Đặt hàng đào tạo giáo viên: Chưa tìm thấy tiếng nói chung

Thứ 6, 27.01.2023 | 09:42:21
789 lượt xem

Không có nhiều địa phương đặt hàng đào tạo giáo viên bởi không có ràng buộc sinh viên thuộc diện được đặt hàng phải về địa phương công tác

Đặt hàng đào tạo giáo viên: Chưa tìm thấy tiếng nói chung - Ảnh 1.

Chính sách cấp tiền sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm đã có tác dụng thu hút được học sinh giỏi vào học sư phạm

Nghị định số 116/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 25-9-2020 quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm có hiệu lực từ ngày 15-11-2020, áp dụng từ khóa tuyển sinh năm 2021. Điểm nhấn của Nghị định này là cho phép đào tạo giáo viên theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu nhưng thực tế đơn đặt hàng quá ít ỏi.

Quá ít địa phương đặt hàng

Trường ĐH Sư phạm TP HCM là cơ sở đào tạo sư phạm lớn ở phía Nam nhưng khi mỗi năm có từ 1.500 đến 1.700 sinh viên lĩnh vực khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên tốt nghiệp ở nhiều ngành đào tạo. ThS Lê Phan Quốc, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho rằng mỗi năm trường được giao chỉ tiêu dựa trên nhu cầu tuyển dụng giáo viên.

Ông Quốc đánh giá Nghị định 116/ 2020/NĐ-CP ngày 15-9-2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm là rất tiến bộ, có tác dụng thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm. Nghị định này có nội dung về việc các địa phương hàng năm phải xác định nhu cầu tuyển dụng và đào tạo giáo viên tại địa phương của từng trình độ, cấp học, ngành học, môn học cho năm tuyển sinh, đặt hàng đào tạo…. nhưng đến nay chỉ mới có 2 địa phương đặt hàng Trường ĐH Sư phạm TP HCM đào tạo giáo viên là tỉnh Long An và Ninh Thuận. Nổi bật trong đặt hàng của 2 địa phương này là đào tạo giáo viên tiểu học có năm lên tới 500 chỉ tiêu.

Trường ĐH Cần Thơ có 13 ngành đào tạo giáo viên nhưng mỗi năm chỉ tuyển được vài trăm sinh viên. ThS Nguyễn Hứa Duy Khang, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Cần Thơ, cho biết chỉ tiêu tuyển sinh được Bộ GD-ĐT giao dựa trên nhu cầu của địa phương. Tuy vậy, trong một hội nghị tuyển sinh năm 2022, Bộ GD-ĐT có thông tin rằng nhiều địa phương không đăng ký nhu cầu đào tạo giáo viên.

Ông Khang cho rằng, việc xác định nhu cầu tuyển dụng giáo viên luôn là điểm nghẽn không chỉ trước kia mà ngay cả khi có Nghị định 116 cũng vậy. Hiện chỉ có 2 tỉnh ở Đồng bằng Sông Cửu long đặt hàng trường đào tạo, mỗi tỉnh hơn 100 giáo viên nhưng rồi mọi việc không đi đến đâu khiến những sinh viên trong diện được đặt hàng bị thiệt thòi vì không được nhận tiền sinh hoạt phí.

Không có quy định ràng buộc

Theo ThS Nguyễn Hứa Duy Khang, Nghị định 116 có nhiều ưu điểm nhưng cũng có hạn chế khi không quy định trách nhiệm bồi thường khi địa phương này đặt hàng, cấp kinh phí nhưng sinh viên sư phạm khi ra trường lại đi làm cho địa phương khác…

"Địa phương đặt hàng chỉ nắm đằng lưỡi nên không mặn mà" – ông Khang nói và thêm rằng việc khó tuyển dụng giáo viên phần lớn chỉ xảy ra ở những vùng xa xôi còn trung tâm đô thị thì tuyển được.

Tại Hội nghị triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 do Bộ GD-DT tổ chức ngày 13-12-2022, đại diện nhiều sở GD-ĐT cho biết khó triển khai việc đặt hàng đào tạo giáo viên, bởi lẽ ngay cả khi đặt hàng mà sinh viên không về công tác tại địa phương thì cũng phải chịu trong khi ngân sách địa phương hàng năm phải chi trả tiền cho sinh viên.

Ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định phân tích, với những sinh viên được đào tạo theo hình thức đấu thầu, đặt hàng sẽ được nhà nước chi trả phí đào tạo. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc các em sẽ trở thành giáo viên sau khi ra trường. Tức là, các em vẫn phải trải qua kỳ thi tuyển dụng viên chức ngành giáo dục. Theo đó, các em có thể trúng tuyển hoặc không trúng tuyển; trong khi Nghị định 116 và Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ "Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức" không có bất cứ điều khoản nào quy định chế độ tuyển dụng đặc cách với những sinh viên sư phạm tốt nghiệp bằng phương thức đào tạo đặt hàng. ""Đầu vào" và "đầu ra" vẫn chưa tương thích nên chưa có tiếng nói chung. Đây cũng là lý do việc triển khai đặt hàng đào tạo giáo viên vẫn còn khó khăn"- ông Hùng chia sẻ.

PGS- TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng ngoài yếu tố kinh phí thì mấu chốt của vấn đề là cơ chế việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Tức là, với những giáo sinh thuộc diện đặt hàng của địa phương, địa phương cần có trách nhiệm phân công, sắp xếp công việc cho người tốt nghiệp theo cam kết.


Huy Lân 

https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/dat-hang-dao-tao-giao-vien-chua-tim-thay-tieng-noi-chung-20230119173019715.htm

  • Từ khóa