Năm 2019, cả nước có hơn 900 người chết vì tai nạn lao động

Thứ 6, 08.05.2020 | 14:21:56
694 lượt xem

Năm 2019, toàn quốc đã xảy ra 8.150 vụ tai nạn lao động, làm 927 người chết. Tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hại tài sản gần 10.500 tỷ đồng.

Sáng 8/5, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức Lễ phát động Tháng Vệ sinh An toàn lao động 2020 và Tháng công nhân 2020 với chủ đề “Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát nguy cơ về an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc”.

nam 2019, ca nuoc co hon 900 nguoi chet vi tai nan lao dong  hinh 1
 

So với năm 2018, điều kiện lao động trong năm 2019 đã được cải thiện đáng kể. Cụ thể tỷ lệ người có sức khỏe tốt tăng. Số lượt người được huấn luyện vệ sinh an toàn lao động khoảng gần 5 triệu người. Các hoạt động thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh lao động được tăng cường, các hoạt động tư vấn cải thiện điều kiện an toàn, vệ sinh lao động, áp dụng hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động cho doanh nghiệp, các hộ gia đình được đẩy mạnh góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người lao động.

 Mặc dù tình hình tai nạn lao động năm 2019 giảm ở nhiều chỉ số, trong đó giảm số vụ tai nạn lao động chết người và số người bị thương nặng nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Năm 2019, toàn quốc đã xảy ra 8.150 vụ tai nạn lao động, làm 927 người chết. Tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hại tài sản gần 10.500 tỷ đồng. Về bệnh nghề nghiệp, khám và phát hiện hơn 7.200 trường hợp bệnh nghề nghiệp, tăng 2% so với năm 2018. Những mất mát về sức khỏe, tính mạng và thiệt hại vật chất do tai nạn lao động là rất lớn, để lại những nỗi đau cho nhiều gia đình, tăng gánh nặng cho xã hội và gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế.

 Phát biểu tại lễ phát động, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Trưởng Ban chỉ đạo Tháng an toàn vệ sinh lao động, cho biết trong bối cảnh vừa chống dịch Covid-19, tất cả các ngành, các cấp, doanh nghiệp và người lao động cần phải vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh, đồng thời góp sức bảo đảm an toàn tại nơi làm việc, tạo ra môi trường an toàn bền vững, cải thiện quan hệ lao động...

 Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị: “Tôi đề nghị tất cả các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, công nhân và người lao động trong cả nước tuyệt đối tuân thủ và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động; chủ động và tăng cường các giải pháp ứng dụng công nghệ trong đánh giá kiểm soát các nguy cơ. Chúng ta sẽ nói không với rủi ro và mất an toàn; chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình, các sáng kiến cải thiện điều kiện lao động. Tôi tin tưởng sâu sắc rằng với trách nhiệm, tinh thần sáng tạo, điều kiện lao động chắc chắn sẽ được cải thiện”.

 Tại lễ phát động, các đại biểu thảo luận những kế hoạch hành động trong tháng vệ sinh an toàn lao động và tháng công nhân 2020, cải thiện điều kiện lao động trong điều kiện khó khăn do dịch Covid-19, tăng cường các biện pháp phòng ngừa rủi ro, tạo môi trường an toàn bền vững; nâng cao năng suất lao động, cải thiện thu nhập, xây dựng quan hệ lao động ổn định, hài hòa và tiến bộ…

 Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nêu rõ: “Chúng ta cần tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp, vừa đảm bảo an toàn cho đoàn viên, người lao động tại nơi làm việc, vừa ổn định việc làm, thu nhập, nâng cao năng suất lao động. Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để nỗ lực tăng tốc khi hết dịch Covid-19. Chăm lo bảo vệ công nhân gặp khó khăn do mất việc, giảm việc, ngừng việc. đặc biệt là đối với công nhân nữ đang mang thai, nuôi con nhỏ, công nhân bị ốm đau, bệnh tật. Tăng cường thông tin tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động ổn định tư tưởng, yên tâm lao động sản xuất cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của giai cấp công nhân Việt Nam”./.


Kim Thanh/VOV.VN

https://vov.vn/tin-24h/nam-2019-ca-nuoc-co-hon-900-nguoi-chet-vi-tai-nan-lao-dong-1046338.vov

  • Từ khóa