Trẻ nôn trớ, đau bụng, xử lý như thế nào?

Thứ 3, 17.05.2022 | 17:58:43
775 lượt xem

TS.BS Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa (BV Bạch Mai) cho biết, tình trạng nôn trớ, đau bụng ở trẻ em rất phổ biến. Khi trẻ gặp tình trạng này, cần xử lý như thế nào?

TS.BS Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa (BV Bạch Mai) cho biết, Trung tâm vẫn tiếp nhận các trường hợp trẻ nôn trớ đến khám. Con số không tăng đột biến, nhưng các bố mẹ đều có tâm lý rất lo lắng với tình trạng này.

Trong khi đó, tại Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Nhi Trung ương), trẻ đến khám vì tình trạng nôn trớ, rối loạn tiêu hóa giảm hơn tuần trước đó.

Theo TS Nam, có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng nôn trớ, đau bụng, rối loạn tiêu hóa ở trẻ, trong đó gặp phổ biến nhất là nhiễm khuẩn tiêu hóa do virus, vi khuẩn.

Trẻ nôn trớ, đau bụng, xử lý như thế nào? - 1

"Khi trẻ gặp tình trạng nôn trớ hay tiêu chảy, việc đầu tiên bố mẹ cần bình tĩnh động viên trẻ, cho trẻ uống oresol từng ngụm nhỏ để bù nước, điện giải. Trong trường hợp trẻ nôn nhiều, mệt, đau bụng nên vào viện để được khám, tư vấn kịp thời", TS Nam khuyến cáo.

TS Nam lưu ý, với oresol cho trẻ uống, bố mẹ cần lưu ý 2 vấn đề sau:

Uống từng ngụm nhỏ, không uống dồn dập

Với oresol, nếu ép trẻ uống liên tục, dồn dập sẽ phản tác dụng, nhất là trẻ đang bị nôn trớ, kích thích càng gây nôn nhiều hơn. Hãy bình tĩnh theo kiểu "mưa dầm thấm lâu", chỉ cho trẻ uống từng thìa nhỏ một. Nếu trẻ bị nôn thì phải cho uống oresol chậm hơn, sau 2-3 phút lại uống một lần, một ngụm (thìa nhỏ). Nếu trẻ bị nôn ra ngay sau khi uống, cũng không vội uống lại ngay, bởi trẻ không phải bị nôn ra là nôn sạch mà đã có sự hấp thu vào cơ thể. Nếu trẻ đã được uống oresol theo nguyên tắc ít một nhưng vẫn bị nôn, tình trạng đi ngoài còn nhiều, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ tới viện để được bù nước, điện giải bằng truyền dịch.

Khi trẻ nôn trớ nhiều, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, việc bù nước quan trọng hơn cả ăn. Vì thế, cha mẹ cũng không nên ép trẻ ăn mà hãy tập trung bù nước oresol cho trẻ. Khi trẻ giảm nôn trớ, bớt đau bụng có thể cho trẻ ăn cháo mềm nấu với thịt nạc băm, cà rốt nhưng chỉ ăn từng lượng nhỏ theo nhu cầu của trẻ.

Pha đúng hướng dẫn

Dung dịch oresol đã cứu hàng triệu trẻ em bị tiêu chảy cấp khỏi cái chết. Thế nhưng nếu pha và cho bé uống oresol không đúng cách có thể gây nguy hiểm cho trẻ.

Khi trẻ bị nôn trớ, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy sẽ gây mất nước và muối, đường... Oresol pha vào nước theo đúng quy định khi cho trẻ uống sẽ có tác dụng bù lượng nước, muối, đường đã mất. Nhưng nếu pha không đúng quy định sẽ càng gây rối loạn nước và điện giải, tình trạng tiêu chảy càng nặng hơn, trẻ có thể tử vong.

Vì thế, tuyệt đối không pha đặc hơn (vì tâm lý sợ trẻ không uống, nhiều cha mẹ pha gói oresol vào lượng nước nhỏ hơn hướng dẫn); không pha loãng hơn.

Pha và uống oresol đúng cách không bao giờ sợ quá liều. Khi pha, cha mẹ nhớ phải pha cả gói, thể tích nước phải đong thật chính xác đến từng ml theo qui định ghi ở ngoài gói. Không được phép chia đôi gói ra để pha với nửa lít nước, vì có thể không cân bằng, nửa này thì ít, nửa kia nhiều. Còn với những loại viên, cần pha đúng với lượng nước đã chỉ dẫn. Sau đó, hãy cho trẻ uống nước oresol đã được pha đúng hướng dẫn theo nhu cầu, theo nguyên tắc từ từ, ít một và liên tục.

Khi được bù đủ nước, trẻ sẽ tỉnh táo, không mệt mỏi. Còn ngược lại, mất nước sẽ rất nguy hiểm cho trẻ. Vì thế, nếu thấy trẻ nôn trớ nhiều, đau bụng nhiều, sốt, hay có bất cứ vấn đề sức khỏe nào của trẻ cha mẹ thấy bất thường, nên đưa trẻ đi khám sớm.


Hồng Hải/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/suc-khoe/tre-non-tro-dau-bung-xu-ly-nhu-the-nao-20220517092816012.htm

  • Từ khóa