Vì sao bỏ quy định đuổi học?

Thứ 6, 11.09.2020 | 08:56:06
573 lượt xem

Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định việc bỏ quy định đuổi học dựa trên nhiều nghiên cứu, phù hợp với công ước về quyền trẻ em, giúp thực hiện mục tiêu giáo dục.

Dự thảo thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ các hình thức kỷ luật được quy định từ năm 1988. Trong đó, việc bỏ quy định đuổi học học sinh được nhiều người quan tâm.

Ngày 10/9, ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Trưởng ban soạn thảo dự thảo thông tư, khẳng định các quy định trong dự thảo phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em, Luật trẻ em 2016 và Luật giáo dục 2019. Bộ đã học hỏi kinh nghiệm quốc tế, tham khảo ý kiến từ nhiều tổ chức trong và ngoài nước.

Chẳng hạn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiếp thu ý kiến từ các tổ chức của Liên Hợp Quốc như UNICEF hay UN Women. UNICEF Việt Nam đưa ra hai quan điểm là phải bảo đảm quyền học tập của trẻ em và phải giáo dục kỷ luật tích cực dựa trên các kinh nghiệm quốc tế. Trong khi đó, UN Women có nhiều hoạt động hỗ trợ về các vấn đề liên quan đến tôn trọng sự bình đẳng và giáo dục tích cực.

"Thành viên ban soạn thảo đồng thuận rất cao với những quan điểm từ các tổ chức này. Việc thay đuổi học bằng dừng học tập trên lớp tối đa hai tuần là một trong những minh chứng cho thấy sự đồng thuận đó", ông Linh nói.

Ông Bùi Văn Linh chia sẻ về các điểm mới trong dự thảo thông tư khen thưởng và kỷ luật học sinh, ngày 10/9. Ảnh: Dương Tâm.

Ông Bùi Văn Linh chia sẻ về các điểm mới trong dự thảo thông tư khen thưởng và kỷ luật học sinh, ngày 10/9. Ảnh: Dương Tâm.

Bỏ quy định đuổi học cũng nhằm đảm bảo yêu cầu của thông tư khen thưởng và kỷ luật học sinh, đó là kỷ luật phải đảm bảo sự tôn trọng, bao dung, nhất quán, không định kiến. Nhà trường không sử dụng các hình thức phê bình, xử phạt mang tính bạo lực, xúc phạm, ảnh hưởng xấu đến thể chất và tinh thần học sinh.

Còn mục đích của kỷ luật là để ngăn chặn hành vi vi phạm; giáo dục, giúp đỡ học sinh chủ động điều chỉnh hành vi, sửa chữa khuyết điểm; góp phần xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện, chống bạo lực học đường.

Theo ông Linh, trước đây hình thức đuổi học là học sinh sẽ nghỉ học ở nhà, từ đó việc học tập bị gián đoạn, nhiều hệ lụy xảy ra như tạo tâm lý chán nản, tiêu cực. Học sinh có thể bị lôi kéo, sa vào những hoạt động không lành mạnh trên Internet. Như vậy, yêu cầu, mục đích của việc kỷ luật và mục tiêu giáo dục không được thực hiện.

Theo dự thảo thông tư mới, khi học sinh bị đình chỉ học tập trên lớp, nhà trường sẽ ban hành kế hoạch giáo dục riêng với sự đồng thuận của ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh và học sinh. Các em không được lên lớp nhưng vẫn phải đến trường để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng này.

Trước thắc mắc vì sao tạm dừng học tập tối đa hai tuần, ông Linh cho biết điều này thống nhất với các quy định khác trong thông tư, đặc biệt là quy định học sinh được nghỉ tối đa 45 ngày trong một năm học, nếu không sẽ bị lưu ban. Thời gian dừng học tập hai tuần là phù hợp với số ngày này.

Trường hợp cá biệt, học sinh tái phạm, hiệu trưởng có thể tiếp tục kỷ luật dừng học tập trên lớp thêm 1-2 tuần nhưng vẫn phải đảm bảo không vi phạm mức trần học sinh không được phép lên lớp. Trường hợp tái phạm quá nhiều lần đến mức kỷ luật này, nhà trường cần có sự phối hợp của cơ quan chức năng để tiếp cận xử lý hành chính, hình sự tùy theo hành vi và mức độ vi phạm.

PGS Nguyễn Hồng Thuận, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tâm lý học và giáo dục học (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam), thành viên ban soạn thảo, khẳng định việc đưa ra hình thức dừng học tập trên lớp thay thế cho đuổi học dựa trên nhiều nghiên cứu.

Việc "cách ly học sinh" khi vi phạm kỷ luật ở mức độ nặng là cần thiết vì các em cần thời gian đủ tĩnh để suy nghĩ, cảm nhận về hành vi của mình cũng như những hệ lụy sau đó, từ đó chủ động đưa ra biện pháp khắc phục và cam kết. Trong thời gian dừng học tập trên lớp, các em vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ học tập với sự hỗ trợ của giáo viên và những học sinh khác, đồng thời thực hiện kế hoạch giáo dục bổ sung riêng.

"Việc xử lý học sinh theo biện pháp cứng nhắc không có tác dụng lâu dài. Dừng việc học tập trên lớp nhưng vẫn có giám sát và có kế hoạch giáo dục sẽ khắc phục điều này. Học sinh sẽ nhận thức tốt hơn và điều chỉnh hành vi về lâu dài", bà Thuận nói và cho biết thêm việc đưa ra kế hoạch giáo dục bổ sung sẽ phải có sự tham gia, đồng thuận của phụ huynh và học sinh nhằm tránh quan điểm của gia đình và nhà trường không thống nhất, dẫn đến khó giáo dục các em.

Bà Nguyễn Hồng Thuận là một trong các thành viên ban soạn thảo thông tư khen thưởng và kỷ luật học sinh. Ảnh: Dương Tâm.

Bà Nguyễn Hồng Thuận là một trong các thành viên ban soạn thảo thông tư khen thưởng và kỷ luật học sinh. Ảnh: Dương Tâm.

Ngoài bỏ quy định đuổi học, dự thảo thông tư về khen thưởng và kỷ luật học sinh còn bỏ hình thức khiển trách học sinh trước lớp, trước toàn trường. Bà Thuận giải thích, kỷ luật cần được hạn chế công bố trước tập thể vì làm như vậy sẽ hạ thấp nhân phẩm của học sinh, làm mất niềm tin, gây ra định kiến với học sinh vi phạm, dẫn đến tự ti, khó vượt qua rào cản tâm lý trong quan hệ với thầy cô, bạn bè và nảy sinh những vấn đề tâm lý khác.

Dự thảo thông tư cũng nêu rõ việc học sinh bị kỷ luật sẽ được nhà trường lưu giữ hồ sơ nhưng không ghi vào học bạ như trước đây. Như vậy, khi học lên cấp cao hơn, việc bị kỷ luật coi như được xóa sổ để không ảnh hưởng đến hành trình sau này của các em.

Về hình thức kỷ luật, việc đầu tiên là áp dụng giáo dục kỷ luật tích cực đối với các hành vi vi phạm mức độ nhẹ và chủ yếu dành cho học sinh tiểu học. Đối với THCS và THPT, ngoài giáo dục kỷ luật tích cực, các nhà trường sẽ áp dụng hình thức khiển trách, cảnh cáo, dừng việc học trên lớp tối đa hai tuần để thực hiện kế hoạch riêng. Quy định hình thức kỷ luật được ban soạn thảo cho là thể hiện tính nhân văn, thống nhất với thông tư cấp học phổ thông.

Với nhóm học sinh vi phạm đến mức phải xử lý hành chính, hình sự, nhà trường phải phối hợp với cơ quan chức năng xử lý trên tinh thần đảm bảo tối đa quyền học tập của học sinh.

Hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đăng tải dự thảo thông tư khen thưởng, kỷ luật học sinh trên website và Cổng thông tin điện tử Chính phủ để lấy ý kiến. Ngoài ra, Bộ sẽ tổ chức xin ý kiến các Sở Giáo dục và Đào tạo, tổ chức hội thảo xin ý kiến từ chuyên gia, tổ chức để tiếp thu, hoàn thiện trước khi ban hành thông tư.


Dương Tâm/vnexpress.net

https://vnexpress.net/vi-sao-bo-quy-dinh-duoi-hoc-4160003.html

  • Từ khóa