Đổi mới trong giới thiệu sách và lan tỏa văn hóa đọc

Chủ nhật, 30.04.2023 | 14:57:49
997 lượt xem

Tăng cường phục vụ sách đến độc giả bằng xe “Thư viện lưu động”, giới thiệu đọc sách trực tuyến trên Kho sách điện tử, kết nối tổ chức các cuộc thi, hoạt động trưng bày sách, đọc sách phù hợp với từng lứa tuổi… là những hoạt động thiết thực đã và đang được các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh thực hiện thời gian qua. Qua đó, góp phần duy trì, lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng xã hội theo những cách thức mới.

Nhằm thúc đẩy và phát triển văn hóa đọc trên địa bàn, hằng năm, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng các ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động, chương trình góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng như: triển lãm, giới thiệu sách; thi kể chuyện theo sách; các hoạt động hưởng ứng “Ngày Sách Việt Nam 21/4”; “Ngày sách và bản quyền thế giới 23/4”…

Người dân đọc sách trên xe “Thư viện lưu động” phục vụ tại Phố đi bộ Kỳ Lừa, thành phố Lạng Sơn

Ông Nguyễn Hoàng Toàn, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Để nâng cao chất lượng và thu hút độc giả đến với thư viện, đơn vị đã đổi mới hoạt động tuyên truyền, giới thiệu sách. Trước năm 2010, thư viện chỉ giới thiệu sách trên bảng thông báo, thì nay, thư viện đã ứng dụng công nghệ thông tin để giới thiệu, số hóa trên 1.000 tài liệu sách để phục vụ độc giả. Từ năm 2022 đến nay, Thư viện tỉnh đã phục vụ lưu động với trên 100.000 lượt luân chuyển sách, báo, tài liệu đến 63 điểm đọc sách tại các trường học, phòng đọc sách cơ sở, đồn biên phòng… và các xã nông thôn mới thuộc 11 huyện, thành phố.

Đặc biệt, từ năm 2022 đến nay, Thư viện tỉnh đã phối hợp cùng trung tâm văn hóa, thể thao và truyền thông; phòng giáo dục và đào tạo các huyện, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức hoạt động khuyến đọc bằng xe “Thư viện lưu động”. Theo đó, đã có khoảng 70 chuyến xe với trên 20.000 lượt bạn đọc và gần 5.000 lượt truy cập máy tính.

Đáng chú ý, trong 2 năm liên tiếp (2021-2022), tỉnh tổ chức Cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” dành cho học sinh, sinh viên. Trong đó năm 2022, cuộc thi thu hút học sinh của 341 trường học trong tỉnh tham gia với 27.965 bài dự thi (số lượng bài dự thi tăng gấp 4 lần so với năm 2021). Kết thúc cuộc thi, Ban Tổ chức đã trao 30 giải thưởng cho các bài dự thi xuất sắc nhất.

Năm 2023, hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), trên khắp các địa phương của tỉnh đều sôi nổi các hoạt động nhằm lan tỏa sách và văn hóa đọc trong cộng đồng. Đơn cử, 100% trường phổ thông trên địa bàn tỉnh tổ chức các hoạt động như: Xếp sách nghệ thuật; kể chuyện và làm theo sách, tìm hiểu kiến thức qua sách, vẽ tranh theo sách…

Tiêu biểu trong chuỗi các chương trình hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay, một số tổ chức đã có những đổi mới, linh hoạt trong hoạt động giới thiệu sách. Anh Lương Đình Chung, Bí thư Thành đoàn Lạng Sơn cho biết: Để lan tỏa sách và văn hóa đọc phù hợp với xu thế chuyển đổi số hiện nay, ngoài việc trưng bày sách, tạo không gian đọc sách, truyện cho người dân tại Phố đi bộ Kỳ Lừa, chúng tôi còn hướng dẫn người dân quét mã QR để truy cập vào Thư viện điện tử đọc sách trực tuyến miễn phí, đồng thời, chia sẻ file mềm các cuốn sách đã được số hóa trên các trang mạng xã hội của Thành đoàn…

Anh Nông Đức Long, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng cho biết: Tôi có dịp xuống Phố đi bộ Kỳ Lừa vào ngày 14/4 vừa qua và được hướng dẫn quét mã QR để đọc sách. Sau khi quét mã tôi nhanh chóng được dẫn tới kho sách của sachvui.vn với hàng nghìn đầu sách, truyện. Các cuốn sách được quét từng trang lên hệ thống nên đọc rất dễ và vẫn cho mình cảm giác như đang lật từng trang sách. Tôi thấy rất tiện vì từ nay tôi có thể đọc sách, truyện trên điện thoại ở bất cứ đâu.

 Cũng nhân dịp này, một số hoạt động nhằm khơi dậy văn hóa đọc đã và đang được các cá nhân, tổ chức tích cực triển khai trên địa bàn. Đơn cử, ngày 15/4 vừa qua, Liên hoan kể chuyện cho trẻ em lần đầu tiên được tổ chức tại thành phố Lạng Sơn theo hình thức xã hội hóa. Chương trình do Cộng đồng giáo dục Reggio Emilia tại Việt Nam (VIRES), thành phố Hồ Chí Minh khởi xướng. Chị Huỳnh Mỹ Ngọc, Giám đốc điều hành VIRES cho biết: Chương trình nhằm xây dựng văn hóa kể chuyện theo sách và kết nối các cộng đồng thực hành kể chuyện trên khắp Việt Nam. Trong liên hoan, học sinh sẽ được nghe và thực hành kể chuyện bằng nhiều hình thức: đọc sách, vẽ tranh, biểu diễn rối, vui chơi có lồng ghép câu chuyện sinh động… Năm nay, chương trình liên hoan gồm hơn 120 hoạt động kể chuyện diễn ra tại 21 tỉnh, thành ở Việt Nam và nước ngoài, trong đó có Lạng Sơn. Liên hoan được tổ chức tại Lạng Sơn thu hút trên 40 em từ 3 – 15 tuổi tham gia. Sau liên hoan chúng tôi nhận được phản hồi tích cực của phụ huynh và các em nhỏ, đó là động lực để chúng tôi khởi xướng nhiều hoạt động hơn nữa.

Với những hoạt động thiết thực, bổ ích, văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh đã và đang được lan tỏa trong các tầng lớp Nhân dân, khơi dậy niềm đam mê đọc sách, tạo nền tảng quan trọng cho việc tự học, học tập suốt đời của mỗi người, xây dựng xã hội học tập, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/van-hoa/578890-doi-moi-trong-gioi-thieu-sach-va-lan-toa-van-hoa-doc.html

  • Từ khóa