Tăng cường phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em

Thứ 2, 08.06.2020 | 15:43:51
1,124 lượt xem

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, tình hình tai nạn thương tích (TNTT) ở trẻ em vẫn còn diễn biến phức tạp. Từ thực tế đó, các cấp chính quyền, ngành chức năng đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho học sinh, gia đình và cộng đồng về các biện pháp phòng chống TNTT cho trẻ em.

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 198 ngàn trẻ em dưới 16 tuổi. Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 537 vụ TNTT trẻ em. Trong đó, có 75 trẻ em bị tử vong (53 trẻ bị đuối nước, 14 trẻ  tai nạn giao thông và 8 trẻ em bị tử vong do các tai nạn khác). Thực tế này cho thấy: ngoài ngã, bỏng, điện giật thì tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông vẫn là mối nguy hiểm rất lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em. Thời gian qua, mặc dù các ngành chức năng đã tích cực trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, song tình trạng TNTT ở trẻ em vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Cụ thể, năm 2017, số trẻ em bị TNTT giảm 40 trường hợp so với năm 2016, nhưng năm 2018 và 2019, số trẻ em bị TNTT có chiều hướng tăng (trong đó, năm 2018, số trẻ em bị TNTT tăng 14 trường hợp so với năm 2017, năm 2019 tăng 45 trường hợp so với năm 2018).

Trẻ em trên địa bàn thành phố Lạng Sơn trong lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống tai nạn đuối nước năm 2020

Theo ông Đinh Quang Chí, Trưởng Phòng Trẻ em và Bình đẳng giới, Sở LĐTB&XH, TNTT trẻ em vẫn xảy ra chủ yếu là do môi trường xung quanh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ như: ao, hồ, sông suối không được rào chắn, cảnh báo; ý thức người tham gia giao thông còn hạn chế. Bên cạnh đó, nhận thức của gia đình chưa đầy đủ, còn thiếu sự giám sát đối với con trẻ, nhiều trẻ em còn thiếu kiến thức, kỹ năng phòng, tránh TNTT…

Trước thực trạng trên, các cấp, các ngành chức năng của tỉnh mà nòng cốt là ngành LĐTB&XH đã đẩy mạnh nhiều giải pháp phòng ngừa TNTT ở trẻ em. Cụ thể, từ năm 2019 đến nay, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh với nhiều hình thức như: triển khai lắp đặt gần 100 pa nô tuyên truyền, cảnh báo về phòng, chống TNTT và trên 20 biển báo nguy hiểm tại các điểm sông, suối, ao, hồ có nguy cơ xảy ra đuối nước cao; tổ chức trên 30 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng về phòng, chống TNTT cho gần 300 lượt cán bộ các cấp làm công tác trẻ em, cộng tác viên, cha mẹ; tổ chức hơn 100 lớp bơi cho trẻ em   và bồi dưỡng kỹ năng sống cho trên 3.000 học sinh, trẻ em trên địa bàn các huyện, thành phố.

Cùng với đó, Sở LĐTB&XH đã phối hợp với các ngành chức năng xây dựng địa chỉ tin cậy phòng, chống TNTT trẻ em và duy trì mô hình “Ngôi nhà an toàn”. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 1.540 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng các thôn, khối phố và 22 mô hình “Ngôi nhà an toàn” phòng, chống TNTT trẻ em tại 22 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thành phố.

Chị Hoàng Thị Lan, xã Tân Liên, huyện Cao Lộc cho biết: Gia đình tôi có hai cháu nhỏ, năm 2017, tôi đăng ký thực hiện mô hình “Ngôi nhà an toàn” và được cán bộ xã tuyên truyền nâng cao nhận thức và hướng dẫn các kỹ năng, biện pháp nhằm phòng chống TNTT cho trẻ ngay trong chính ngôi nhà của mình. Từ đó, tôi đã biết cách bố trí vật dụng trong nhà an toàn cho con, đặc biệt là phòng chống điện giật, cháy nổ…

Bên cạnh đó, công tác xây dựng trường học an toàn, phòng, chống TNTT trẻ em cũng được các cấp, ngành chức năng đẩy mạnh. Em Bằng Nhật Giang, học sinh Trường THCS thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc cho biết: Thông qua các buổi ngoại khóa về kỹ năng sống, em có thêm nhiều kiến thức để tự bảo vệ bản thân mình; nhất là trong những dịp nghỉ hè, chúng em được tuyên truyền không ra những khu vực nước sâu nguy hiểm để tắm hay vui đùa.

Để công tác phòng, chống TNTT trẻ em đạt hiệu quả, thời gian tới, cùng với thực hiện Tháng hành động vì trẻ em năm 2020, Sở LĐTB&XH tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống TNTT trẻ em nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, đồng thời thay đổi nhận thức, hành vi của cộng đồng trong  thực hiện các biện pháp phòng, chống TNTT trẻ em. Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động tập huấn, hướng dẫn kỹ năng phòng chống TNTT cho trẻ em và các bậc phụ huynh nhằm phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất TNTT ở trẻ, đảm bảo môi trường thực sự an toàn để trẻ phát triển toàn diện.


THÙY DUNG/baolangson.vn

http://baolangson.vn/xa-hoi/291620-tang-cuong-phong-chong-tai-nan-thuong-tich-o-tre-em.html

  • Từ khóa