Chuyên gia văn hóa: "Khai bút ngày mùng 1 Tết là mỹ tục của người Việt"

Chủ nhật, 22.01.2023 | 18:35:18
814 lượt xem

"Khai" ở đây là mở. Mở ngòi bút để viết nên những ước mơ, khát vọng. Vì vậy, các bậc làm cha mẹ phải kiên nhẫn đồng hành cùng con trong việc này", Nhà nghiên cứu văn hóa, TS Nguyễn Ánh Hồng cho hay.

Thưa Nhà nghiên cứu văn hóa, TS Nguyễn Ánh Hồng, xin bà đánh giá về ý nghĩa của phong tục khai bút đầu năm?

- Khai bút đầu năm là một trong những mỹ tục của văn hóa Việt Nam, nằm trong hệ thống mỹ tục đã được người Việt xây dựng, gìn giữ và phát huy suốt chiều dài lịch sử văn hóa Việt Nam.

Ý nghĩa của nó là tôn vinh sự học nói riêng và truyền thống văn hiến của Việt Nam nói chung. Trong văn hóa ngày Tết của người Việt từ xưa đã có câu "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh" và mỹ tục khai bút luôn gắn với một hình ảnh quen thuộc trong văn hóa Việt Nam, đó là hình ảnh ông đồ già trong thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên:

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực Tàu, giấy đỏ

Bên phố đông người qua

Chuyên gia văn hóa: Khai bút ngày mùng 1 Tết là mỹ tục của người Việt - 1

TS Nguyễn Ánh Hồng nguyên là Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Ảnh: T.V).

Với hình ảnh khai bút đầu xuân, những nét chữ như rồng bay phượng múa, ông Vũ Đình Liên đã "bỏ neo" vào ký ức của người Việt Nam bằng những câu thơ rất đẹp:

Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

Như vậy, khai bút gắn liền với phong tục Tết cổ truyền của người Việt như một mỹ tục. Đó là một trong những nét đẹp biểu đạt cho giá trị, chiều sâu của văn hóa Việt Nam.

Khi còn thơ bé, bà đã trải nghiệm tục lệ khai bút đầu năm ra sao, thưa bà?

- Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống Nho học. Ông tôi và bố mẹ tôi đều là giáo viên, chúng tôi nối tiếp sự nghiệp của ông bà, cha mẹ nên tục khai bút đầu năm trong gia đình tôi có một vị trí đặc biệt quan trọng.

Tôi nhớ ngày chúng tôi còn nhỏ, năm nào cũng vậy, sáng mùng 1 Tết, bố tôi sắp xếp sẵn bàn ghế, những cây bút, lọ mực được đặt rất ngay ngắn cạnh những trang giấy trắng tinh, bố gọi chúng tôi lên và bảo các con hãy viết những nét chữ đầu tiên trong năm mới. Bao giờ ông cũng dạy chúng tôi nét chữ đầu tiên là nết người. Vì vậy, chúng tôi viết rất cẩn trọng và nghiêm túc.

Khi đó, tôi hỏi bố rằng: "Cha ơi, con phải viết điều gì đây?". Bố tôi nói: "Con muốn gì, mong ước gì thì con hãy viết điều đó".

Nhờ vậy, những dòng chữ đầu tiên rất ngô nghê nhưng nó chứa đựng khát vọng rất giản dị và đẹp đẽ của tuổi trẻ chúng tôi. Đó là mong muốn sức khỏe cho ông bà, bố mẹ và mong muốn sự thành đạt cho các thành viên trong gia đình.

Khi lớn lên, tôi vẫn duy trì việc khai bút đầu năm. Tôi dạy các con, các cháu về mỹ tục này. Tôi khuyên các con nên để cho cháu viết những dòng chữ đầu tiên trong năm mới. Bây giờ, cháu tôi đã bắt đầu biết miêu tả, viết những tâm tư về một mùa xuân rất đẹp và cảm xúc được đánh thức bởi khát vọng của ngày Tết đến, xuân về.

Khi tôi còn công tác ở khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, có những năm, chúng tôi tổ chức chiếu thư pháp để cho chữ sinh viên và cho những người có tâm phúc hướng tới cái chân - thiện - mỹ. Chúng tôi trao truyền giá trị, cái đẹp của tục khai bút, cho chữ đầu xuân.

Chuyên gia văn hóa: Khai bút ngày mùng 1 Tết là mỹ tục của người Việt - 2

Các em học sinh xin chữ đầu năm (Ảnh: Quang Trường).

Theo bà, mỹ tục khai bút đầu năm có giá trị như thế nào trong cuộc sống của người Việt hiện nay?

- Đầu năm khai bút cũng là khai xuân. Người ta quan niệm những nét chữ đó mang lại an khang, thịnh vượng, tức là những gì tốt đẹp nhất mà con người mong muốn, họ đều ký thác, gửi gắm vào nét chữ mà mình viết ra, xin và cho trong ngày đầu năm.

Việc khai bút đầu năm, tôi lồng vào 2 khái niệm. Một là, khai bút đầu xuân tại gia. Tức là mọi người có thể viết những dòng chữ, bài văn hay tác phẩm nghệ thuật cho chính mình và cho mọi người. Ở ý nghĩa thứ hai, khai bút gắn với tục cho chữ, xin chữ đầu xuân.

Cả 2 hoạt động này đều có chiều sâu giá trị đáng trân trọng. Hiện nay, nhiều gia đình đánh mất phong tục đẹp là nhắc các con viết chữ, khai bút đầu xuân. Ngày mùng 1 Tết là ngày mà các con nên ngồi vào bàn để khai bút. Trong lúc đó, việc các con ngồi lại và chăm chú, cẩn trọng thả hồn vào từng con chữ rèn cho các con tính kiên nhẫn, nỗ lực phấn đấu để vươn lên.

Bên cạnh đó, nhiều người vẫn hay đến phố Ông đồ và Văn Miếu - Quốc Tử Giám để xin chữ vào dịp đầu năm. Điều này cho thấy giá trị văn hóa mà ông Vũ Đình Liên từng nói đang trỗi dậy như một mạch nguồn được khơi thông, thấm đẫm vào trong tim của mỗi người.

Thực trạng đó là điều đáng mừng vì trong cuộc sống bộn bề hiện nay mà người ta vẫn hoài niệm, nhớ về "nét chữ, nết người", về đạo hiếu và những mỹ tục truyền thống của ông cha ta. Điều đó làm cho con người cảm thấy bình an hơn, cân bằng được cuộc sống vốn còn nhiều lo toan.

Chuyên gia văn hóa: Khai bút ngày mùng 1 Tết là mỹ tục của người Việt - 3

Người lớn và trẻ con nô nức đi xin chữ đầu năm (Ảnh: Hữu Nghị).

Chúng ta nên khai bút đầu năm như thế nào cho đúng, cho đẹp, thưa bà?

- Nhiều người vẫn nghĩ rằng cần phải đổi mới cách khai bút đầu năm nhưng tôi nghĩ không có gì phải đổi mới. Cách tốt nhất để khai bút vẫn là sử dụng tờ giấy trắng và cây bút. Quan trọng nhất là làm sao để chúng ta, đặc biệt là trẻ nhỏ ý thức được rằng khai bút là mở ra những điểm 10 trong học hành, để có sức khỏe tốt, công việc được như ý, hạnh phúc trong gia đình được nhân lên.

"Khai" ở đây là mở. Mở ngòi bút để viết nên những ước mơ, khát vọng. Vì vậy, các bậc làm cha mẹ phải kiên nhẫn đồng hành cùng con trong việc này.

Tôi thấy nhiều bố mẹ hiện nay cứ lấy tờ giấy, cây bút ra và nói với con rằng hôm nay là ngày khai bút, con hãy viết một bài văn hoặc bất kỳ chủ đề gì. Nhưng sau đó, bố mẹ lại đi làm việc của mình hoặc ngồi bên cạnh con nhưng chăm chú vào điện thoại. Theo tôi, đó là việc không nên.

Cha mẹ nên đồng hành cùng con trong những đường nét hồn nhiên, ngây thơ và trong sáng nhất để con đong đầy cảm xúc, hiểu được ý nghĩa của việc mình làm. Khi đó, khai bút mới thực sự là phương thức giáo dục đạo hiếu cho con người.

Với người lớn, việc dẫn con đi xin chữ cũng là một hình thức để khai bút. Khi xin chữ, bố mẹ phải dạy con biết ý nghĩa của chữ đó, chú ý vào các lạc khoản trên thư pháp để giải thích cho con hiểu. Có nhiều đứa trẻ thấy chữ đẹp nhưng không hiểu gì, hay có bạn còn muốn xin 2 chữ liền nhau, đó là chữ nhẫn và chữ tâm.

Vì vậy, cách xin chữ, khai bút cũng là thước đo quan niệm sống của mỗi người. Người lớn phải dạy cho con em mình hiểu những điều trên. Khi nào chúng ta hiểu được ý nghĩa của khai bút đầu xuân thì mới tiến hành.

Hiện nay, tuy không nhiều nhưng có một số người khai bút theo phong trào mà không hiểu chiều sâu ý nghĩa của nó. Khi tôi hỏi lý do các bạn trẻ xin chữ, các bạn ấy trả lời vì chữ đẹp mà không biết ý nghĩa của chữ đó. Tuy thư pháp là nghệ thuật viết chữ đẹp nhưng trong mỗi nét chữ đều chứa đựng triết lý sống mà mọi người phải hiểu thì mới linh ứng được cho mình, chứ không phải cứ đẹp là dùng.

Tôi xin khuyến cáo rằng, khi chúng ta làm một việc gì liên quan đến giá trị tinh thần thì trước hết phải có hiểu biết và trân trọng việc làm đó. Sau đó, chúng ta hãy trao truyền giá trị của nó.

Xin cảm ơn bà!


Quang Trường

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/chuyen-gia-van-hoa-khai-but-ngay-mung-1-tet-la-my-tuc-cua-nguoi-viet-20230120194439851.htm

  • Từ khóa