Động lực phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Thứ 3, 18.04.2023 | 08:46:20
665 lượt xem

Ba tỉnh miền núi Thái Nguyên, Bắc Kạn và Cao Bằng có số dân là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao. Những năm gần đây, kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của ba tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng so với các vùng, miền địa phương khác thì vẫn còn nhiều khó khăn.

Chế biến trà hoa vàng tại Hợp tác xã nông lâm Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn. (Ảnh KHÁNH LY)


Tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi được các tỉnh xác định là động lực phát triển, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Tập trung triển khai

Thần Sa là xã vùng cao của huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) với 99,8% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo còn gần 36%, kết cấu hạ tầng, trình độ dân trí còn hạn chế. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nguyễn Minh Tuấn cho biết: “Chúng tôi rất phấn khởi khi Đảng, Nhà nước ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Đây là nguồn lực quan trọng để giải quyết những vấn đề khó khăn vốn là nỗi trăn trở nhiều năm của địa phương. Chúng tôi xác định thực hiện chương trình thật hiệu quả, ưu tiên đầu tư những vấn đề cấp thiết nhất”.

Dù được phân bổ nguồn vốn muộn, nhưng năm 2022, Thần Sa đã làm xong nhà văn hóa, sửa chữa cầu treo xóm Trung Sơn, tu sửa đường vào nhà văn hóa xóm Ngọc Sơn 1 với tổng số vốn 1,6 tỷ đồng. Năm 2023, xã sẽ cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho các gia đình, hỗ trợ xóa nhà tạm cho 11 hộ.

Được giao chủ trì thực hiện Dự án 8 về bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên thành lập Ban điều hành, tổ chức hàng trăm lớp tập huấn cho hàng chục nghìn đối tượng. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Vũ Thị Thu Thủy cho biết: “Năm 2023, các cấp Hội sẽ thành lập mới 96 tổ truyền thông tiên phong trong cộng đồng, 48 tổ tiết kiệm vay vốn thôn bản, 20 tổ/nhóm sinh kế do phụ nữ lãnh đạo hoặc các cơ sở sản xuất do phụ nữ làm chủ; trợ giúp phụ nữ dân tộc thiểu số nhóm yếu thế về phát triển kinh tế, chăm sóc sức khỏe, sinh đẻ an toàn, chống bạo lực gia đình; đẩy mạnh triển khai các mô hình hỗ trợ thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.

Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc là nội dung được ba tỉnh chú trọng đi đôi với phát triển kinh tế. Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “Ngày 31/3, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chấp thuận cho thành lập câu lạc bộ Khèn Mông Pác Nặm. Việc thành lập câu lạc bộ sẽ góp phần tập hợp, đoàn kết các cá nhân có năng khiếu, cùng sở thích về thổi và múa khèn, hoạt động thường xuyên nhằm nâng cao giá trị văn hóa trên địa bàn. Thời gian tới, huyện sẽ thành lập thêm nhiều Câu lạc bộ văn hóa dân gian tương tự, gắn hoạt động với phát triển du lịch”. Bắc Kạn hiện đã xây dựng được hàng trăm câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân gian, như: then Sắc Chàm; hát then đàn tính các huyện Na Rì, Bạch Thông, Chợ Đồn, thành phố Bắc Kạn; hát Sli, hát lượn cọi, khèn Mông... góp phần duy trì và phát triển song hành văn hóa dân tộc cùng với đời sống xã hội.

Với quyết tâm chính trị triển khai thực hiện hiệu quả chương trình, ba tỉnh đã hướng dẫn, chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ chương trình. Trưởng ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, Bế Văn Hùng cho biết: “Ban tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết nội dung thực hiện chương trình trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Trung ương. Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng hướng dẫn, chỉ đạo các ngành, địa phương chủ động điều chuyển vốn thực hiện các nội dung chưa có đầy đủ văn bản hướng dẫn thực hiện sang các nội dung đã có đầy đủ căn cứ, hướng dẫn thực hiện; qua đó, quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ chương trình”.

Giai đoạn 2021-2025, ba tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn và Cao Bằng được phân bổ hơn 8.200 tỷ đồng để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tỷ lệ giải ngân vốn năm 2022 của Thái Nguyên đạt hơn 60%, Bắc Kạn đạt hơn 70%, Cao Bằng đạt gần 50% là nỗ lực lớn trong hoàn cảnh vốn giao muộn, lại mất nhiều thời gian dành cho hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn, Triệu Thu Phương cho biết: “Trong tháng 3, tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình năm 2023 với mục tiêu giảm 3,5% số hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số; đưa 11 xã và 11 thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn. Từ đó, tạo tiền đề để hoàn thành mục tiêu cả giai đoạn, góp phần phát triển toàn diện vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số”.

Trong tháng 3, tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình năm 2023 với mục tiêu giảm 3,5% số hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số; đưa 11 xã và 11 thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn. Từ đó, tạo tiền đề để hoàn thành mục tiêu cả giai đoạn, góp phần phát triển toàn diện vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn, Triệu Thu Phương

Tháo gỡ khó khăn

Do đây là chương trình mục tiêu quốc gia mới, hệ thống văn bản hướng dẫn, quy định triển khai chưa đồng bộ, còn chồng chéo cho nên việc triển khai của ba tỉnh còn nhiều lúng túng. Theo lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn, với 10 dự án, 22 tiểu dự án cùng hàng loạt các nội dung thực hiện trong năm 2023 thì để cấp cơ sở thông suốt, nắm rõ nội dung, cách thức triển khai là việc cần thời gian, không thể “một sớm một chiều”. Thực tế cho thấy ở nhiều địa phương không tránh khỏi tình trạng, nhiều cấp ủy, chính quyền xã còn rất mơ hồ về nội dung, cách thức triển khai và những việc cần làm.

Để khắc phục, tháo gỡ khó khăn, ba tỉnh đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, Nguyễn Thanh Bình chia sẻ: “Chúng tôi xác định chương trình sẽ tạo cơ hội, nguồn lực, động lực để phát triển toàn diện khu vực miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số nên các cấp, ngành trong tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo từ rất sớm.

Tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn, ngân sách tỉnh bố trí vốn đối ứng ít nhất 15%, ban hành kế hoạch thực hiện, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành và yêu cầu tổ chức thực hiện thật tốt để mang lại hiệu quả thiết thực”.

Hội đồng nhân dân ba tỉnh đã ban hành các nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách trung ương và tỷ lệ đối ứng ngân sách địa phương thực hiện chương trình; phương án phân bổ vốn; nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng; cơ chế huy động nguồn lực và lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia...

Ủy ban nhân dân ba tỉnh ban hành các quyết định về phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện; cơ chế quay vòng một phần vốn hỗ trợ để luân chuyển trong cộng đồng theo từng dự án, phương thức hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng; quy định việc quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước giao cho cộng đồng tự thực hiện xây dựng công trình theo định mức hỗ trợ; danh mục loại dự án được áp dụng cơ chế đặc thù; ủy quyền cho cấp huyện, cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thiết kế mẫu, thiết kế điển hình...

Do đó, việc triển khai chương trình chủ động, thuận lợi, đồng bộ và đến nay mang lại hiệu quả bước đầu.

Tuy nhiên, do văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan chưa đồng bộ, kịp thời nên việc thực hiện còn lúng túng. Cụ thể, các địa phương phản ánh do chưa có quy định về định mức đất ở, đất sản xuất cho nên chưa có cơ sở hỗ trợ; nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, nên việc hỗ trợ xóa nhà tạm lúng túng; tham gia vào chuỗi giá trị phải có từ 70% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số gây khó khăn trong việc mời gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia tiêu thụ sản phẩm; chưa thống nhất trong việc đào tạo, cấp chứng chỉ, cập nhật kiến thức, tài liệu bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ dân tộc thiểu số...

Theo Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, hiện một số sở, ngành và các địa phương xin trả lại kinh phí triển khai năm 2023 vì chưa đủ cơ chế và hướng dẫn để giải ngân, dù đối tượng được thụ hưởng chính sách còn rất nhiều. Trong đó, tất cả các huyện xin trả lại kinh phí thực hiện các dự án 1, dự án 5 và 7 vì thiếu cơ chế, hướng dẫn để triển khai.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững đều giao nhiệm vụ chủ đầu tư, đơn vị trực tiếp sử dụng ngân sách là Ủy ban nhân dân cấp xã đối với nhiều hạng mục như: Khoán bảo vệ rừng; hỗ trợ bảo vệ rừng; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng; trồng rừng… Đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn cho rằng, đây là khối lượng công việc quá lớn, trong khi cấp xã thiếu cán bộ chuyên trách về lâm nghiệp đang ảnh hưởng lớn quá trình triển khai.

Phó Trưởng ban phụ trách Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên, Lê Kim Phúc kiến nghị: “Đến nay, một số bộ, ngành vẫn chưa ban hành hướng dẫn thực hiện chương trình. Các vướng mắc, bất cập trên thực tế đã được tổng hợp, báo cáo, đề nghị các bộ, ngành trung ương sớm ban hành hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung, quy định cụ thể, đồng bộ để quá trình triển khai, tổ chức thực hiện kịp thời, thuận lợi, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân”.

Đến nay, một số bộ, ngành vẫn chưa ban hành hướng dẫn thực hiện chương trình. Các vướng mắc, bất cập trên thực tế đã được tổng hợp, báo cáo, đề nghị các bộ, ngành trung ương sớm ban hành hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung, quy định cụ thể, đồng bộ để quá trình triển khai, tổ chức thực hiện kịp thời, thuận lợi, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân.

Phó Trưởng ban phụ trách Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên, Lê Kim Phúc

Để tháo gỡ khó khăn, sớm triển khai hiệu quả chương trình, ba tỉnh kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm có quy định về định mức hỗ trợ đầu tư, như: đất ở, nhà ở, đất sản xuất, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu…; quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương ban hành văn bản hướng dẫn thành lập Ban quản lý các chương trình, dự án lâm nghiệp cấp huyện; giao kế hoạch vốn từng dự án, tiểu dự án thì không giao theo lĩnh vực chi, mà để địa phương tự cân đối, phù hợp chủ trương tăng cường phân cấp cho địa phương…

Đồng thời, kiến nghị Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành Trung ương thống nhất ban hành kịp thời các thông tư, văn bản hướng dẫn để các địa phương có căn cứ triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án, chính sách kịp thời.


THẾ BÌNH, MINH TUẤN VÀ TUẤN SƠN

https://nhandan.vn/dong-luc-phat-trien-toan-dien-vung-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-post748267.html

  • Từ khóa