"Kẻ khóc, người cười" khi không cho con học trước chương trình lớp 1

Thứ 3, 29.11.2022 | 09:14:28
1,023 lượt xem

Một số phụ huynh nhất định không cho con học trước chương trình lớp 1, bất chấp xung quanh "con nhà người ta" đều đã đi học hè trước thềm tiểu học.

Kết quả là, bên cạnh những phụ huynh được thở phào nhẹ nhõm khi con bước qua lớp "vỡ lòng" một cách đơn giản, còn nhiều phụ huynh hối hận vì đã không cho con học trước.

Hối hận vì không cho con học trước

Con trai anh Nguyễn Văn Tài (Ninh Bình) đang học lớp 1. Tháng trước, con trai anh đi học về cùng một vết xước đỏ ở cổ. Anh Tài gặng hỏi từ chiều hôm trước tới sáng hôm sau, thằng bé mới ấp úng thưa rằng con không đọc được chữ nên bị cô giáo đánh.

Anh Tài đến gặp hiệu trưởng để phản ánh chuyện này, cầm theo lá đơn xin cho con chuyển lớp. Tại cuộc họp giữa anh và nhà trường, cô giáo chủ nhiệm của con thừa nhận đã túm cổ, chẳng may, móng tay cô cào vào cổ con để lại vết xước. Lý do cô đưa ra là con đọc mãi không thuộc bài khiến cô nóng giận, mất kiểm soát.

Kẻ khóc, người cười khi không cho con học trước chương trình lớp 1 - 1

Cha mẹ hối hận khi con không được học trước như các bạn (Ảnh minh họa: Hải Long).

Anh Tài cho biết, con anh chậm hiểu, không được hoạt bát như các bạn. Trước khi vào lớp 1, các cháu cùng lứa với con đổ xô đi học hè. Anh nghe các "chuyên gia" nói rằng việc đó là không nên.

Bởi vì học sinh tiểu học cần được vui chơi, chưa cần quan trọng điểm số. Hơn nữa, nếu đã biết trước, con sẽ không hứng thú khi vào học chính khóa.

"Tôi nghe theo "chuyên gia" và đã hối hận. Thực tế, đa số học sinh trong lớp đã biết đọc, tính toán tương đối tốt từ những buổi đầu tiên. Chỉ có số ít các bạn cần học từ đầu theo chương trình, trong đó có con tôi.

Do vậy, con học chậm hơn các bạn khác, vốn dĩ con cũng không nhanh nhẹn nên có thể khiến cô giáo nổi nóng. Tuy nhiên, một giáo viên không được phép hành xử như vậy", anh Tài nói.

Giữa học kỳ 1 mà con ghép vần chưa sõi, trong khi các bạn khác đã tự đọc được đoạn văn ngắn. Anh Tài sốt ruột, buộc phải gửi con cho một cô giáo khác kèm riêng. Do vậy, học phí đắt gấp hàng chục lần so với lớp học trước trong mùa hè vừa qua.

"Không chỉ tốn tiền, vợ chồng tôi còn phải thay phiên nhau kèm con làm bài tập. Vốn ít học, chúng tôi chỉ dạy theo cách hiểu của mình chứ không có phương pháp nên rất khó. Có khi loay hoay cả một buổi tối, dưới sự hướng dẫn của bố mẹ mà con vẫn chưa làm xong bài.

Nghe nói chương trình mới nặng hơn, giá mà tôi cho con đi học trước thì bây giờ cả con và bố mẹ đều nhàn.

Sau khi con bị cô giáo nhiều lần quát mắng, thậm chí đánh khiến con sợ đi học, tôi mới thấy hối hận khi không cho con học trước chương trình", anh Tài than thở.

Giống với anh Tài, bước vào lớp 1 được một tháng, chị Phạm Thị Lan Anh (Hà Nội) đã vội gửi con đi học thêm. "Với chương trình học và trình độ chung của các cháu hiện nay, không cho con học trước khi vào lớp 1 là làm tội con", chị Lan Anh nói.

Kẻ khóc, người cười khi không cho con học trước chương trình lớp 1 - 2

Có phụ huynh quan niệm không nên cho con học trước, nhưng sau đó vội "quay xe" (Ảnh minh họa: Quang Ninh).

Kỳ nghỉ hè chuyển tiếp từ mẫu giáo lên tiểu học, chị đã không cho con học thêm. Các bạn cùng lứa với con chị đều được bố mẹ gửi đến các lớp luyện chữ. Không chỉ học tiếng Việt, các con còn đi học toán, tiếng Anh. Chị Lan Anh ví mùa hè vừa qua như một cuộc khởi động của cha mẹ trên đường đua thành tích hộ con trước thềm tiểu học.

Quan điểm của chị là chương trình giáo dục đến đâu, con học đến đó. Trước kia, con lớn nhà chị cũng không phải "nhồi nhét" trước kiến thức mà vẫn học tốt, đi thi học sinh giỏi cấp quận.

"Tuy nhiên, tôi nghĩ mình cũng không đúng khi chủ quan như vậy. Chương trình học hiện nay đã khác xa ngày trước. Dường như các con phải học nhiều kiến thức hơn trong một thời gian ngắn hơn, độ khó cao hơn.

Mỗi lần nhận cuộc gọi, tin nhắn của cô giáo con, tôi lại không dám nghe. Tôi biết chắc rằng cô sẽ nói con ghép vần chậm, viết xấu, làm toán sai.

Suốt thời gian qua, tối nào hai mẹ con cũng "vật lộn" với nhau đến 10 giờ đêm trên bàn học. Cô giáo trách tôi không cho con học hè để bây giờ cô, trò và gia đình đều vất vả. Nếu biết thế này, tôi đã cho con học trước", chị Lan Anh than thở.

Chị Lan Anh cho biết, đi học được hơn 1 tháng mà có đến 80% các bạn trong lớp con đã đọc sõi. Ở môn Tiếng Anh tự chọn, điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên của con lúc nào cũng ở top dưới. Chị buộc phải cho con đi học thêm tiếng Việt và tiếng Anh.

Từ ngày con vào lớp 1, cả nhà hiếm có buổi tối nào được yên bình. Chị Lan Anh phải nghỉ chơi bóng chuyền để ở nhà dạy con. Ngồi kèm con học đến 10 giờ tối mà không mấy khi chị không phải quát tháo, nổi nóng vì dạy mãi con không hiểu bài. Thỉnh thoảng, con vừa học bài vừa "nước mắt lưng tròng".

Chương trình chính khóa chưa dạy đến chữ in hoa mà ở lớp học thêm, cô đã giao bài luyện chữ in hoa.

"Tôi thắc mắc, cô giáo bảo dù trên lớp chưa học đến nhưng đa số các con đã được học trước chữ in hoa rồi. Cô phải đẩy nhanh tiến độ để khi học đến phần này trên lớp, con sẽ nhanh làm quen", chị Lan Anh cho biết.

"Tôi thoải mái vì không bắt con học trước"
Bên cạnh những phụ huynh cảm thấy vất vả vì không cho con học trước, có những phụ huynh không áp lực phải so với con nhà người ta.

Kẻ khóc, người cười khi không cho con học trước chương trình lớp 1 - 3

Một số phụ huynh cảm thấy thoải mái khi không bắt con học trước (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Năm ngoái, khi con gái chuẩn bị vào lớp 1, chị Bùi Thanh Huyền (Hà Nội) liên tục nhận được cảnh báo từ bạn bè rằng, nếu không cho con đi học trước, sẽ khó theo kịp các bạn.

"Tuy nhiên, vợ chồng tôi phớt lờ lời cảnh báo đó. Tôi chỉ muốn con tôi là cô bé học lực bình thường mà vui vẻ. Con mới học cấp 1, tôi không bắt con phải xuất chúng so với bạn bè", chị Huyền nói.

Chị quyết định không cho con đi học trước. Chị chỉ tranh thủ dạy con tập vẽ hình, tô chữ một cách đơn giản tại nhà. Chị thừa nhận con gái vốn thông minh nên hiểu bài rất nhanh.

Bước vào năm học, điểm số của con không vượt trội, chỉ ở mức 6-7 điểm. Ở lớp con, đó là số điểm thấp. Những bạn đã được học trước luôn đạt trên 8 điểm.

"Tôi không chê điểm con thấp hơn các bạn. Ngược lại, tôi khen con học như vậy là khá. Điều làm tôi hài lòng nhất khi con không phải học trước là cô giáo nhận xét con rất hứng thú với bài mới. Con không bao giờ nói leo theo các bạn khi cô đang giảng bài. Buổi tối, sau khi làm xong bài tập, con sẽ tò mò mở các trang sách mới ra để hỏi mẹ", chị Huyền cho biết.

Đến cuối năm lớp 1, bài kiểm tra, đánh giá của con gái chị luôn từ 8 điểm trở lên, ngang ngửa với các bạn đã học trước chương trình.

"Tôi thoải mái vì đã không bắt con học trước. Không chỉ vì lực học của con tiến bộ, quan trọng hơn là con không phải chạy đua thành tích với các bạn.

Theo tôi, nếu bố mẹ nào cảm thấy con mình chậm chạp thì mới nên cho con đi học trước, nhưng chỉ xác định là để con làm quen với việc học, chứ chưa bắt buộc con phải nắm chắc những gì sẽ học. Nếu con nhanh nhẹn thì chỉ cần học theo tiến độ chương trình", chị Huyền khuyên.

*Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi


Quang Trường/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/ke-khoc-nguoi-cuoi-khi-khong-cho-con-hoc-truoc-chuong-trinh-lop-1-20221125204224005.htm

  • Từ khóa