Liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm, do đâu?

Thứ 5, 28.05.2020 | 07:40:51
1,134 lượt xem

Chúng ta đang xem nhẹ và quá chủ quan khi để các con đến gần vùng nguy cơ có thể đuối nước.

Ngày 23/5 trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra 2 vụ đuối nước khiến 3 em nhỏ tử vong. Sau đó 1 ngày tại 2 tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh liên tiếp xảy ra 2 vụ đuối nước, khiến 4 em nhỏ tử vong. Điều đáng nói là các nạn nhân tử vong do đuối nước này đều ở lứa tuổi học sinh. Thế nhưng, ở lứa tuổi còn ngồi trên ghế nhà trường, với bản thân các em, phòng tránh có chăng chỉ là nỗi lo sợ.

Em Bảo Ngọc, học sinh ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ: "Thời điểm này tai nạn đuối nước thương tâm rất nhiều, em muốn học bơi là để trang bị cho mình những kỹ năng phòng tránh đuối nước".

lien tiep xay ra cac vu duoi nuoc thuong tam, do dau?  hinh 1
Ảnh minh họa.

Không lo lắng sao được, khi ở đâu đó chúng ta vẫn bắt gặp những tốp học sinh, tuổi đời còn quá nhỏ, rủ nhau ra sông, ra biển vui đùa, tắm mát; thậm chí đó còn là những cảnh đời khó khăn, phải đi mò cua, bắt tép, rồi trớ trêu trở thành nạn nhân của đuối nước… Người lớn đang ở đâu trước những nguy cơ, rủi ro trong tai nạn đuối nước, được cho là có thể dự báo trước.

Bà Đặng Thị Quỳnh Diệp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh cho rằng: "Chúng ta xem nhẹ và quá chủ quan khi để các con đến gần vùng nguy cơ có thể đuối nước. Các cháu có thể đi chụp ảnh kỷ yếu cuối năm học; hay rủ nhau ra ao bắt cá; hoặc đến công trình xây dựng… thì các cháu vẫn chủ quan, nghĩ rằng mình biết bơi, cái này quan trọng nhất là bố mẹ. Ngoài ra việc nhiều bố mẹ đi làm ăn xa, các cháu ở nhà với ông bà, cô gì, cần phải được nhắc nhở nhiều hơn mỗi khi các cháu ra đường, chơi ở ngoài đường. Ban đầu phải dạy cho các cháu kỹ năng toàn diện về phòng chống tai nạn nói chung".

Từ đầu hè đến nay, trên địa bàn thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An đã xảy ra 2 vụ đuối nước thương tâm. Từ thực tế nguyên nhân xảy ra các vụ đuối nước này, anh Nguyễn Văn Đức, Phó Bí thư Thị đoàn Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An cho rằng, có 1 thực tế là, con em chúng ta đi đâu, làm gì, chúng ta không giám sát, quản lý được, đó là buông lỏng trong kỷ luật, rất nguy hiểm.

"Tuyên truyền nâng cao ý thức cho phụ huynh, học sinh, đồng thời nhà trường cũng thường xuyên nhắc nhở, rèn kỹ luật, tuyệt đối không được bỏ học, chiều lại đi đâu phải xin phép bố mẹ. Nắng nóng là đi học về hay quăng cặp đi tắm vì vậy, nhà trường gia đình phải phối hợp thật chặt với đoàn thanh niên, giáo dục ý thức cho các em học sinh, tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra", anh Văn cho biết thêm.

Ao hồ, sông suối… được xác định là “bẫy tử” của các vụ đuối nước. Nhiều địa phương như ở Thọ Xuân (Thanh Hóa); Tân Hương, Tân Kỳ, Hoàng Mai (Nghệ An)… và một số địa phương khác đã ra quân cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các ao hồ, sông suối có nguy cơ tai nạn đuối nước. Thế nhưng không phải ở đâu cũng làm tốt được việc này, đặc biệt với những địa bàn có hệ thống sông suối dày đặc, nhưng chưa được chú trọng. Theo ông Trương Hùng Thanh, Trưởng phòng LĐTBXH huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, việc nâng cao nhận thức người dân là cần thiết trong phòng tránh tai nạn đuối nước.

"Xác định trong đuối nước chủ yếu là ao hồ, sông suối, năm nào cũng yêu cầu địa phương cắm biển cảnh báo tại các sông hồ, kênh mương nâng cao nhận thức người dân", ông Thanh cho hay.

Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh được xác định là có số vụ đuối nước hàng năm cao. Không chỉ tại các ao hồ, sông suối, các tỉnh này còn có nhiều bãi tắm dọc biển, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đuối nước cao. Và hơn lúc nào hết, việc phát hiện, ngăn chặn, hạn chế tối đa việc các em tiếp cận khu vực được cho là nguy hiểm, nguy cơ cao đuối nước chính là trách nhiệm của người lớn./.


Sỹ Đức/VOV.VN

https://vov.vn/tin-24h/lien-tiep-xay-ra-cac-vu-duoi-nuoc-thuong-tam-do-dau-1053011.vov

  • Từ khóa