Nghệ nhân tâm huyết lưu giữ các giá trị văn hóa dân tộc Cao Lan

Thứ 3, 06.04.2021 | 14:44:51
1,105 lượt xem

Đó là nghệ nhân Ninh Xuân Nhật, sinh năm 1951, dân tộc Cao Lan, ở thôn Minh Tiến, xã Thiện Tân, huyện Hữu Lũng. Với hơn 41 năm tâm huyết sưu tầm, học hỏi, ông là nghệ nhân tiêu biểu trong tỉnh nắm giữ nhiều tri thức văn hóa của dân tộc Cao Lan.

Chúng tôi có dịp đến thăm nghệ nhân Ninh Xuân Nhật vào một ngày cuối tháng 3/2021. Trong trang phục truyền thống của người Cao Lan, tiếp chuyện chúng tôi, ông Nhật kể về văn hóa dân tộc với giọng hào sảng, đôi mắt ánh lên vẻ tự hào. Ông Nhật chia sẻ: Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê giàu bản sắc văn hóa truyền thống, tôi đã được đắm mình trong những câu hát ru của bà, của mẹ, được tham dự các buổi biểu diễn sình ca… Đặc biệt, có lần tôi được nghe kể về nghi lễ “gửi đất” (đây là nghi lễ quan trọng trong đám tang của người Cao Lan) cùng những giá trị nhân văn của nó nên tôi đã bị thu hút và mong muốn tìm hiểu. Do vậy, sau này với lòng đam mê sẵn có, tôi đã quyết tâm tìm hiểu, học hỏi để lưu truyền lại cho thế hệ mai sau.

Nghệ nhân Ninh Xuân Nhật nghiên cứu sách cổ ghi chép về phong tục, tập quán của người Cao Lan

Theo đó, trong khoảng những năm 1980 đến năm 1986, ông rong ruổi trên khắp các bản làng Cao Lan, tìm gặp và theo học với nghệ nhân nắm giữ tri thức nghi lễ “gửi đất” tại huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang và huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn. Sau khi học và nắm giữ cơ bản tri thức của nghi lễ này, ông đã thường xuyên tham gia thực hành các nghi lễ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn và các tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Giang; lưu giữ 11 quyển (chữ Hán Nôm) ghi lại toàn bộ quá trình, nội dung nghi lễ “gửi đất” từ khi bắt đầu đến khi kết thúc. Đặc biệt, ông Nhật còn tích cực truyền dạy tri thức nghi lễ “gửi đất” cho học trò. Từ năm 1994 đến nay, ông đã truyền dạy cho 6 học trò.

Song song với đó, để góp phần lưu giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Cao Lan, ông sưu tầm, tổng hợp, ghi chép lại các làn điệu dân ca truyền thống, các bài hát Sình Ca, hát đối và các vật dụng, đồ dùng sinh hoạt của dân tộc Cao Lan để lưu giữ lại cho thế hệ sau; tham gia trình diễn các phong tục, tập quán, các làn điệu dân ca cổ truyền của dân tộc trong các ngày lễ, tết, các hội thi, hội diễn, kỳ liên hoan cấp cơ sở… và đã đạt được nhiều kết quả. Tiêu biểu như: huy chương bạc về hát ru dân ca năm 1998 tại cuộc thi Tiếng hát người nông dân cấp tỉnh do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức; giấy khen của UBND huyện Hữu Lũng vì có thành tích đạt giải A với bài hát ca ngợi quê hương bằng tiếng Cao Lan năm 2003 tại Liên hoan dân ca cấp huyện…

  Ngoài ra, ông còn thường xuyên cung cấp thông tin, tư liệu liên quan đến bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trung ương, địa phương, Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hữu Lũng, góp phần làm rõ giá trị và quảng bá rộng rãi đến đông đảo Nhân dân về văn hóa Cao Lan.

Ông Khổng Hồng Minh, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hữu Lũng cho biết: Trong nhiều năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Cao Lan có sự đóng góp không nhỏ của nghệ nhân Ninh Xuân Nhật. Bằng tấm lòng nhiệt huyết đam mê của mình, ông đã dày công học hỏi, ghi chép, sưu tầm các tri thức văn hóa đặc sắc của dân tộc Cao Lan, giúp việc kiểm kê, bảo tồn di sản của huyện rất thuận lợi. Hiện tại, ông là nghệ nhân ưu tú duy nhất có tri thức, hiểu biết rõ nét về phong tục tập quán, dân ca dân vũ… của đồng bào Cao Lan.

 Với đóng góp của mình, năm 2015, ông Ninh Xuân Nhật vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú ở loại hình “tập quán xã hội và tín ngưỡng” vì đã có cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.


HOÀNG HIẾU/baolangson.vn

https://baolangson.vn/van-hoa/413727-nghe-nhan-tam-huyet-luu-giu-cac-gia-tri-van-hoa-dan-toc-cao-lan.html


  • Từ khóa