Giáo viên Nhật Bản chật vật giữ khoảng cách giữa học sinh

Thứ 2, 07.09.2020 | 08:44:55
432 lượt xem

Từ đầu tháng 9, Nhật Bản cho học sinh nhiều nơi đi học trở lại nhưng gặp khó khăn khi yêu cầu các em giãn cách, đeo khẩu trang khi ở trường.

Ở trường tiểu học Kita Kanamachi ở phía tây bắc thủ đô Tokyo, trẻ em bắt đầu đi học vào lúc 8h sáng, thay giầy dép ở tủ giày trong sảnh trước khi vào lớp. Học sinh đều đeo khẩu trang sáng màu và ngồi ở những chiếc bàn được che chắn xung quanh bằng những tấm nhựa.

Như bao thế hệ trước, học sinh lớp cô Yuka Katayama bắt đầu ngày đi học lớp 1 bằng việc đứng lên chào giáo viên trước giờ học cùng cả lớp. Tuy nhiên, hiện tại đây là điều hiếm hoi chưa thay đổi về ngày đầu tiên đi học của các em.

Tuy nhiên, cô Katayama đang phải làm việc nhiều hơn đáng kể so với bình thường. Thay vì nhờ học sinh tự chuyển bài tập ra phía sau, cô phải tự đi xuống phát bài tập cho từng học sinh, giảm tương tác giữa học sinh với nhau. Để giúp lưu thông không khí trong phòng học, cô cố mở thật nhiều cửa, trong khi vẫn phải cẩn thận để mắt khi các em chơi đùa, tránh rơi ngã ra ngoài cửa sổ.

Khi đưa cả lớp ra ngoài hành lang rửa tay, cô phải đi vòng quanh giám sát thêm việc các em giữ khoảng cách với nhau, từ tốn giải thích cho từng em về việc phải tuân thủ chỉ dẫn gian cách được dán dưới sàn. "Học sinh lớp 1 rất thích được tụ tập chơi với nhau, vậy nên việc đảm bảo giữ khoảng cách giữa các em rất khó", cô Katayama nói.

Lớp học ở Nhật Bản ngày đầu trở lại. Ảnh: CBS News

Lớp học ở Nhật Bản ngày đầu trở lại. Ảnh: CBS News

Mọi việc trở nên khó khăn hơn vào giờ trưa. Theo truyền thống, học sinh Nhật Bản phải giúp giáo viên và nhân viên nhà trường vào giờ cơm trưa như một hình thức giáo dục. Các em thay phiên nhau chia phần cơm cho các bạn cùng lớp. Điều này diễn ra vô cùng nghiêm túc ở trường tiểu học Kita Kanamachi, nhưng cô Katayama khó có thể bắt học sinh tuân thủ hướng dẫn an toàn mùa dịch.

Trở lại giờ học, các môn học như đọc, viết, hay toán đều được tận dụng để lồng ghép thông điệp về nguyên tắc "3C", hạn chế giao tiếp gần (close conversation), hạn chế đám đông (crowd) và hạn chế không gian kín (closed spaces). Xung quanh các em là miếng dán, tờ rơi để liên tục nhắc nhở giữ khoảng cách lẫn nhau - "hãy giữ khoảng cách vật chất, nhưng hãy ở gần về mặt tâm hồn".

Trên thực tế, việc tuân thủ nguyên tắc "3C" rất khó khăn, với việc quy định cho phép tối đa 40 học sinh một lớp học, khiến bàn ghế chỉ đủ chỗ để cách nhau một khoảng hẹp.

Tháng trước, buổi thảo luận của các nhà nghiên cứu giáo dục ở Tokyo đã gửi kiến nghị để nhanh chóng giảm kích cỡ lớp học xuống dưới 30 học sinh một lớp. Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu Riken, kết hợp với Đại học Kobe, đã chỉ ra bằng chứng kể cả các lớp học lớn cũng có thể diễn ra một cách an toàn với điều kiện không khí thông thoáng.

Trở lại với trường học Kita Kanamachi, lớp học thể dục được diễn ra ở ngoài sân, gây ra một vấn đề khác buộc giáo viên phải vượt qua. Các em có thể ra sân mà không đeo khẩu trang để tránh sốc nhiệt khi luyện tập dưới thời tiết nắng nóng. "Tuy nhiên, các trò chơi bóng hay tương tác gần đều được dừng lại. Chúng tôi cố hướng học sinh luyện tập theo cùng một phía, và tránh hò hét", giáo viên thể dục của trường nói.

Hiệu trưởng Mari Kawamura cho rằng việc yêu cầu học sinh lớp 1 tuân thủ nội quy một cách toàn diện là không thể. "Thay vì cấm toàn bộ việc giao tiếp và khiến học sinh sợ hãi, việc nỗ lực tuân thủ biện pháp tối thiểu sẽ có hiệu quả hơn", cô nói.

Với dân số 126 triệu, đến nay Nhật Bản đã ghi nhận hơn 70.000 ca nhiễm Covid-19, với hơn 60.000 bệnh nhân đã khỏi bệnh. Tuy rằng có những con số khả quan như vậy, chính phủ Nhật Bản vẫn nhận nhiều chỉ trích về sự thiếu tích cực và quyết liệt trong chính sách phòng chống Covid-19.


Phan Nghĩa/vnexpress.net

https://vnexpress.net/giao-vien-nhat-ban-chat-vat-giu-khoang-cach-giua-hoc-sinh-4157768.html

  • Từ khóa