Tuyên truyền giáo dục truyền thống qua bài thơ “Nhắn bạn”

Thứ 6, 04.11.2022 | 14:25:33
1,232 lượt xem

Bài thơ “Nhắn bạn” được đồng chí Hoàng Văn Thụ, người chiến sĩ Cộng sản kiên trung viết trong nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội tháng 5/1944 trước khi bị địch đưa ra pháp trường. Bài thơ với những câu tràn đầy dũng khí: Việc nước xưa nay có bại thành/Miễn sao giữ trọn được thanh danh/Phục thù chí lớn không hề nản/Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành/Thân dẫu lao tù lâm cảnh hiểm/Chí còn theo dõi buổi tung hoành/Bạn hỡi gần xa hăng chiến đấu/Trước sau xin giữ tấm lòng thành. Đây là một trong những bài thơ cách mạng

Với ý nghĩa đặc biệt trên, nhằm phục vụ tốt công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho các tầng lớp Nhân dân, năm 1994, bài thơ được khắc vào bia đá đặt tại khuôn viên tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ đúng dịp kỷ niệm 85 năm ngày sinh đồng chí.

Cô trò Trường Tiểu học Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn tìm hiểu về bài thơ “Nhắn bạn” tại Khuôn viên tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ

Chị Lương Thuý Hồng, hướng dẫn viên Bảo tàng tỉnh cho biết: Hằng năm, nhân dịp kỷ niệm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ (ngày 4-11), có rất nhiều đoàn du khách, học sinh đến bảo tàng tham quan và đến khuôn viên tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ để dâng hương, tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp, cũng như những cống hiến của đồng chí cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Riêng từ tháng 10/2022 đến nay, Bảo tàng tỉnh đã tiếp đón 15 đoàn, với gần 2.500 lượt người đến tham quan, tìm hiểu, trong đó, phần lớn là các đoàn học sinh của các trường học trên địa bàn tỉnh. Tiếp đón các đoàn, chúng tôi giới thiệu về tư liệu, hiện vật và các tài liệu liên quan đến đồng chí Hoàng Văn Thụ, trong đó có bài thơ “Nhắn bạn”.

Không chỉ được giới thiệu ở các địa điểm trên, nhiều năm nay, bài thơ “Nhắn bạn” cũng nằm trong chương trình giáo dục địa phương, được các trường học, giáo viên bộ môn quan tâm giảng dạy. Cô Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THPT Văn Lãng, huyện Văn Lãng cho biết: Hằng năm, nhân dịp kỷ niệm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ, nhà trường đều tổ chức các hoạt động hướng về “địa chỉ đỏ” như: Bảo tàng tỉnh, khuôn viên tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ, nhà lưu niệm, nhằm tuyên truyền giáo dục truyền thống cho các em. Bên cạnh đó, trong các tiết học ở các khối, chúng tôi đều tích hợp, giảng giải cặn kẽ nội dung bài thơ “Nhắn bạn” cho các em học sinh. Trong kỳ thi giữa kỳ môn Ngữ văn của các khối, nhà trường xây dựng dữ liệu đề thi, trong đó có dữ liệu về bài thơ này. Qua đó, nhằm giúp các em hiểu, khơi dậy niềm tự hào, lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tháng 8/1943, đồng chí Hoàng Văn Thụ bị mật thám Pháp bắt tại ngõ Nam Diệm, khu Tám Mái (Hà Nội) và sau đó đưa vào giam tại nhà tù Hoả Lò. Chúng đã dùng nhiều thủ đoạn xảo quyệt, dã man, từ mua chuộc, dụ dỗ đến tra tấn cực hình để ép khai cơ sở cách mạng song vẫn không khuất phục được ý chí, tinh thần cách mạng của đồng chí.

Tháng 12/1943, thực dân Pháp cho mở cái gọi là “Toà án đại hình” để xử tội đối với đồng chí. Nêu cao tinh thần tiến công cách mạng, đồng chí đã dùng phiên tòa làm nơi luận tội kẻ thù, tuyên truyền đường lối cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng, kêu gọi các đồng chí của mình nuôi dưỡng tinh thần đấu tranh bền bỉ, tiêu diệt đế quốc, giải phóng đất nước. Không khuất phục nổi Hoàng Văn Thụ, thực dân Pháp đã tuyên án tử hình đồng chí. Tháng 5/1944, trước khi ra pháp trường, anh đã viết vào quạt giấy bài thơ “Nhắn bạn” để động viên khích lệ tinh thần chiến đấu của các đồng chí cách mạng.

Bài thơ thể hiện ý chí sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc, dù “ngọc nát” còn hơn “giữ ngói lành”, sự kiên trung đến giây phút cuối cùng của người chiến sĩ cách mạng Hoàng Văn Thụ. Cho đến hôm nay, nội dung bài thơ vẫn còn nguyên giá trị, nhắn nhủ chúng ta dù trong hoàn cảnh nào cũng phải kiên định mục tiêu, giữ bản lĩnh chính trị vững vàng để vượt qua mọi khó khăn, thử thách, cám dỗ, giữ gìn phẩm chất đạo đức và tin tưởng vào ngày mai tất thắng.


HOÀNG HUẤN/baolangson.vn

https://baolangson.vn/xa-hoi/538339-tuyen-truyen-giao-duc-truyen-thong-qua-bai-tho-nhan-ban.html

  • Từ khóa