Giữ lửa” hậu phương cho tuyến đầu chống dịch

Thứ 6, 11.06.2021 | 08:42:06
434 lượt xem

Cùng với sự quyết tâm, can đảm của những chiến sỹ tuyến đầu chống dịch, những người ở hậu phương đã thầm lặng chia sẻ, hy sinh, giữ lửa cho mái ấm của mỗi gia đình.

Hiện nay, huyện Hữu Lũng có nhiều ca mắc Covid-19 nhất trên địa bàn tỉnh. Do đó, cán bộ, y, bác sỹ ở đây đang ngày đêm nỗ lực, gồng mình chống dịch bệnh.

Gần một tháng nay, hằng ngày, hai con của chị Ngô Thị Hường, Điều dưỡng trưởng, Khoa Y học cổ truyền, Trung tâm Y tế huyện Hữu Lũng phải tự trông nhau do mẹ bận làm việc tại chốt kiểm dịch y tế, bố mất vì bệnh tật, ông bà nội, ngoại già yếu, ở xa. Cháu Giáp Thùy Linh, con gái lớn của chị Hường cho biết: Năm nay, cháu 13 tuổi, em trai cháu 8 tuổi. Đang dịch bệnh nên mẹ cháu rất bận, ít được về nhà. Hằng ngày, cháu với em cùng học bài, chơi đồ chơi, cháu nấu cơm, cho em ăn, tắm cho em. Chúng cháu rất thương mẹ, mong nhanh hết dịch để mẹ được tranh thủ nghỉ ở nhà với hai chị em.

Chị Lành Thị Quyên, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn hướng dẫn con học bài khi bố vắng nhà

Chị Hường cho biết: Gia đình hoàn cảnh không có người trông nom các cháu, tôi nhờ chị gái, các bác hàng xóm thi thoảng mua đồ ăn, chăm nom các cháu. Hai con của tôi biết sự vất vả của mẹ nên ở nhà tự chơi rất ngoan, hay nhắn tin, gọi điện động viên tôi. Đây là nguồn cổ vũ to lớn, giúp tôi có động lực hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Anh Triệu Văn Quân, thành viên Đội Phản ứng nhanh thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã gần 20 ngày nay không về nhà. Hằng ngày, chỉ có thể nói chuyện với cậu con trai 3 tuổi qua điện thoại. Ông Lành Văn Phay, bố vợ của anh Quân (phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn) cho biết: Cứ có dịch là con rể tôi rất bận. Con gái tôi công tác tại huyện Tràng Định, cuối tuần mới về, do đó vợ chồng tôi hằng ngày chăm sóc cháu. Chúng tôi không thấy vất vả, chỉ thương con đi làm nguy hiểm, không được gần con cái. Chúng tôi luôn cố gắng chăm sóc, dạy bảo cháu thật tốt để các con yên tâm làm việc.

Trên đây chỉ là một vài ví dụ về “hậu phương” của cán bộ ngành y tế đang tham gia phòng, chống dịch bệnh. Bà Phạm Thị Nhàn, Chủ tịch Công đoàn ngành y tế cho biết: Hiện nay, toàn ngành có gần 2.500/4.000 cán bộ, y, bác sỹ, người lao động trực tiếp tham gia phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Mỗi người có hoàn cảnh riêng nhưng tất cả đều vì nhiệm vụ chung, sắp xếp công việc gia đình để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vì sức khỏe của cộng đồng. Chúng tôi thường xuyên quan tâm, chăm lo đời sống của đoàn viên, người lao động.

Từ đầu tháng 5/2021 đến nay, Công đoàn ngành đã tiếp nhận và hỗ trợ trên 100 triệu đồng để tặng quà cho cán bộ, y, bác sỹ tham gia chống dịch. Dịp 1/6 vừa qua, công đoàn ngành đã tặng 100 phần quà cho các cháu là con công nhân, viên chức, lao động làm công tác phòng, chống dịch, mỗi suất trị giá 300 nghìn đồng.

Không riêng ngành y tế, các chiến sỹ lực lượng vũ trang cũng phải tham gia tuyến đầu chống dịch như: bảo vệ biên giới, hỗ trợ khu cách ly, truy vết, khoanh vùng các trường hợp liên quan đến ca mắc Covid-19… Điển hình là lực lượng biên phòng, ngày đêm căng mình nơi biên giới tuần tra, kiểm soát các đường mòn, lối mở, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép, góp phần quan trọng trong phòng, chống dịch Covid-19. Theo thống kê của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có 156 lán, chốt cố định, tổ cơ động; 17 chốt kiểm soát ra vào khu vực biên giới với hơn 500 cán bộ, chiến sỹ biên phòng làm nhiệm vụ.

Để tuyến đầu yên tâm chống dịch, những người vợ ở hậu phương của cán bộ, chiến sỹ bộ đội biên phòng luôn hy sinh, cảm thông cho chồng. Chị Lành Thị Quyên, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn, vợ của Đại úy Mã Thế Điệp, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Bản Chắt, Đồn Biên phòng Chi Lăng cho biết: Chồng tôi rất hiếm khi được về nhà, nhất là khi dịch bệnh căng thẳng như hiện nay. Tôi đang mang bầu đứa con thứ hai, cháu lớn được 8 tuổi, một mình chăm con, lo cho gia đình nên rất vất vả. Vượt qua khó khăn, tôi luôn cố gắng sắp xếp công việc của bản thân, chăm lo vun vén gia đình con cái, nội, ngoại hai bên để chồng yên tâm công tác.

Còn nhiều những gia đình, những câu chuyện về hậu phương của “chiến sỹ” tuyến đầu chống dịch không thể kể hết. Tuy không có những số liệu thống kê cụ thể, nhưng mỗi hậu phương đều là điểm tựa vững chắc, cổ vũ tinh thần to lớn để mỗi “chiến sỹ” vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ chung tay đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.


DƯƠNG DUYÊN/BAOLANGSON.VN

https://baolangson.vn/xa-hoi/phong-chong-dich-benh-viem-duong-ho-hap-cap/427814-giu-lua-hau-phuong-cho-tuyen-dau-chong-dich.html

  • Từ khóa