Âm thầm nghề tuần đường

Thứ 6, 01.05.2020 | 15:01:37
638 lượt xem

Tuần đường vốn là một nghề nặng nhọc và nhiều rủi ro. Hằng ngày, bất kể mưa, nắng, người công nhân tuần đường phải bám từng công trình để bảo đảm hệ thống hạ tầng giao thông được vận hành thông suốt.


Anh Dương Văn Hương nhắc nhở một trường hợp đổ vật liệu xây dựng trái phép trên quốc lộ 1B đoạn  qua thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng công trình giao thông Lạng Sơn cho biết: Công ty đang quản lý, điều hành 27 công nhân tuần đường làm việc tại các hạt quản lý đường bộ trên địa bàn tỉnh với nhiệm vụ quản lý trên 1.000 km quốc lộ, đường tỉnh và các công trình cầu đường bộ. Theo quy định hiện hành, mỗi công nhân tuần đường được giao nhiệm vụ quản lý 40 km đường giao thông với khoảng 15 hạng mục khác nhau liên quan đến 3 nhóm công việc như: bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; kiểm tra, xử lý hư hỏng công trình đường bộ và bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên tuyến.

Do yêu cầu của công việc, dụng cụ lao động của công nhân tuần đường được trang bị rất đặc thù như: đèn pin, cờ lê, dao, thước, tài liệu văn bản… Đối với công nhân tuần đường làm việc trên hệ thống đường sắt thì có thêm cờ, pháo, còi, đèn báo hai màu xách tay.

Anh Dương Văn Hương, sinh năm 1984, quê ở xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn có thâm niên 10 năm làm công tác tuần đường tại Hạt Bình Gia – Bắc Sơn cho biết: Gia đình tôi có hai thế hệ làm công tác tuần đường, trước là bố tôi, sau khi ông nghỉ hưu thì tôi tiếp tục nối nghề. Cái nghề này không yêu thì khó gắn bó được, bởi ngày nắng cũng như ngày mưa, nửa đêm, bão lũ cũng phải bám đường để kịp thời phát hiện, xử lý hư hỏng nếu có, bảo vệ kết cấu đường bộ và bảo đảm an toàn giao thông.

Không những thế, do đặc thù công việc, bản thân người tuần đường phải học rất nhiều kỹ năng, từ công tác vận động, tuyên truyền người dân không vi phạm hành lang, không xâm hại đến kết cấu công trình; khi phát hiện vi phạm phải lập biên bản; nếu phát hiện tai nạn giao thông có xảy ra thương tích cho người đi đường phải biết thêm kỹ năng sơ cứu… Nhưng vất vả nhất là những lúc trời mưa bão, đêm tối phải bám đường để nắm bắt, xử lý kịp thời những sự cố như: cây đổ, sạt lở để đảm bảo an toàn giao thông.

Đối với công nhân tuần đường trên hệ thống đường sắt việc tuần đường còn nhọc nhằn hơn. Hành trình một ca làm việc của công nhân tuần đường sắt là đều đặn đi bộ trong 8 tiếng/ngày để kiểm tra cung đường được giao với chiều dài 20 km.

Ông Hà Văn Toàn, 50 tuổi, trú tại phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn làm việc tại Cung đường sắt Yên Trạch, huyện Cao Lộc thuộc Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Lạng cho biết: Một ngày một đêm với 24 tiếng có 3 ban làm việc, mỗi ban 1 người và làm việc trong 8 tiếng liên tục. Trong mỗi ban thì làm việc ban 2 và ban 3 là vất vả nhất vì hai ban này liên quan đến làm việc ban đêm (ban 2 làm từ 2 giờ chiều đến 9 giờ đêm và ban 3 làm từ 9 giờ đêm đến 6 giờ sáng). Khi tuần đường ban đêm, ngoài nhiệm vụ nắm bắt bảo vệ công trình còn phải chủ động phòng tránh những rủi ro có thể gặp phải.

Thực tế, công nhân làm công tác tuần đường trên địa bàn Lạng Sơn đã xảy ra những sự cố tai nạn thương tâm như bị tàu va phải (tại khu vực xã Hoàng Đồng năm 2010) hoặc bị cảm trên đường ngã xuống mương dẫn đến tử vong (trên tuyến Mai Pha – Na Dương). Chính từ những rủi ro luôn thường trực đối với công nhân tuần đường, để động viên, hỗ trợ, mỗi lao động được ngành đường sắt hỗ trợ thêm 40 hộp sữa tươi/tháng để tái sản xuất sức lao động cho công nhân.

Được biết, hiện công nhân tuần đường sắt trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 49 người đảm nhiệm bảo vệ và bảo đảm an toàn giao thông trên đoạn tuyến 123 km đường sắt (tuyến Hà Nội – Lạng Sơn đoạn qua tỉnh với chiều dài 93 km và tuyến Mai Pha – Na Dương dài 30 km).

Mặc dù công nhân tuần đường làm việc trong điều kiện rất đặc thù và khắc nghiệt, thu nhập còn thấp, nhưng khi gặp gỡ và trao đổi với họ, chúng tôi nhận thấy rõ được sự yêu nghề và tinh thần  trách nhiệm cao nhất. Ông Nguyễn Văn Hà, Cung trưởng Cung đường Yên Trạch cho biết: Bản thân tôi trước đây từng trải qua công việc của nghề tuần đường, giờ đây, hệ thống hạ tầng đường sắt tuy đã được cải tạo, nâng cấp nhưng công việc phải xử lý trên hiện trường còn rất lớn và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người lao động. Nhưng tất cả anh em đang công tác tại Cung Yên Trạch nói riêng và các cung trên địa bàn Lạng Sơn nói chung vẫn luôn lạc quan và yêu nghề, tất cả để cho từng phương tiện khi lưu thông được an toàn, thông suốt qua đó góp phần phục vụ phát triển đất nước.

                                                   

TRANG NINH/baolangson.vn

http://baolangson.vn/xa-hoi/284694-am-tham-nghe-tuan-duong.html

  • Từ khóa