Khi Gen Z làm sếp

Chủ nhật, 26.02.2023 | 15:13:52
698 lượt xem

Giữ vị trí cao trong công việc khi còn ít tuổi đời, tuổi nghề khiến nhiều bạn trẻ căng thẳng, nhưng đó cũng là cơ hội để bứt phá, tiến xa

Chỉ sau 3 năm làm việc tại Công ty CP Văn hóa Sách Sài Gòn (Saigon Books), anh Lê Văn Lập (26 tuổi) được cất nhắc làm phó phòng kinh doanh - cột mốc mới đòi hỏi trách nhiệm nặng nề và cũng đem lại trải nghiệm vô giá.

Bền bỉ vươn lên

Trước khi đạt chức vụ hiện tại, anh Lập từng làm cộng tác viên cho nhà sách: từ lau cửa kính, dắt xe cho khách, sắp xếp sách gọn gàng, ghi nhớ vị trí sách để lấy khi khách yêu cầu, rồi làm nhân viên bán hàng tại nhà sách và sàn thương mại điện tử. Mỗi giai đoạn đều có khó khăn và thuận lợi. Tuy vậy, cấp bậc quản lý rõ ràng cần nhiều bản lĩnh, chuyên môn vững vàng hơn.

Khi Gen Z làm sếp - Ảnh 1.

Anh Lê Văn Lập tin là người trẻ sẽ sớm thăng tiến trong sự nghiệp khi biết xác định đúng mục tiêu, chia nhỏ mục tiêu theo từng giai đoạn và nỗ lực hết sức. (Ảnh nhân vật cung cấp)

"Trong kế hoạch, tôi tự đặt ra trách nhiệm ở từng nhóm đối tượng khác nhau. Đối với công ty, luôn phải tìm cách đạt mục tiêu đề ra, đưa công ty phát triển. Với nhân sự cấp dưới, tôi trăn trở làm sao để họ có thu nhập tốt hơn, đồng thời giúp đội ngũ phát triển thêm kỹ năng mềm, gia tăng giá trị bản thân. Với đối tác, cần mang lại nhiều giá trị thực cho họ" - anh Lập nói và tự tin với vai trò, nhiệm vụ mới của bản thân.

Lê Ngọc Kỳ Duyên là sinh viên năm 4 song ngành Tâm lý học và Khoa học xã hội tại Trường Đại học Fulbright Việt Nam. Còn chưa tốt nghiệp nhưng Kỳ Duyên đã có chuỗi dài các hoạt động ấn tượng. Ngoài việc học, Kỳ Duyên đang là trợ lý dự án cấp cao, hỗ trợ dự án chuyển đổi số trong giáo dục của Google for Education tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương. Đặc biệt, cô gái 22 tuổi đang dẫn dắt dự án mang tên EM-IN, với sứ mệnh nâng cao năng lực cảm xúc xã hội cho trẻ em khắp nơi.

Khi Gen Z làm sếp - Ảnh 2.

Lê Ngọc Kỳ Duyên đồng sáng lập và từng là chủ tịch câu lạc bộ Tâm lý học tại trường Fulbright, thiết thực nâng cao sức khỏe tinh thần cho cộng đồng. Ảnh: Nhân vật cung cấp .(Ảnh nhân vật cung cấp)

Theo đuổi con đường còn khá mới mẻ ở Việt Nam, Kỳ Duyên cho biết phải không ngừng cố gắng nâng cao nhận thức về khái niệm này đến với cả người lớn lẫn thiếu nhi. Cô kể: "Áp lực lớn nhất là làm sao tạo ra được nhiều tác động ảnh hưởng tốt đến bạn nhỏ trong lúc phải cân bằng các yếu tố từ nghiên cứu khoa học, chi phí, giá thành, thiết kế, làm sao để các em học được nhiều nhất từ sản phẩm của EM-IN. Và đó cũng là động lực để EM-IN hoàn thiện sản phẩm - đặt sự ưu tiên cho việc học và phát triển của trẻ em lên hàng đầu".

Tuổi tác không là rào cản

Kỳ Duyên rất thận trọng khi đưa ra định hướng phát triển cho dự án, tránh các quyết định mang đến rủi ro, sai lầm. Khi bình tĩnh và hít thở sâu, cô nhận ra chính mình cũng đang trên con đường phát triển bản thân. Duyên áp dụng tinh thần khiêm tốn học hỏi để tốt hơn mỗi ngày.

Thời gian đầu nhận vị trí phó phòng, anh Lê Văn Lập cũng chưa thoải mái khi phải phân công, giao việc cho các nhân viên lớn tuổi hơn. Sếp nhỏ tuổi hơn nhân viên có thể là trở ngại. Tuy nhiên, nếu chứng minh được năng lực và biết cách giao tiếp, ứng xử phù hợp thì người quản lý sẽ nhận được sự chung sức từ những người dày dạn chuyên môn. Bạn trẻ cần tự tin, can đảm, nhạy bén, linh hoạt, giữ phong cách quản lý tích cực, nhất là khi làm sếp các nhân sự có nhiều năm làm việc hơn.

Với chị Châu Minh Hiền, Phó Chánh Văn phòng Sở Nội vụ TP HCM, thì trong nhiều lĩnh vực, tuổi tác đã không còn là vấn đề quan trọng hàng đầu. Bởi trên thực tế, hiệu quả đạt được mới là mục tiêu trọng yếu. Cô gái 9X tâm tình: "Bản thân tôi là người trẻ nhất trong tổ tôi phụ trách nhưng không vì thế mà bất lợi trong công việc, mối quan hệ đồng nghiệp. Thậm chí, ai nấy còn hỗ trợ nhiệt tình, vui vẻ, phối hợp kịp thời". Chị Hiền từng được trao giải thưởng "Cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi" toàn quốc lần thứ VIII và nhiều bằng khen khác của TP HCM. Theo chị, luôn lắng nghe, chia sẻ, tôn trọng nhau, hướng đến thành công chung là những tiêu chí quan trọng. Chị Hiền lựa chọn nhìn nhận sự việc khách quan với tâm thế lạc quan để cân bằng công việc giữa bộn bề áp lực.

Khi Gen Z làm sếp - Ảnh 3.

Công chức trẻ Châu Minh Hiền là một điển hình tiêu biểu, tiên phong trong việc đề xuất các giải pháp góp phần thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Chị Hiền cho rằng môi trường nào cũng có vất vả và niềm vui riêng. Bản thân chị nhận được nhiều thuận lợi, từ sự tin tưởng, động viên của cấp trên, sự hỗ trợ của đồng nghiệp, gia đình. "Tôi nghĩ tất cả thử thách đều quý giá và cho mình những bài học đáng trân trọng. Lắm lúc trọng trách và khối lượng công việc có thể gây quá tải nhưng hiểu là kết quả đạt được sẽ mang lại lợi ích hơn nhiều so với công sức nhỏ bé của bản thân, nên tôi càng bền bỉ vượt qua. Tôi tin không chỉ riêng mình mà nhiều người trẻ đều có quyết tâm đóng góp như vậy" - chị Hiền bộc bạch.


Đinh Lan - Hữu Minh/nld.com.vn

https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/khi-gen-z-lam-sep-20230225203904833.htm

  • Từ khóa