dia-phuong-tich-cuc-chuan-bi-cho-nam-hoc-moi-1087794.vov

  • Từ khóa