Trường phổ thông sẵn sàng học trực tuyến

Thứ 6, 05.02.2021 | 14:43:33
1,157 lượt xem

Nhờ kinh nghiệm từ đợt dịch năm 2020, các trường từ tiểu học đến THPT không còn bị động, lên giáo án riêng và trong tâm thế sẵn sàng "học online kéo dài".

Sáng thứ sáu, sau khi giải quyết một số công việc, cô Nguyễn Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng trường Tiểu học Khương Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội, dự giờ tiết học online của cô trò lớp 5. Thấy các khâu truy cập, bắt đầu tiết học diễn ra nhanh chóng, cô trò tương tác tốt, cô Hà mỉm cười hài lòng.

Từ ngày 31/1 khi Hà Nội thông báo học sinh dừng đến trường vì Covid-19 bùng phát, trường Khương Thượng chỉ mất một ngày để ổn định, thông báo cho phụ huynh và tập hợp học sinh học online. "Trường hợp dịch bệnh vẫn phức tạp, tuần học 1-5/2 là bước chuẩn bị để việc học online sau Tết diễn ra nhịp nhàng, chỉn chu hơn. Trường cũng đã lên kế hoạch cho việc này", cô Hà nói.

Trường Tiểu học Khương Thượng đã xây dựng lịch học, thời khóa biểu học online cho từng lớp, riêng lớp 1-2 học buổi tối vì lúc đó phụ huynh ở cạnh để hỗ trợ vào lớp. Đối với các giáo viên chuyên biệt gồm Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, do đặc thù dạy cả chục lớp, thầy cô sẽ quay video hướng dẫn, sau đó gửi cho từng lớp. Nguồn video đã có từ năm trước, giờ chỉ bổ sung bài còn thiếu.

Cô Hà đánh giá, so với năm ngoái, việc học online năm nay nhàn hơn hẳn, một phần do trang thiết bị đã được đầu tư, nhưng trên hết là giáo viên, học sinh bắt nhịp nhanh và không còn tâm lý hoang mang như trước. "Khi triển khai học online trong tuần này, chúng tôi chỉ mất một ngày để chuẩn bị, sau đó toàn trường tham gia gần như tuyệt đối", cô Hà thông tin. Với một số học sinh gặp khó khăn về mặt thiết bị, không thể học online, giáo viên sẽ gửi bài tập qua Zalo hoặc in phiếu, gửi bảo vệ của trường và phụ huynh sẽ đến lấy.

Lãnh đạo trường Khương Thượng chia sẻ, năm ngoái một số giáo viên trung niên không tự tin và còn lúng túng trong việc dạy online, tự nhận "không biết làm được không". Nhưng sau một năm bắt nhịp, nhờ con cái và đồng nghiệp hỗ trợ, đến giờ việc học online tại những lớp này vẫn đang được triển khai tốt, giáo viên cũng không hoang mang như trước.

Do có sự chuẩn bị, chương trình học online của học sinh Khương Thượng sau Tết sẽ diễn ra chuẩn theo thời khóa biểu chính khóa để đảm bảo tiến độ và kế hoạch năm học 2020-2021, nếu có xáo trộn hoặc chậm trễ sẽ không đáng kể và kéo dài như năm ngoái. "Dịch bệnh xảy đến không ai mong muốn, nhưng chúng tôi cần lên kế hoạch và tâm thế chủ động để học sinh không có thêm một năm học nhiều biến động nữa", cô Hà khẳng định.

Giáo viên trường Vietschool Pandora dạy học trực tuyến hôm 2/2. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Giáo viên trường Vietschool Pandora dạy học trực tuyến hôm 2/2. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Với các trường ngoài công lập, việc học online được triển khai nhanh chóng, luôn trong tâm thế sẵn sàng. Từ 1/2, trường Liên cấp THCS - Tiểu học Vietschool Pandora, quận Thanh Xuân, Hà Nội, đã dạy online trên phần mềm Zoom, theo đúng thời khóa biểu.

Mỗi ca học kéo dài không quá 35 phút và nghỉ giải lao 5 phút giữa các tiết để tránh học sinh nhìn máy tính hoặc điện thoại quá lâu. Toàn bộ tài liệu học tập được giáo viên đăng tải. Các thầy cô được yêu cầu chú ý tạo tương tác giống như khi học trực tiếp trên lớp. Hàng ngày, giáo viên kiểm tra, đánh giá học sinh bằng nhiều hình thức như gửi bài tập trên Gooogle Form, chấm điểm dựa vào video học sinh đã thực hiện. Thầy cô cũng thường xuyên kết nối với các em bằng Zalo, điện thoại để giải đáp thắc mắc trong quá trình học.

Bà Đặng Thanh Hằng, Giám đốc trường, cho biết việc triển khai dạy học trực tuyến những ngày qua rất trơn tru bởi trường đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng bằng việc tổ chức các buổi đào tạo công nghệ thông tin cho giáo viên, hướng dẫn phụ huynh dùng phần mềm. "Nhà trường cũng đã đầu tư phần mềm Zoom bản quyền để đảm bảo việc dạy và học không bị ngắt quãng. Giáo viên và ban giám hiệu luôn sẵn sàng tinh thần sẽ tiếp tục triển khai học online trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp", bà Hằng nói.

Hiện, giáo viên trường Vietschool Pandora thực hiện xây dựng song song hai giáo án: trực tiếp trên lớp học và trực tuyến để chủ động thích ứng trước tình hình dịch bệnh sau Tết. Theo kế hoạch, ngoài các môn học chính học trực tuyến với giáo viên, các môn học sáng tạo như Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, STEAM sẽ được thầy cô thiết kế bài giảng sinh động kết hợp với trò chơi để thu hút học sinh. Đối với các môn bản sắc như Văn hóa Việt, Vietskills, Vovinam, giáo viên ghi hình, dựng bài, gửi tới các em video bài học hàng tuần.

Tại bậc THPT, cô Đỗ Thị Bảy, Phó hiệu trưởng trường THPT Phan Đình Phùng, quận Ba Đình, Hà Nội, cho biết giáo viên và học sinh cũng chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho việc học online kéo dài. Ngay từ đầu năm học 2020-2021, trường đã nhiều lần thảo luận và trao đổi với phụ huynh, học sinh việc "có thể học online bất cứ lúc nào" và cần triển khai sao cho hiệu quả.

Trường THPT Phan Đình Phùng lên kế hoạch dạy online theo thời khóa biểu chính khóa, tuy nhiên sẽ giảm bớt một số nội dung, đồng thời tập trung vào kiến thức trọng tâm trong mỗi tiết học. Theo cô Bảy, việc giảm tải cụ thể sẽ phụ thuộc vào chỉ đạo của cấp trên, tuy nhiên "tinh thần là nhấn mạnh vào những gì quan trọng nhất của bài học". Để làm được điều này, giáo viên đã soạn riêng giáo án cho việc dạy online và nộp cho tổ chuyên môn nhận xét, góp ý.

Việc học online của năm nay sẽ được kế thừa nền tảng công nghệ, cơ sở vật chất của năm học vừa rồi. Trường Phan Đình Phùng đầu tư và thay thế một số máy tính, đồng thời thành lập một tổ chuyên gia gồm các thầy cô thành thạo tin học và thao tác khi dạy online, sẵn sàng hỗ trợ những người khác khi gặp trục trặc. Ngày 3/2, trường cũng tổ chức tập huấn cho một số giáo viên chưa nắm chắc việc dạy online để thầy cô tự tin hơn với hình thức này.

Ngoài các yếu tố về chuyên môn, cơ sở vật chất, lãnh đạo trường Phan Đình Phùng cho rằng để việc học online không đưa giáo viên, học sinh và gia đình vào thế bị động như trước, phụ huynh cũng cần tăng cường trao đổi và phối hợp hiệu quả với nhà trường. "Việc phụ huynh kiểm tra, giám sát việc học của các em sẽ là mảnh ghép quan trọng, giúp bức tranh học online hoàn thiện và đạt chất lượng tốt nhất có thể", cô Bảy nói.

Buổi học Zoom của cô trò trường THPT Phan Đình Phùng trong tuần 1-6/2. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Buổi học Zoom của cô trò trường THPT Phan Đình Phùng trong tuần 1-6/2. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 ngày 4/2, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo toàn ngành kích hoạt, mở rộng và nâng cao hiệu quả dạy trực tuyến. "Đợt dịch lần trước là tình huống, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm làm đại trà, lần này đã có kinh nghiệm rồi cần làm chắc chắn và chất lượng", ông Nhạ nhấn mạnh.

Bộ trưởng cho biết trong năm học 2019-2020, 80% học sinh phổ thông tiếp cận học trực tuyến và học qua truyền hình, còn lại vẫn khó khăn trong việc tiếp cận hình thức học này, đa số ở vùng khó khăn. Do đó, năm nay ông Nhạ yêu cầu mở rộng học trực tuyến và chú trọng tới việc đảm bảo chất lượng dạy và học.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến chiều 4/2, 53/63 tỉnh thành đã cho học sinh nghỉ để phòng Covid-19, gồm cả các tỉnh nghỉ Tết đúng kế hoạch. Thời gian đi học trở lại là sau kỳ nghỉ Tết hoặc đến khi có thông báo mới.

Từ ngày 28/1 đến sáng 5/2, Bộ Y tế ghi nhận 381 ca nhiễm cộng đồng, ở 11 Hải Dương (278), Quảng Ninh (44), Hà Nội (22), Gia Lai (18), Điện Biên (6), Bình Dương (5), Bắc Ninh (3), Hòa Bình (2), Bắc Giang, TP HCM, Hải Phòng, mỗi nơi một ca.


Thanh Hằng - Dương Tâm/Vnexpress.net

https://vnexpress.net/truong-pho-thong-san-sang-hoc-truc-tuyen-4232052.html


  • Từ khóa