Học sinh Phú Thọ tập võ cổ truyền, hát xoan thay tập thể dục giữa giờ

Thứ 7, 23.01.2021 | 14:37:34
1,197 lượt xem

Thay vì những động tác thể dục giữa giờ thường gặp, hàng ngàn học sinh tại các trường tiểu học ở Phú Thọ lại hào hứng tập võ cổ truyền, nhảy dân vũ, hát xoan.

Khoảng 10h sáng, hàng ngàn học sinh trường Tiểu học Cự Đồng (huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) lại nhanh chóng tập trung dưới sân trường để chuẩn bị cho hoạt động tập thể giờ ra chơi. Không phải những động tác thể dục hít thở, đi đều một hai một đơn điệu, tiếng nhạc vang lên, hàng ngàn học sinh nhanh chóng xếp hàng ngay ngắn, bắt đầu bài võ cổ truyền.

Em Nguyễn Khánh Linh (Học sinh lớp 5, Tiểu học Cự Đồng) chia sẻ: "Em rất thích khi được học võ cổ truyền. Các động tác võ cơ bản chúng em đã thuần thục. Tập võ trên nền nhạc, không chỉ giúp chúng em khỏe hơn, mà còn giúp em thư giãn sau những giờ học tập căng thẳng”.

Học sinh trường tiểu học Cự Đồng tập võ cổ truyền trong thời gian ra chơi giữa giờ. 

Chia sẻ về hoạt động này, thầy Đinh Mạnh Tuấn, Hiệu trưởng trường Tiểu học Cự Đồng cho biết, tập võ cổ truyền là một trong những hoạt động giữa giờ diễn ra hàng tuần của nhà trường. Mục đích chính của việc học võ là giúp học sinh rèn luyện thân thể, sức khỏe, nâng cao kỹ năng tự vệ, bảo vệ bản thân, đồng thời góp phần bảo tồn và phát triển di sản văn hóa của dân tộc.

“Qua triển khai, hầu hết học sinh đều rất hào hứng, tích cực tham gia tập võ cổ truyền. Ở chương trình giáo dục phổ thông mới, các hoạt động giáo dục thể chất đã thay đổi rõ rệt. Ngoài việc tăng thời lượng tiết học trong tuần, chương trình cũng hướng dẫn thêm nhiều bộ môn như bơi, bóng rổ, đá bóng... Chương trình giáo dục thể chất đa dạng, hấp dẫn hơn chương trình trước đây, nhằm giúp học sinh phát triển toàn diện”, thầy Đinh Mạnh Tuấn cho biết.

Còn tại trường tiểu học Thọ Sơn, trong buổi hoạt động giữa giờ, học sinh cũng được hòa mình vào những điệu nhảy dân vũ sôi động và đặc biệt là đồng ca hát xoan.

Cô trò trường Tiểu học Thọ Sơn nhảy dân vũ trên nền nhạc bài Việt Nam đánh bay Covid-19 nhằm giáo dục ý thức giữ gìn vệ sinh, bảo vệ bản thân và cộng đồng khỏi dịch Covid-19. 

Chia sẻ về hoạt động này, cô Trần Thị Ánh Nguyệt, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thọ Sơn (Việt Trì, Phú Thọ) cho biết, vào thời gian ra chơi giữa giờ, nhà trường không chỉ cho học sinh tập thể dục tập thể như thường lệ, mà còn có thêm các hoạt động đặc biệt như hát xoan, nhảy dân vũ tập thể, đọc báo. Những hoạt động này không chỉ giúp học sinh vận động, rèn luyện sức khỏe, mà còn giúp các em thay đổi không khí, hào hứng hơn sau những tiết học trên lớp.

Trong đó, nhà trường đặc biệt quan tâm tới việc hướng dẫn cho học sinh hát xoan tập thể trong các buổi sinh hoạt chung trong giờ ra chơi.  Chia sẻ thêm về hoạt động này, cô Trần Thị Ánh Nguyệt cho biết: "Hát xoan là làn điệu dân ca của đất Tổ Phú Thọ, thông qua những hoạt động này, chúng tôi muốn giúp các em thêm gắn kết tình cảm với quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc, đồng thời mỗi học sinh biết hát xoan cũng sẽ góp phần lưu giữ văn hóa truyền thống của dân tộc.

Bên cạnh hát xoan, nhà trường cũng tổ chức cho học sinh nhảy dân vũ các bài hát hiện đại như “Bông hồng tặng cô” để giáo dục học sinh thêm yêu thầy cô, trường lớp, hay “Việt Nam đánh bay Covid-19” để tạo cho các em ý thức giữ gìn vệ sinh, bảo vệ bản thân và cộng đồng khỏi Covid-19".

Cô trò trường Tiểu Học Thọ Sơn hát xoan tập thể.

Hiệu trưởng trường tiểu học Thọ Sơn cũng cho biết, để học sinh hiểu, yêu thích và học hát xoan, trường đã tổ chức các buổi thực tế để các em được đến miếu Lãi Lèn nghe các nghệ nhân hát và kể các tích truyện liên quan đến nguồn gốc, ý nghĩa của điệu hát này. 

“Khi tự bản thân các con được trải nghiệm, tham gia các hoạt động thực tế, các con sẽ có hiểu biết sâu sắc hơn, hứng thú hơn so với việc chỉ truyền giảng kiến thức qua sách vở. Bên cạnh đó, trường cũng đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm, đưa học sinh đến các làng nghề truyền thống khác để các em được tìm hiểu về nhiều nét văn hóa khác của địa phương”, cô Nguyệt cho hay.

Xác định hát xoan là một trong những nội dung quan trọng trong hoạt động giáo dục nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản của dân tộc, hiện 100% các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã thực hiện đưa hát Xoan vào giảng dạy thông qua bộ môn Âm nhạc.

Đa số các trường có giáo viên biết trình diễn và dạy hát xoan. Các cơ sở giáo dục cũng đã chủ động thành lập câu lạc bộ hát xoan. Đối với cấp trung học phổ thông, do trong chương trình giáo dục không có bộ môn Âm nhạc nên các trường chủ yếu tổ chức hát xoan trong các hoạt động tập thể như sinh hoạt lớp, chào cờ hay trong các buổi ngoại khóa…

Mô hình này đã giúp nâng cao ý thức bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, hình thành nhân cách tốt đẹp trong đông đảo học sinh./.


Nguyễn Trang/VOV.VN

https://vov.vn/xa-hoi/hoc-sinh-phu-tho-tap-vo-co-truyen-hat-xoan-thay-tap-the-duc-giua-gio-832457.vov

  • Từ khóa