Sự hy sinh thầm lặng

Thứ 7, 27.03.2021 | 15:59:35
493 lượt xem

LSTV - Mặc dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng những đau thương, mất mát hẳn vẫn còn theo bám đối với những gia đình chính sách, thương binh liệt sỹ. Trên thực tế vết thương nào rồi cũng sẽ được hàn gắn, nhưng vết thương không màu, không mùi, không vị thì chí có những người là nạn nhân chất độc da cam mới thấu hiểu. Lúc trái gió, trở trời toàn thân đau nhức, lúc đó chính người vợ, người mẹ của họ lại là người cảm thương, chia sẻ nỗi đau với các nạn nhân da cam nhiều hơn bao giờ hết.

Công việc thường ngày của bà Chu Thị Bích, 73 tuổi ở Khối 9, Thị trấn Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn có chồng là CCB, nạn nhân chất độc da cam dioxin đã chết từ năm 2010, để lại cho bà hai đứa con bị nhiễm chất độc hóa học từ người cha sang là cháu Chu Văn Hưởng sinh năm 1979 và cháu Chu Thị Hằng sinh năm 1986. Bản thân cháu Hằng bị thiểu năng trí tuệ, mắt mù lòa, chân yếu, kèm theo một số bệnh mãn tính như thận, do bản thân thường xuyên bị các cơn đau do chất độc da cam hành hạ, mất khả năng lao động cũng như khả năng kiểm soát bản thân vì vậy hằng ngày bà Chu Thị Bích phải chăm sóc các con từ A đến Z. 

Bà Bích cho biết: Một mình tôi già rồi vẫn phải chăm sóc 2 đứa con bị nhiễm chất độc da cam, có lớn mà chẳng có khôn. Khổ lắm có lúc đi làm ruộng, làm vườn về còn phục vụ các con từng tý một. Hàng ngày tôi phải phục vụ  từ cái ăn, cái mặc, rồi việc vệ sinh cá nhân tự chúng nó cũng không biết làm. Đến bữa ăn bát cơm xới ra cũng phải lấy vào tận tay chúng nó. Nói đúng là tủi thân lắm, nhưng tôi cũng thấy quen rồi. Con mình mình không chăm thì ai chăm cho.

Bà Chu Thị Bích chăm con gái bị nhiễm chất da cam

Cảm phục trước sự hy sinh thầm lặng của những người phụ nữ vì nạn nhân chất độc da cam, chúng tôi còn tìm đến gia đình Bà La Thị Thắng, thôn Pò Mục, Thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình. Trò chuyện với chúng tôi bà Thắng cho biết: Theo tiếng gọi của tình yêu, bà xây dựng gia đình với ông Chu Văn Sư, người cùng quê, sinh 1953; nhập ngũ năm 1971 chiến đấu tại chiến trường Tỉnh Quảng Bình, Quảng trị, Quảng Nam. Trong quá trình tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ông Sư đã bị nhiễm chất độc da cam, năm 1974 ông về phục viên tại địa phương. Vợ chồng ông bà đã lần lượt sinh được 3 người con, trong đó có cháu Chu Văn Hợp sinh năm 1983 bị dị tật nặng nhất, bị thiểu năng trí tuệ, câm điếc không tự phục vụ bản thân. Mặc dù bị bệnh đau nhức xương khớp nhưng hàng ngày vẫn phải đi làm kiếm cái ăn cho gia đình.

Gác lại ước mơ là có một người chồng khỏe mạnh, lành lặn, một bờ vai vững chắc để nương tựa cuộc đời như bao người phụ nữ khác, và cũng là thực hiện lời ước hẹn của người cha đã khuất núi với đồng đội của mình thuở còn tham gia chiến trường, Chị Vy Thị Hạnh đã xây dựng gia đình với anh Hà Văn Lâm, sinh năm 1972 cũng là 1 trong những người con bị nhiễm chất độc da cam của gia đình ông bà Bà Nông Thị Ọt, sinh năm 1942 và Ông Hà Văn Thống, sinh 1943 ở Thôn Bản Rị, xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình là nạn nhân chất độc da cam. Chị Hạnh cho biết: do ảnh hưởng của chất độc da cam mà chồng chị cũng không biết làm gì, hàng ngày chị phải  lao động kiếm tiền để nuôi chồng, nuôi  con ăn học, chữa bệnh.

Cũng giống như bà Bích, bà Thắng, Chị Hạnh, bà Lê Thị Thu ở Thôn Rọ Phải, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn năm nay cũng đã gần 70 tuổi, trong đó có hơn nửa đời mình bà dành cho việc chăm sóc cho chồng, con bị nhiễm chất độc da cam dioxin. Bà cho biết: tôi xây dựng gia đình với chống tôi cũng là nạn nhân chất độc da cam dioxin, vợ chồng tôi sinh ra những đứa con đứa không được bình thường, bị bại não, không nhận thức được thế giới xung quanh, thậm chí còn không hợp tác với bố mẹ trong việc chăm sóc bản thân. Mặc dù năm nay các cháu đã ngoài 20 tuổi rồi nhưng hàng ngày tôi vẫn phải phục vụ các con từ cái ăn, cái mặc… 

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau da cam thì mãi còn đó, và những người vợ, người mẹ nạn nhân chất độc da cam luôn sẵn sàng gác lại ước mơ cao đẹp thời trẻ của mình để đối diện với thực tại; luôn làm tròn thiên chức của mình, vui với tổ ấm gia đình và cũng là những người vợ thủy chung son sắt, luôn bên chồng, hiểu chồng, sẵn sàng chia sẻ nỗi đau bệnh tật với chồng, với con trong cuộc sống, chăm chút cho chồng, cho con từng bữa ăn, giấc ngủ. Cảm phục trước những hy sinh của những người vợ, người mẹ đã hết lòng tận tình chăm sóc các nạn nhân chất độc da cam dioxin, ông Hoàng Văn Binh, Khối 10, Thị trấn cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn bộc bạch: bản thân tôi bị nhiễm chất độc hóa học, toàn thân đau nhức, chân teo không đi lại được, đã thế con trai tôi sinh ra cũng thiệt thòi, không có đôi bàn tay, nhưng vợ tôi là một người rất chăm lo cho tôi, lúc nào bà ấy cũng xoa bóp chân, tay cho tôi. Tôi nghĩ người vợ rất yêu chồng, yêu gia đình thì mới chăm lo được như vậy. Suốt đời này tôi luôn mang ơn vợ tôi.

Ông Hoàng Văn Binh rất tự hào khi nói về người vợ của mình luôn tần tảo chăm sóc chồng con chu đáo

Thực tế chứng minh trong khó khăn, hoạn nạn của cuộc sống, chẳng có ai để nương tựa, chẳng có ai quan tâm, cũng chẳng có ai tận tình, tận lực với người chồng, người con là nạn nhân chất độc da cam dioxin bằng những người vợ, người mẹ của họ, bởi họ luôn thấu hiểu rằng những nạn nhân da cam là người cùng khổ trong những người cùng khổ. Để kịp thời động viên những người vợ, người mẹ đã hy sinh cả tuổi xuân và cuộc đời mình để chăm sóc các  nạn nhân da cam, từ năm 2014 đến nay, Hội nạn nhân chất độc da cam dioxin tỉnh Lạng Sơn đã thẩm định hồ sơ, đề nghị Trung ương Hội, Ủy ban nhân tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tặng bằng khen, bằng vinh danh cho 66 tập thể, cá nhân đã luôn đồng hành cùng Hội “ xoa dịu nỗi đau da cam”, và 93 bằng vinh danh cho các  bà là vợ, là mẹ tiêu biểu, nuôi dưỡng từ 02, 03,04 nạn nhân chất độc da cam. Sự hy sinh thầm lặng của những người phụ nữ vì nạn nhân chất độc da cam dioxin thật đáng trân quý, mang đậm tính nhân văn và lòng nhân hậu của người phụ nữ Việt Nam.

Ông Hà Văn Thanh: Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam dioxin tỉnh Lạng Sơn cho biết: trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức vinh danh những tấm lòng nhân hậu. Động viên những người vợ, người mẹ, người bà trực tiếp chăm sóc từ 2 nạn nhân da cam trở lên. Và chúng tôi cũng tiếp tục đề nghị Trung ương Hội nạn nhân chất độc da cam Dioxin Việt Nam và UBND tỉnh khen thưởng những tấm lòng nhân hậu đã có nhiều công sức đóng góp và chung tay xoa dịu nỗi đau da cam./.


Thanh Huệ - Như Trang

  • Từ khóa