Siết chặt quy định giao xe cho học viên tự lái

Chủ nhật, 30.10.2022 | 09:36:06
585 lượt xem

Thời gian qua, xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông chết người do học viên tập lái ô-tô điều khiển phương tiện trên đường không có sự quản lý, hướng dẫn sâu sát của thầy dạy lái, khiến người tham gia giao thông cảm thấy bức xúc và bất an.

Học viên học thực hành lái xe tại một trung tâm đào tạo sát hạch lái xe. (Ảnh minh họa: Việt Hùng/Vietnam+)

Xe tập lái liên tiếp gây tai nạn

Khoảng 12 giờ 20 phút ngày 3/8 vừa qua, trên quốc lộ 56 đoạn qua ấp Bắc 2, xã Hòa Long, thành phố Bà Rịa (Bà Rịa-Vũng Tàu), xe ô-tô tập lái biển kiểm soát 72C-166.91 của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và sát hạch lái xe Đặng Lâm (trụ sở tại thành phố Bà Rịa) trong lúc đang quay đầu chuyển hướng đi vào thành phố Bà Rịa đã xảy ra va chạm với xe ba gác chở cây gỗ đi hướng ngược lại.

Vụ va chạm khiến phụ xe đi cùng bị ngã ra khỏi xe chết tại chỗ, còn người lái xe ba gác bị thương ở tay, được hỗ trợ đưa đi bệnh viện. Tại hiện trường, xe ba gác lao xuống ruộng, cây gỗ vung vãi hai bên vệ đường, xe ô-tô tập lái bị vỡ kính chắn gió trước đầu xe. Sau khi tai nạn xảy ra, những người đi trên xe ô-tô tập lái nhanh chóng rời khỏi hiện trường.

Khoảng 17 giờ ngày 11/8, tại xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu (Nam Định), ô-tô tập lái bốn chỗ biển kiểm soát 18A-005.40 đâm vào xe đạp của hai cháu bé đi phía trước, khiến hai cháu ngã ra đường. Tuy nhiên, xe ô-tô không dừng lại mà vẫn tiếp tục di chuyển, khiến cháu bé ba tuổi bị chết, còn cháu lớn kịp chạy lên vỉa hè thoát nạn.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hải Thanh Vũ Thế Mạnh, chiếc xe gây tai nạn của trường trung cấp nghề đóng trên địa bàn phường Lộc Hạ (thành phố Nam Định). Học viên cầm lái là Lê Thị Dung (32 tuổi, trú tại xã Hải Vân, huyện Hải Hậu), còn ông Đinh Công Thành (59 tuổi, trú tại xã Hải Hưng, huyện Hải Hậu) là thầy dạy lái xe, nhưng thời điểm gây tai nạn, ông Thành không có trong xe mà giao cho chị Dung điều khiển, còn ông thì ra phía ngoài uống nước.

Công an huyện Hải Hậu đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Thị Dung về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo Điều 260 Bộ luật Hình sự và Đinh Công Thành về tội “Giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo Điều 264 Bộ luật Hình sự.

Khoảng 14 giờ 30 phút ngày 15/9, tại Km449+200 đường Hồ Chí Minh, thuộc địa phận thôn Thạch Quyền, xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, ô-tô tải dành cho học viên tập lái biển kiểm soát 28C-062.35 do học viên tập lái Bùi Anh Điệp (SN 1986, trú tại xã Thung Nai, huyện Cao Phong, Hòa Bình) điều khiển, trên xe có giáo viên dạy lái xe Đào Duy Thuận (SN 1975, trú tại xã Ngọc Mỹ, huyện Tân Lạc, Hòa Bình) đã va chạm với xe máy điện do em Trịnh Bảo Ng. (SN 2011, trú tại Chợ Bến, xã Thanh Cao, huyện Lương Sơn, Hòa Bình) điều khiển đi cùng chiều, đang chuyển hướng sang đường. Hậu quả, em Ng. bị thương nặng, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nam Lương Sơn, sau đó chết tại bệnh viện.

Siết chặt việc giao xe cho học viên tập lái

Trên thực tế, nhiều học viên lái xe sau một thời gian ngắn thực hành cơ bản, làm quen với hộp số và vô lăng đã tự mình cầm lái, do yên tâm đã có giáo viên hướng dẫn ngồi ghế bên có bố trí phanh phụ. Chị Bùi Ngọc Hân (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, buổi đầu tập lái của chị, thầy dạy lái đưa các học viên khác ra bãi đất trống ở Mỹ Đình, hướng dẫn các thao tác cơ bản (chân ga, chân phanh...), sau đó thầy cho học viên tự điều khiển xe đi trong khu vực này.

Các học viên đều có tâm lý háo hức muốn tự mình điều khiển xe, nhưng khi ra đường đông đúc người đi lại, chỉ cần sơ sẩy một chút, không xử lý tình huống kịp thời là có thể gây tai nạn. “Bây giờ nghĩ lại quá trình học lái xe, tôi vẫn thấy mình quá chủ quan, không lường hết được nguy hiểm tiềm ẩn khi vừa mới làm quen xe đã tự mình cầm lái đi trên đường”, chị Hân kể lại.

Về nguyên tắc, phương tiện dành cho học viên tập lái chỉ được phép đi trên những tuyến đường ghi trên giấy phép xe tập lái do Sở Giao thông vận tải cấp với thời gian bằng chu kỳ đăng kiểm của xe. Luật Giao thông đường bộ quy định, người tập lái xe ô-tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái.

Các giáo viên và học viên cần nâng cao ý thức và trách nhiệm bản thân khi hướng dẫn, học và lái xe trên đường trường. Học viên (chưa có bằng lái xe) tự ý điều khiển phương tiện, giáo viên bị vi phạm vì giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển; còn học viên đương nhiên cũng vi phạm khi tự ý điều khiển ô-tô khi chưa được cấp giấy phép lái xe.

“Pháp luật quy định xe ô-tô là nguồn nguy hiểm cao độ, người điều khiển xe ô-tô phải có giấy phép lái xe phù hợp. Học viên đang học lái xe ô-tô là người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là xe ô-tô. Nếu giáo viên để học viên tự lái xe tham gia giao thông và gây tai nạn nghiêm trọng thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự”, một luật sư cho hay.

Trước tình trạng các học viên tập lái liên tiếp gây ra các vụ tai nạn, Cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản yêu cầu Sở Giao thông vận tải các địa phương tăng cường quản lý việc đào tạo, thực hành lái xe.

Theo đó, chỉ đạo các cơ sở đào tạo lái xe quản lý chặt chẽ giáo viên cũng như xe tập lái, chỉ sử dụng các giáo viên và phương tiện đủ điều kiện giảng dạy. Bên cạnh đó, kiểm tra tính chính xác thông tin về giáo viên, xe tập lái đã khai báo trên phần mềm quản lý, bảo đảm đúng giáo viên, xe tập lái được phân công.

Đồng thời, rà soát việc cấp phép tuyến đường tập lái cho các cơ sở đào tạo lái xe, bảo đảm tuyến đường tập lái phù hợp các yêu cầu của nội dung đào tạo, giao thông thực tế trên tuyến, tránh xảy ra nguy cơ mất an toàn giao thông. Cơ sở đào tạo lái xe chỉ được phép cho học viên đi trên tuyến đường tập lái đã được cấp phép, nghiêm cấm các trường hợp chủ quan, giao phương tiện để học viên tự học mà không có giáo viên bảo trợ tay lái hoặc đào tạo trên các phương tiện không bảo đảm điều kiện theo quy định.

Các Sở Giao thông vận tải khai thác dữ liệu trên phần mềm hệ thống thông tin của cơ sở đào tạo để giám sát lộ trình đào tạo thực hành lái xe của giáo viên và các thông tin liên quan theo đúng kế hoạch giảng dạy. Ngoài ra, có trách nhiệm phối hợp chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát các sân tập lái tự phát, xử lý các trường hợp đào tạo thực hành lái xe sai quy định. Trường hợp người đào tạo không phải là giáo viên của cơ sở đào tạo, người điều khiển phương tiện chưa có giấy phép lái xe, cần báo chính quyền địa phương, cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.


LƯƠNG TUẤN HÙNG/nhandan.vn

https://nhandan.vn/siet-chat-quy-dinh-giao-xe-cho-hoc-vien-tu-lai-post722361.html

  • Từ khóa