Truy vết, xét nghiệm thần tốc - Những bước chân không mỏi

Thứ 7, 27.02.2021 | 09:19:59
462 lượt xem

Chỉ trong vòng 1 tuần, ngay sau khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên là BN1979 trong chuỗi lây nhiễm liên quan đến sân bay Tân Sơn Nhất, ngành y tế TP HCM đã cắt đứt được chuỗi lây nhiễm và đến nay vẫn dừng ở con số 35 trường hợp.

Đó là kết quả của việc truy vết thần tốc, khống chế nhanh thông qua các biện pháp điều tra, mở rộng phạm vi tiếp xúc và đặc biệt là mở rộng xét nghiệm. Đây cũng là quãng thời gian làm việc căng mình không mệt mỏi của các nhân viên y tế - những chiến sỹ dũng cảm, kiên cường trên chiến trường chống Covid-19.

Tranh thủ chợp mắt hồi lại sức để tiếp tục truy vết lấy mẫu (Ảnh HCDC)

Tranh thủ chợp mắt hồi lại sức để tiếp tục truy vết lấy mẫu (Ảnh HCDC)

Làm việc xuyên Tết, quên thời gian

Ngày 23/2, sau khi điểm cuối cùng của TP HCM bị phong tỏa do Covid-19 là tầng 15, lô F, chung cư Carillon, quận Tân Bình được gỡ bỏ, thì anh Phạm Đô Lê, nhân viên Khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế quận Tân Bình mới chính thức trở về nhà trọ ở Quận 8. Trước đó, sau khi ca bệnh được phát hiện ngụ trên địa bàn quận, anh đã mang đồ đạc, quần áo lên ở lại trung tâm xuyên Tết, sẵn sàng nhận nhiệm vụ bất kể ngày hay đêm. Lê cho biết, liên tục các ca bệnh được phát hiện, nhiều nơi bị phong tỏa, anh cùng đồng nghiệp làm việc miệt mài không còn quan tâm đến thời gian, chỉ làm cho đến khi hết việc.

Xét nghiệm xuyên đêm từ ở khu dân cư

Xét nghiệm xuyên đêm từ ở khu dân cư

Đối với nhân viên y tế lúc đó, chỉ cần chỗ nào có thể đặt lưng xuống được là trở thành “giường”, anh em thay phiên nhau, gục xuống ở bàn chợp mắt, hồi sức lại thì tiếp tục công việc. Cũng trong thời điểm này, được ăn bữa cơm hương vị Tết do một nhân viên hành chính của trung tâm nấu, anh như được tiếp thêm động lực, quên đi mệt mỏi, hết lấy mẫu xét nghiệm rồi lại điều tra, xác minh ca bệnh đến sắp xếp vận chuyển người đi cách ly.

Anh Lê chia sẻ: "Dù mệt nhưng tinh thần anh em vẫn đặt trên cao nhất. để cố gắng làm sao càng nhanh càng tốt, nhanh mà phải chất lượng nữa, để làm sao ngăn chặn dịch, điều tra hết mấy yếu tố tiếp xúc để kết thúc những thứ liên quan đến ca bệnh đó càng sớm càng tốt. Vì vậy mà anh em luôn đặt tinh thần lên đầu, luôn chú tâm vào công việc".

Đến các bến xe lớn những nơi có nguy cơ cao (Ảnh HCDC)

Đến các bến xe lớn những nơi có nguy cơ cao (Ảnh HCDC)

Theo Bác sĩ Nguyễn Thanh Trang - Giám đốc Trung tâm y tế quận Tân Bình, trên địa bàn quận có sân bay Tân Sơn Nhất, số lượng nhân viên sân bay và người nhà nhiều, vì vậy đơn vị phải huy động toàn bộ nhân sự, đặc biệt ở lô F, chung cư Carillon, Phường 13 để lấy hơn 500 mẫu xét nghiệm. Thực hiện điều tra nhanh, lấy mẫu nhanh, gửi khẩn đi xét nghiệm, khối lượng công việc rất nhiều, vì vậy nhân viên y tế phải lấy mẫu xét nghiệm xuyên đêm. Để không bỏ sót ai, trung tâm phối hợp với các UBND phường, đi từng ngõ, gõ từng nhà để gọi người dân ra để lấy mẫu, điều tra dịch tễ.

Bác sĩ Trang nhớ lại, có những đêm nhân viên làm việc đến 2h sáng không kịp ăn tối, bà đã đưa anh em lặn lội đi tìm quán ăn hiếm hoi giữa ngày Tết. Làm việc cật lực xuyên đêm nhưng ngày nào mọi người cũng có mặt đúng giờ quy định: “Anh em làm suốt, làm từ sáng đến trưa, anh em tự kiếm đồ ăn trưa thì kiếm vì công việc gấp quá, rồi chiều thì lại có những công việc gấp khác, ví dụ như chiều phát sinh thêm những điểm mà ca nhiễm đi tới. Sau đó đến tối thì chia nhau mời người nhà nhân viên sân bay tới để xét nghiệm cho kịp cho nhanh".

Thay phiên nhau nghỉ ngơi để làm cho hết việc mới thôi (Ảnh HCDC)

Thay phiên nhau nghỉ ngơi để làm cho hết việc mới thôi (Ảnh HCDC)

 Niềm vui nơi tuyến đầu chống dịch

Theo Bác sĩ Lê Hồng Nga - Trưởng khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), so với những đợt trước, đợt dịch này có điểm khác, đó là chiến lược “xét nghiệm thần tốc”. Đây là chiến lược lần đầu tiên TP áp dụng mạnh mẽ, chủ động hơn, khác hẳn với chiến lược đơn thuần là lần theo F0, F1, F2 như truyền thống. Xét nghiệm được thực hiện mở rộng cho nhóm F2, lấy mẫu rộng các hộ gia đình xung quanh các địa điểm liên quan đến bệnh nhân với 35 địa điểm được phong toả.

Để thực hiện được chiến lược đó phải huy động một số lực lượng rất lớn, nhiều bộ phận khác nhau của ngành y tế, từ người đi lấy mẫu, điều tra truy vết, các bệnh viện cũng vào cuộc. Nhân viên ở các phòng xét nghiệm được huy động tối đa, phòng nhận bệnh phẩm luôn mở cửa để nhận mẫu các nơi đưa về. Tất cả các nhân viên đều đồng lòng chống dịch, dù đã làm ngày nhưng đều nằm trong danh sách trực đêm, không ai than phiền mệt mỏi, tập trung làm việc tối đa để nhanh chóng dập dịch: "Truy vết ở đây không chỉ là gặp để hỏi mà khi gặp người tạm gọi là F0, F1 hỏi thông tin mà còn phải điều tra, đánh giá nguy cơ để quyết định các “mốc dịch tễ” để tiếp tục xử lý như thế nào? Sau khi ghi nhận được “mốc dịch tễ” thì sẽ lập danh sách các mốc dịch tễ đó để tiếp tục đi truy tiếp những người tiếp xúc đó họ đã đi tiếp xúc những ai".

Thay phiên nhau nghỉ ngơi để làm cho hết việc mới thôi (Ảnh HCDC)

Thay phiên nhau nghỉ ngơi để làm cho hết việc mới thôi (Ảnh HCDC)

Chỉ riêng trong 1 tuần trước và sau Tết, TP.HCM lấy mẫu toàn bộ hộ gia đình của các nhân viên Công ty phục vụ mặt đất (VIAGS) với hơn 5.400 mẫu xét nghiệm, thực hiện xét nghiệm cho 1.570 trường hợp F1, 1.376 trường hợp F2, 9.864 mẫu tại các địa điểm liên quan đến bệnh nhân…. Ngay sau Tết, các nhân viên y tế lại có mặt ở những nơi có nguy cơ cao, khu nhà trọ, nơi lưu trú của công nhân, các bến xe, chợ đầu mối lớn, chợ truyền thống…

Mặc dù không có một ngày nghỉ tết thế nhưng với Bác sĩ Đỗ Thị Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Quận 1, niềm hạnh phúc của bà là tin nhắn của người dân khu Mả Lạng, phường Nguyễn Cư Trinh gửi đến cảm ơn các y bác sĩ, cảm ơn chính quyền địa phương vì những nỗ lực dập dịch. Trước đó, khi khu Mả Lạng với khoảng 2000 hộ dân bị phong tỏa, Bác sĩ Tân đã trăn trở rằng phải lấy mẫu xét nghiệm thật nhanh, sớm có kết quả để xoa dịu nỗi âu lo, thấp thỏm của cư dân. Cùng với sự tăng cường của nhiều đơn vị trong ngành y TP, việc lấy mẫu xét nghiệm đã được thực hiện một cách “thần tốc”. Đến Mùng 4 Tết, 2 con hẻm đã được gỡ phong tỏa: "Hạnh phúc nhất trong đợt dịch vừa qua mà phong tỏa khu Mả Lạng là ngày mà người dân được giải tỏa. Cảm thấy  người dân hạnh phúc nhất khi khu của mình không còn dịch nữa, trong những ngày đó vẫn còn không khí vui xuân, họ đã ăn mừng và kéo cờ".  

Đã hơn 2 tuần TP HCM không phát hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng, nhưng các chiến sĩ tuyến đầu vẫn tiếp tục hành trình lấy mẫu giám sát trong cộng đồng. Những bước chân rong ruổi trong bộ đồ bảo hộ kín mít, nóng bức vẫn lặng lẽ mỗi ngày đến những khu vực có nguy cơ cao như: nhà ga, bến tàu... để làm nhiệm vụ với một quyết tâm cao là phải nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch Covid-19./.  


Kim Dung/VOV.VN

https://vov.vn/xa-hoi/truy-vet-xet-nghiem-than-toc-nhung-buoc-chan-khong-moi-839661.vov

  • Từ khóa