Tinh thần, trách nhiệm của Phật giáo trong bảo đảm an sinh xã hội

Chủ nhật, 12.02.2023 | 10:08:08
684 lượt xem

Công cuộc đổi mới đất nước đã đem lại nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế và xã hội, tạo điều kiện để củng cố và hoàn thiện chính sách an sinh xã hội.

Thượng tọa Thích Thanh Phong, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Kinh tế-Tài chính Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trao quà “Xuân yêu thương 2023” tại Lào Cai và Lai Châu. (Ảnh LÂM HUY)


An sinh xã hội là chương trình do Nhà nước và các lực lượng xã hội thực hiện nhằm bảo đảm cho mọi người dân ít nhất có được mức tối thiểu về thu nhập, có cơ hội tiếp cận ở mức tối thiểu về các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu, như giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin,...

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, đồng hành với nhân dân cả nước trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, tinh thần và truyền thống đó của Giáo hội Phật giáo tiếp tục được thể hiện trong sự nghiệp đổi mới, từng bước phát triển trên các lĩnh vực, nổi bật nhất là kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.

Góp phần bảo đảm cuộc sống của người dân nghèo

Trong tinh thần hòa hợp đoàn kết-phụng đạo-yêu nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đề ra chương trình hoạt động phù hợp tâm tư, nguyện vọng của tăng, ni, phật tử Việt Nam. Trong nhiệm kỳ 2017-2022, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thực hiện hoạt động từ thiện với hơn 12 nghìn tỷ đồng. Những hoạt động này đều rất có ý nghĩa, tác động to lớn đến tinh thần của nhân dân, tạo thành những phong trào, thu hút nhiều người tham gia.

Cụ thể, Phật giáo tham gia trợ giúp xã hội nhằm hỗ trợ đột xuất và hỗ trợ thường xuyên cho người dân khắc phục các rủi ro khó lường như thiên tai, bão lụt, các rủi ro vượt qua khả năng kiểm soát như mất mùa, đói nghèo.

Đối với hoạt động trợ giúp đột xuất, Phật giáo tập trung vào các hoạt động cứu trợ đồng bào nghèo vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc; thăm và tặng quà cho bệnh nhân trại phong, trại tâm thần, nhà dưỡng lão, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam; tặng xe đạp cho học sinh nghèo; tổ chức bếp ăn từ thiện, nồi cháo tình thương cho bệnh nhân nghèo,...

Trong thời gian qua, với vai trò và vị thế của mình trong nhân dân, Phật giáo cũng kêu gọi quyên góp kinh phí từ nguồn lực xã hội để thực hiện hoạt động này, cùng với Nhà nước góp phần ổn định đời sống người dân.

Giáo hội đề ra chủ trương, chính sách hoạt động, công tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó công tác phật sự đòi hỏi sự quyết tâm cao, tinh thần trách nhiệm từ những tăng, ni giữ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo mới có thể thực hiện tốt hoạt động phật sự, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trong hoạt động hội nhập quốc tế.

Giáo hội làm tốt công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong thực hiện hoạt động phật sự nói riêng và công tác giáo hội nói chung. Đây là một trong những công tác quan trọng. Thực hiện tốt mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Giáo hội Phật giáo là việc làm cần thiết để góp phần tập hợp, đoàn kết toàn dân trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, hướng đến giải quyết công ăn việc làm, giúp đỡ những đối tượng yếu thế, hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.

Các hoạt động phật sự của tăng, ni, phật tử ở các Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp cũng đặt dưới sự hoạch định kế hoạch, ấn định chương trình hoạt động, tổ chức triển khai thực hiện, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện theo kế hoạch thời gian của Hội đồng Trị sự.

Thực tế thực hiện trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong hoạt động phật sự trên các mặt hoạt động cho thấy rõ những kết quả đã đạt được cũng như những hạn chế, thiếu sót trong quá trình thực hiện.

Giáo hội còn mặt hạn chế khi một số chương trình hoạt động phật sự của Trung ương Giáo hội, Ban, Viện được đề ra nhưng chưa thực hiện được hoặc thực hiện chưa đạt kết quả cao như: việc thống kê tăng, ni, tự viện chưa đạt kết quả như kế hoạch, vấn nạn giả sư còn nhiều nan giải; chưa soạn thảo được giáo trình nghi lễ để giảng dạy chung tại các trường hạ và các trường Phật học...

Hoạt động của một số Ban Trị sự còn chưa đều và năng lực hành chính còn hạn chế, việc giải quyết các khiếu nại, kiến nghị của tăng, ni, phật tử tại một vài Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh, thành phố còn chưa thực sự tốt, chưa đạt được kết quả; một số tăng, ni đã vi phạm, thiếu chuẩn mực trong sinh hoạt đời sống làm ảnh hưởng đến đạo và hình ảnh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Tập trung giải quyết, khắc phục những vấn đề đặt ra

Mặc dù Phật giáo đã phát huy được vai trò, giá trị của mình trong công tác an sinh xã hội, song việc thực hiện công tác an sinh xã hội Phật giáo hiện nay còn gặp một số bất cập.

Trong đó, các hoạt động xã hội của Phật giáo rất đa dạng, phong phú nhưng hầu hết chỉ tập trung vào khía cạnh nhân đạo, từ thiện mà chưa chú ý đúng mức tới phương diện thực hiện chính sách an sinh xã hội khác. Tính kết nối hệ thống trong hoạt động xã hội từ thiện của Phật giáo chưa cao, các cơ sở Phật giáo địa phương thường thực hiện hoạt động mang tính nhỏ lẻ, tự phát.

Trình độ tổ chức của đội ngũ làm công tác bảo trợ xã hội còn hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp. Kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên, nhân viên trong một số cơ sở y tế, giáo dục, dạy nghề của Phật giáo còn hạn chế. Các cơ sở dạy nghề còn phân tán, nhỏ lẻ về quy mô, cơ sở vật chất, trang thiết bị nghèo nàn, vì vậy chỉ mới đào tạo được những nghề giản đơn.

Trong hoạt động bảo trợ, chưa huy động cao độ tiềm năng và các nguồn lực xã hội; đặc biệt còn lúng túng, vướng mắc trong các hoạt động bảo trợ có yếu tố nước ngoài tại một số cơ sở Phật giáo ở địa phương.

Tồn tại thực trạng trên, nguyên nhân chính là do: bản thân đời sống của tăng, ni Phật giáo còn gặp nhiều khó khăn; bên cạnh đó, do thiếu hiểu biết và thiếu sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền, đoàn thể địa phương, nên đã có thực trạng một số cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật bị lợi dụng, dẫn đến các hoạt động vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến uy tín của Phật giáo.

Các chính sách pháp luật về an sinh xã hội cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các tổ chức xã hội, trong đó có Phật giáo phát huy được hết vai trò của mình; cần chú trọng các quy định về tiếp nhận và sử dụng nguồn tài trợ từ nước ngoài vào hoạt động từ thiện, tránh hiện tượng các cơ sở Phật giáo lúng túng khi có nguồn tài trợ từ thiện từ nước ngoài.

Để Giáo hội Phật giáo thực hiện hoạt động phật sự đạt hiệu quả tốt, cần nâng cao trách nhiệm cá nhân của các thành viên Thường trực Hội đồng Trị sự, các cá nhân tăng, ni đứng đầu các Ban trực thuộc Giáo hội; tiếp tục tiến hành sơ kết, tổng kết các hoạt động phật sự, tiến hành thảo luận, thống nhất việc tu chỉnh Hiến chương và tấn phong giáo phẩm cùng nhiều chương trình phật sự khác.

Các cơ quan chức năng cần hoàn thiện cơ chế, chính sách về an sinh xã hội: tăng cường xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp về an sinh xã hội, nghiên cứu sửa đổi, những nội dung không còn phù hợp, điều khoản bất cập...; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách đã ban hành về an sinh xã hội và nghiên cứu tiếp tục ban hành mới nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện đồng bộ, nghiêm túc; xây dựng cơ chế phối hợp hoạt động an sinh xã hội giữa Phật giáo với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, có chính sách ưu đãi đối với cán bộ làm công tác tôn giáo ở cơ sở.


LÊ TRƯỞNG

https://nhandan.vn/tinh-than-trach-nhiem-cua-phat-giao-trong-bao-dam-an-sinh-xa-hoi-post738411.html

  • Từ khóa