Cặp voi hoang dã sau hơn 5 năm cứu hộ

Chủ nhật, 24.01.2021 | 14:45:41
674 lượt xem

Hai con voi hoang đã được cứu hộ và chăm sóc theo chế độ đặc biệt ở Trung tâm cứu hộ voi.

Sau 5 năm, voi rừng Gold (trái) tăng từ 110 kg lên 850 kg, voi Jun từ 450 kg lên 1.485 kg. Cả hai được chăm sóc theo dõi thường xuyên, đang trong độ tuổi lớn và phát triển bình thường. Hai con được ngăn cách bởi hàng rào điện để đảm bảo an toàn cho nhân viên và voi bởi chúng đều là voi rừng hoang dã.

Hiện tỉnh Đăk Lăk có gần 80 con voi hoang dã sinh sống trong diện tích 173.000 ha. 38 con voi nhà nuôi dưỡng trên diện tích 350 ha.

Sáng sớm hàng ngày, hai người chăm sóc voi cũng là bác sĩ của Trung tâm bảo tồn có mặt để cắt cỏ, mang thức ăn cho từng con voi tại hai chuồng khác nhau, sau đó mở cửa để voi sang thưởng thức bữa sáng. Voi mỗi ngày tiêu thụ lượng thức ăn bằng 1/10 trọng lượng cơ thể.

Thức ăn chính buổi sáng gồm cỏ, cơm, canxi, trái cây, củ quả, cây rừng..., chế độ sẽ thay đổi theo độ tuổi, theo mùa và tình trạng sức khỏe.

Voi Gold bị rơi xuống giếng sâu trong rẫy tiểu khu 29, được cứu hộ ngày 28/3/2016. Khi được cứu, voi mới khoảng 4 tháng tuổi. "Con voi nhỏ sau khi cứu hộ được tái thả vào tự nhiên, nhưng không thành công. Trong 9 tháng đầu ở Trung tâm cứu hộ voi có nhiều chuyên gia từ Hà Lan, Mỹ... của Tổ chức Động vật châu Á sang chăm sóc để ổn định sức khỏe và tâm lý cho voi. Sau đó, thêm 3 lần đưa vào rừng thả đều không thành công", anh Phan Phú, 30 tuổi, người gắn bó với Gold cho biết.

Hai năm đầu voi quá nhỏ phải nuôi bằng sữa, mỗi ngày một kg sữa bột. Voi uống và ăn suốt ngày nên chăm sóc rất kỳ công. 2 năm gần đây, voi đã cai sữa nên tự ăn uống. Mỗi con có hai người chăm sóc (người chăm sóc vết thương, người huấn luyện, cho ăn quan sát để đảm bảo an toàn). Việc huấn luyện phải thực hiện bằng còi và khẩu lệnh.

Cuối năm 2020, con voi đực Gold xung đột với voi Jun nên gãy đôi ngà mới nhú. Nhiều tháng nay, hai bác sĩ kiêm bảo mẫu mỗi ngày vệ sinh 4 lần để đảm bảo phần tủy không gây nhiễm trùng, ảnh hưởng đến sức khỏe.

"Ngày 19/2/2015, hơn 10 người và hai con voi nhà trưởng thành tham gia cứu hộ con voi hoang dã bị thương tại tiểu khu 470 Vườn Quốc gia Yok Đôn. Thời điểm đó, con voi đực 4 tuổi này, nặng khoảng 450 kg, bị thương ở vòi và chân trái trước, tính khí hung dữ. Do voi được cứu hộ ngày mùng 1 Tết Âm lịch nên đặt tên là Jun", ông Nguyễn Công Chung, Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn voi cho biết.


Vết thương của voi Jun ở phần vòi đã lành, nhưng còn vết thương do sập bẫy ở chân trái trước ăn sâu vào trong xương. Nhiều năm nay nhân viên phải thường xuyên rửa, cắt bỏ phần hoại tử, mô tế bào chết và bôi thuốc.

Bác sĩ phải cắt các tế bào chết sâu, mở rộng vào phía trong đến khi chảy một ít máu mới dừng lại rửa và bôi thuốc, bôi mật ong.

Sau mỗi buổi chăm sóc, vú nuôi chăm chú theo dõi hành động, tập tính để biết được tình trạng sức khỏe cũng như sự thay đổi của voi để sớm có hướng giải quyết.

Việc huấn luyện cho voi làm quen với những tập tính sinh hoạt ngoài tự nhiên được đề cao trong quá trình chăm sóc. Mật ong, hạt tiêu, quế, hồi... là loại có mùi và hương hấp dẫn dẫn khứu giác của voi được quét vào đồ chơi, cây cao và kín để voi tự tìm và khám phá.

Sau mỗi ngày chăm sóc, anh Quân lại cẩn thận ghi chú những khác biệt, biểu hiện phát sinh trong ngày của mỗi con voi để sau mỗi tuần tổng hợp đưa ra quy trình chăm sóc chính xác hơn.

Khu chăm sóc hoang dã của Trung tâm bảo tồn voi tại ĐT681, Krông Na, Buôn Đôn, Đắk Lắk.

Hơn 30 năm trở lại đây, số lượng voi Việt Nam nói chung và voi Tây Nguyên suy giảm nhanh. Những năm 1990, ước tính số voi hoang dã của Việt Nam còn 1.500-2.000, hiện chỉ còn 124-148, phân bố trên 8 tỉnh gồm Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đăk Lăk, Đăk Nông, Đồng Nai và Bình Phước. Số lượng voi hoang dã lớn nhất cả nước là Đăk Lăk, hiện có 5 quần thể, trong đó quần thể nhỏ nhất 5-10 con, lớn nhất có 32-36 con, phân bố chủ yếu ở Vườn quốc gia Yok Đôn.


Ngọc Thành/Vnexpress.net

https://vnexpress.net/cap-voi-hoang-da-sau-hon-5-nam-cuu-ho-4224702.html

  • Từ khóa