Công trình chống ngập 10.000 tỷ đồng sắp hoàn thành

Thứ 7, 23.05.2020 | 14:36:44
710 lượt xem

Sau nhiều lần lỗi hẹn vì không có mặt bằng thi công, nhà đầu tư cam kết dự án chống ngập - tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng sẽ hoàn thành vào tháng 10.

Sau nhiều lần lỗi hẹn vì không có mặt bằng thi công, nhà đầu tư cam kết dự án chống ngập - tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng sẽ hoàn thành vào tháng 10.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong (giữa) kiểm tra tiến độ dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng sáng 23/5. Ảnh: Hữu Công

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong (giữa) kiểm tra tiến độ dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng sáng 23/5. Ảnh: Hữu Công.

Làm việc với Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong về tiến độ Dự án chống ngập có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) sáng 23/5, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam - nhà đầu tư công trình, cho biết tổng giá trị xây lắp dự án đã đạt 78%. 

Các hạng mục quan trọng cơ bản đã hoàn thành, hiện còn vướng một số vị trí mặt bằng để thi công các hạng mục phụ trợ. "Nếu huyện Nhà Bè và Bình Chánh bàn giao mặt bằng trong tháng 5, chúng tôi sẽ thi công ngày đêm kịp hoàn thành nhằm chào mừng Đại hội Đảng TP HCM vào tháng 10", ông Tiến nói.

Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho biết, vướng mắc trên địa bàn liên quan đến công trình cầu cảng cho tàu chở dầu (Công ty xăng dầu hàng không) đè lấn lên đê kè mà Công ty Trung Nam đang thi công. Còn một hộ dân chưa đạt được thoả thuận, huyện cố gắng vận động để sớm giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Liên quan địa bàn huyện Bình Chánh, Phó chủ tịch Nguyễn Văn Hồng nói rằng sẽ vận động hộ dân cuối cùng chưa giao mặt bằng, nếu họ không đồng ý sẽ bị cưỡng chế. Huyện sẽ bàn giao mặt bằng trước ngày 10/6 để phục vụ công trình chống ngập.

Công nhân đang hoàn thiện hạng mục cống ngăn triều Tân Thuận. Ảnh: Hữu Công

Công nhân đang hoàn thiện hạng mục cống ngăn triều Tân Thuận sáng 23/5. Ảnh: Hữu Công

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đánh giá công trình chống ngập này góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nhận được sự quan tâm rất lớn. Dự án đã trải qua một số khó khăn trong thời gian thi công, nhưng qua kiểm tra thực tế công trình cơ bản đạt tiến độ, chỉ còn lắp hệ thống van và chuẩn bị cho công tác vận hành công trình.

Chủ tịch thành phố chỉ đạo các địa phương còn vướng mặt bằng phải nỗ lực hết sức để bàn giao đúng thời hạn cho đơn vị thi công kịp tiến độ.

Đối với cầu cảng của Công ty xăng dầu hàng không, ông Phong nói: "Công trình này xây dựng ở thành phố mà không có ý kiến của chính quyền là không được. Chưa kể công trình không có giấy phép cần phải xử lý nghiêm. UBND huyện Nhà Bè phối hợp với Sở Xây dựng sớm hoàn thiện hồ sơ pháp lý để xử lý dứt điểm vụ việc trình UBND thành phố trước ngày 5/6".

Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng đồng ý phương án chiếu sáng mỹ thuật tại một số trụ bêtông của công trình chống ngập trong nội đô để tạo điểm nhấn cho mỹ quan đô thị theo đề xuất nhà đầu tư. 

Cống ngăn triều Phú Xuân song song cầu Phú Xuân (nối quận 7 và Nhà Bè) đã cơ bản hoàn thành. Ảnh: Trung Nam

Cống ngăn triều Phú Xuân nằm song song cầu Phú Xuân (nối quận 7 và Nhà Bè) đã cơ bản hoàn thành. Ảnh: Trung Nam.

Dự án chống ngập có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) nhằm kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố.

Công trình sau khi hoàn thành giúp thành phố chủ động điều tiết hạ thấp mực nước ở các kênh rạch, cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị và tạo cảnh quan môi trường cho khu vực.

Ban đầu, công trình dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2019 nhưng gặp nhiều vướng mắc nên bị đình trệ suốt 6 tháng do: Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Nam Sài Gòn không giải ngân (UBND thành phố chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân của dự án để thực hiện thủ tục tái cấp vốn); liên danh tư vấn tố cáo chủ đầu tư sử dụng tiêu chuẩn vật liệu chế tạo, lắp đặt cơ khí cửa van thép không thống nhất từ thiết kế cơ sở đến thiết kế bản vẽ thi công và thực tế thi công.

Giữa chủ đầu tư và đơn vị tư vấn giám sát hợp đồng cũng liên tục bất đồng quan điểm khi thực hiện dự án. UBND TP HCM không dám đưa ra quyết định nên cuối tháng 8/2019 kiến nghị Thủ tướng xem xét, chủ trì cuộc họp với các bộ ngành để giải quyết những vướng mắc. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng sau đó yêu cầu UBND TP HCM chịu trách nhiệm toàn diện về đầu tư và hiệu quả do dự án thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của thành phố. Sau khi thanh tra, thành phố đã cho phép dự án khởi động trở lại.


Hữu Công/vnexpress.net

https://vnexpress.net/cong-trinh-chong-ngap-10-000-ty-dong-sap-hoan-thanh-4104051.html

  • Từ khóa