Sáu game thúc đẩy sự thông minh của trẻ

Thứ 3, 12.01.2021 | 08:52:05
678 lượt xem

Thay vì để trẻ sử dụng thiết bị công nghệ quá nhiều, phụ huynh có thể cùng con chơi trò rút gỗ (Jenga), ghép hình (Jigsaw Puzzles) hay ghép từ (Scrabble).

1. Trò chơi bác sĩ

Chơi trò giả tưởng về ngành nghề trong tương lai có thể là công cụ tuyệt vời để phát triển trí não cũng như nhận thức, kỹ năng xã hội và ngôn ngữ của trẻ, cải thiện trí tưởng tượng và mở rộng kiến thức về thế giới.

Giả làm bác sĩ là một trong những trò chơi nhập vai mà trẻ có thể vui chơi và đảm bảo con búp bê hoặc đồ chơi yêu thích của chúng khỏe mạnh. Điều này có thể giúp trẻ mạnh mẽ hơn rất nhiều khi chúng lớn và có sự đồng cảm.

2. Trò "Guess Who"

Sẽ có một tập ảnh bài tượng trưng cho các nhân vật trên bàn chơi của mỗi người. Sau đó, những ảnh bài này được tráo lên, mỗi người bốc một lá tượng trưng cho nhân vật của mình. Nhiệm vụ là phải đoán được nhân vật đối phương thông qua những câu hỏi thay phiên nhau. Ai đoán được trước sẽ thắng.

Với trò chơi này, trẻ phát triển được tư duy logic, kỹ năng mô tả, tuân thủ quy tắc và tinh thần thể thao. Ngoài ra, nó còn giúp trẻ phân biệt màu sắc, xác định những mặt đối lập như "miệng nhỏ" và "miệng lớn".

3. Trò chơi rút gỗ - Jenga

Trò chơi rút gỗ liên quan đến việc xây dựng một tòa tháp bằng những miếng gỗ liền nhau thành tầng. Các tầng gỗ xen kẽ được xếp dọc và ngang. Mỗi người chơi sẽ lần lượt dùng một tay rút các miếng từ bất kỳ chỗ nào và đặt nó trên đầu để tạo ra một tòa tháp cao hơn. Người chơi nào rút gỗ mà khiến tháp bị đổ sẽ thua cuộc. Trò này có một số phiên bản với cách chơi và độ khó dễ khác một chút.

Cả gia đình có thể cùng chơi Jenga. Ảnh: Shutterstock.

Cả gia đình có thể cùng chơi Jenga. Ảnh: Shutterstock.

Chơi Jenga, trẻ sẽ được cải thiện độ tập trung, khả năng phối hợp tay mắt và ra quyết định. Ngoài ra, ý tưởng của trò chơi này là dạy trẻ tính kiên nhẫn. Jenga cũng được đánh giá rất tốt cho việc rèn luyện trí não và có thể nâng cao hiệu suất nhận thức.

4. Trò chơi ghép hình - Jigsaw Puzzles

Trò chơi với những miếng ghép để tạo ra một hình, bức tranh hoàn chỉnh là một trong những trò tốt nhất để chơi với trẻ. Chúng không chỉ thú vị mà còn có tác động rất nhiều đến khả năng nhận thức. Chúng kích thích não bộ phát triển, giúp tăng trí nhớ đồng thời làm giảm nguy cơ phát triển các bệnh về tâm thần như mất trí nhớ, sa sút trí tuệ hay Alzheimer.

5. Cờ vua

Chơi cờ vua rất có lợi. Nó đòi hỏi rất nhiều đến chiến lược, giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, xử lý thông tin nhanh. Vì vậy, khi chơi trò này, trẻ sẽ được rèn luyện các kỹ năng đó.

6. Chơi ghép từ - Scrabble

Scrabble là trò chơi ghép từ giữa hai hoặc nhiều người. Khi đến lượt mình, người chơi dùng những miếng có ghi chữ cái đặt lên một bàn ô vuông sao cho các từ tạo ra theo hàng dọc và hàng ngang đều có nghĩa.

Trò chơi này làm giàu vốn từ vựng của trẻ em, cải thiện trí nhớ. Những người chơi Scrabble thường sử dụng những phần não bộ khác nhau trong khi đưa ra các quyết định từ vựng so với những người không chơi.

Dương Tâm/vnexpress.net

https://vnexpress.net/sau-game-thuc-day-su-thong-minh-cua-tre-4219517.html

  • Từ khóa