Lao động ở Thanh Hóa khó tiếp cận gói 62.000 tỷ

Thứ 2, 22.06.2020 | 08:00:38
697 lượt xem

Việc triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ cho lao động bị ảnh hưởng Covid-19 ở Thanh Hóa đã phát sinh nhiều bất cập, người lao động vẫn chưa tiếp cận được.

Tính đến thời điểm này tỉnh Thanh Hóa đã rà soát trên địa bàn có hơn 40.000 lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thế nhưng, việc triển khai đã phát sinh nhiều bất cập, người lao động vẫn chưa tiếp cận được gói hỗ trợ 62.000 tỷ của Chính phủ.

Chị Lê Thị Vân, Công ty may Nam Linh (Quảng Xương, Thanh Hóa) cho biết, do ảnh hưởng dịch Covid-19, phải tạm thời nghỉ việc từ 22/3 đến hết 30/4 năm 2020. Hiện nay chị và 172 công nhân đã được hướng dẫn và công ty làm thủ tục đề nghị hỗ trợ nhưng vẫn chưa được nhận trợ cấp.

lao dong o thanh hoa kho tiep can goi 62.000 ty hinh 1
Dù mất việc nhưng để được hỗ trợ còn phải xem xét nhiều tiêu chí khác nữa.

“Nhận được thông tin hỗ trợ của Nhà nước, ngân hàng cũng về làm thẻ nhưng đến thời điểm này thẻ vẫn chưa có tiền. Công nhân cũng đang trông chờ tiền của dịch nữa, dịch Covid-19 vì nghỉ dịch không ai đi làm được, chỉ ở nhà nên mọi người đang ngóng chờ tiền này nên cũng mong nhà nước nhanh hỗ trợ đến tay mọi người”, chị Vân nói.

Cũng trong tình trạng tương tự, chị Lê Thị Nguyệt, các công nhân làm việc ở Thanh Hóa băn khoăn, dù phải nghỉ việc hơn 1 tháng do dịch Covid-19 nhưng chưa biết mình có thuộc đối tượng nhận hỗ trợ hay không.

“Chúng tôi đang chờ đợi, từ thời điểm đang thu nhập bình thường đến lúc không có việc, công ty cũng hỗ trợ, nhà nước hỗ trợ 1 phần thì giờ đang trông chờ vào gói hỗ trợ, chưa có thì đi vay mượn tiêu tạm, lương hàng tháng cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống…”, chị Nguyệt cho hay.

Ông Lê Thanh Nghị, Giám đốc Công ty may Nam Linh (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, công ty có 172 công nhân phải tạm thời nghỉ việc do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hiện công ty đã làm hồ sơ đề nghị Nhà nước hỗ trợ công nhân, nhưng đang nhận được ý kiến trái chiều.

Theo ông Lê Thanh Nghị, cơ quan chức năng địa phương nói với ông rằng, điều kiện được nhận hỗ trợ từ gói Covid-19 doanh nghiệp phải không có doanh thu trong thời điểm nghỉ việc, hoặc báo cáo tài chính số dư bề nổi là tiền mặt. Quy định chỉ hỗ trợ công nhân đối với những công ty không có doanh thu là không hợp lý.

“Điều kiện tiên quyết là không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính, nhưng doanh thu của doanh nghiệp có thể làm tháng 3 khách hàng chưa xuất, tháng tư xuất hoặc kết chuyển thì phải có doanh thu, còn nguồn tài chính thì có thể không có vẫn phải vay mượn để tồn tại, nhưng giờ quy định là vẫn thấy công ty có nguồn tài chính thì không hỗ trợ, như vậy là bất cập”, ông Nghị nói.

Liên quan đến bất cập này, bà Nguyễn Thị Thu, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Quảng Xương khẳng định, hướng dẫn thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỷ rất chung chung, trong quá trình triển khai địa phương gặp rất nhiều vướng mắc, khó thực hiện.

“Cách xử lý địa phương rất khó vì có đề nghị lên sở hướng dẫn chi tiết thì sở không hướng dẫn mà nói rằng căn cứ vào Nghị quyết 42 và Quyết định 15, 2 văn bản này chỉ mang tính chung chung, không cụ thể. Thực tế làm ở đây thì vô vàn những cái cụ thể chi tiết khó khăn. Ví dụ như trong doanh thu của doanh nghiệp tháng đó về 0 nhưng nguồn tài chính của họ vẫn còn nguồn tiền lũy kế, thì theo quy định họ dùng tiền phúc lợi đó để có điều kiện hỗ trợ người lao động thì không được hỗ trợ nhưng nếu tính doanh thu trong tháng đó thì đúng họ không có gì, thì rất là khó”, bà Thu cho biết.

Nguyên nhân nữa đang khiến việc rà soát, chi trả hỗ trợ gặp khó khăn và vướng mắc là, xác định thời gian hỗ trợ. Đại diện Phòng Lao động Thương binh và Xã hội thị xã Nghi Sơn cho biết, trên địa bàn có khoảng 5.000 công nhân làm việc tại các công ty, doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Đối với số lao động này, tháng 5 nghỉ việc đã được công ty hỗ trợ vì vậy sẽ không đủ điều kiện được hưởng hỗ trợ từ gói Covid-19. Thế nhưng, những tháng liền kề đối với những công nhân vẫn bị ảnh hưởng và nghỉ việc, có được hỗ trợ gói 62.000 tỷ hay không thì trong quy định không đề cập, vì vậy thị xã Nghi Sơn đã có văn bản tham vấn ý kiến Sở LĐTB&XH tỉnh.

Những vướng mắc trong triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ ở Thanh Hóa được ông Lê Đình Tùng- Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa thừa nhận đây là một việc khó nhưng vẫn phải làm. Đối với những trường hợp lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động có được hỗ trợ những tháng liền kề hay không, Theo quy định đối với những lao động là công nhân bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động nhưng phải xác định thêm bước nữa là giảm thu nhập sâu, nghĩa là trong thời điểm đó có thu nhập dưới mức chuẩn cận nghèo là 1,3 triệu đồng.

“Về nguyên tắc là được hưởng, nhưng còn liên quan đến điều kiện là thu nhập vì theo quy định của Chính phủ là phải giảm thu nhập sâu. Vậy thu nhập sâu ở đây là thế nào, chúng tôi đã hướng dẫn các địa phương phải xác nhận bản thân gia đình đó không có việc và giảm mức thu nhập dưới mức chuẩn cận nghèo 1,3 triệu thì đưa vào danh sách được hưởng. Cái này là việc khó nhưng khó cũng phải làm vì cơ bản chúng ta phải công khai minh bạch”, ông Tùng cho hay.

Việc xác định đối với những người lao động mất việc có mức thu nhập dưới mức chuẩn cận nghèo là bài toán nan giải đối với địa phương hiện nay. Thế nhưng, các cơ quan chức năng ở Thanh Hóa không thể ban hành hướng dẫn cụ thể khác ngoài việc căn cứ vào Nghị định 42 của Chính phủ và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt là trong quá trình triển khai đã phát sinh nhiều vướng mắc.

Việc triển khai thực hiện hỗ trợ gói an sinh 62.000 tỷ của Chính phủ đang được đốc thúc thực hiện nhanh chóng, đây cũng là điều người lao động mong muốn. Thế nhưng, các địa phương đang thiếu cơ sở pháp lý trong việc thực hiện thì không thể làm nhanh được, không khéo sẽ dẫn đến những sai sót. Việc triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ của Chính phủ chẳng khác nào, trên ép xuống, dưới nhìn lên trông chờ chỉ đạo, hướng dẫn./.


Sỹ Đức/VOV.VN

https://vov.vn/xa-hoi/lao-dong-o-thanh-hoa-kho-tiep-can-goi-62000-ty-1062269.vov

  • Từ khóa